Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), Báo Giáo dục Việt nam xin gửi tới độc giả bài viết của Thiếu tá quân đội Vũ Thị Thoa – P.KD3 – Công ty TNHHMTV T608 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) kể về cô Phạm Thị Mai Hương – Giáo viên dạy Văn ở Trường THCS Ngọc Thụy
Một buổi chiều vừa đi làm về, con gái đưa cho tôi chiếc phong bì và nói “Cô Hương dặn con đưa lại cho mẹ. Cô bảo rất không hài lòng vì phụ huynh biếu phong bì ngày 20/11. Cô đã ân cần giải thích cho bọn con hiểu, sản phẩm do chính mình lao động có được mới sự thực sự bền vững”. Nghe con gái kể chuyện, tôi thấy thật xấu hổ và càng cảm phục cô giáo nhiều hơn!
Thật may mắn cho con gái đầu lòng của tôi khi được cô Hương chủ nhiệm hai năm học lớp 8 và lớp 9. Những đức tính tốt đẹp của một cô giáo luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp trồng người; có năng lực, kinh nghiệm và luôn hết lòng với con trẻ bằng tất cả tình yêu thương đã đi vào từng trang nhật ký của con gái tôi.
Những năm học trước đó, cháu vốn không thích môn Văn và cũng không giỏi Văn, nhưng từ khi được cô Hương giảng dạy, cháu hoàn toàn thay đổi. Cô chính là người truyền cảm hứng khiến cháu say mê môn Văn một cách kỳ lạ. Trong kỳ thi 2012-2013, con gái tôi đã đỗ thủ khoa đầu vào lớp chuyên văn – Trường PTTH chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, và giờ đây đang chuẩn bị cho các cuộc thi văn cấp quốc gia.
Cháu tâm sự với tôi: “Mẹ ơi, nếu cuộc đời con người may mắn thì ít nhất sẽ được trải nghiệm qua 50 thầy cô giáo, trong đó sẽ có những thầy cô làm thay đổi cuộc đời của mình. Cô Hương chính là người đầu tiên làm thay đổi nhận thức trên con đường đi tìm tri thức của con”.
Nguyễn Thị Thu Trang – Thủ khoa đầu vào 2012-2013 Lớp chuyên Văn Trường PTTH chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội và cô giáo Phạm Hương. |
Có người đã nói rằng, lòng bao dung là điều quan trọng hơn hết ở người thầy. Bạn có thể tràn đầy nhiệt huyết, say mê tri thức nhưng nếu thiếu một trái tim nhân từ và độ lượng, biết vì mọi người, biết tha thứ cho những lỗi lầm nông nổi của tuổi học trò, bạn sẽ chẳng bao giờ là một người thầy tốt.
Ở cô giáo Hương, lòng bao dung và sự chân thành còn đẹp hơn bất cứ lời lẽ hoa mĩ nào. Cô đã dạy các con về tình yêu đồng loại, về lòng nhân ái, hướng học trò trở thành những con người thực sự có ích trong cuộc sống vội vã, đầy cám dỗ. Cô như một người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay với những đứa con lầm lỗi, cảm hóa những đứa trẻ ngỗ ngược trở thành trò ngoan.
Những giờ văn của cô Hương luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, cuốn hút học trò thi đua học tập. Và, cô cũng thường tặng quà động viên tinh thần học tập cho các con. Những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, không chỉ dành cho những học sinh có kết quả học tập tốt, mà còn khích lệ cả những học sinh “cá biệt” đã dẫn thay đổi và trở nên tiến bộ.
Cô tổ chức hoạt động thể thao để các bạn nam trở thành những người đàn ông mạnh mẽ. Cô dạy các bạn gái làm những món ăn thật tinh tế, dạy cách ứng xử khéo léo trong đời thường… Có những buổi học vừa tan thì cơn mưa ập xuống, cô vội vàng chạy đi mua cho học trò những chiếc áo mưa để chúng không bị ướt.
Giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống, trong lúc đồng lương của người giáo viên vẫn còn thấp thì ở đâu đó đã có chuyện cô giáo phải kiếm sống bằng cách mở lớp “dạy thêm” cho con trẻ mới vào lớp 1. Chẳng thế mà đã có người nói một cách đầy cay đắng rằng “Học trò bị nhồi nhét vì miếng cơm manh áo của thầy”. Nhưng cô giáo Hương thì làm ngược lại, cô luôn sẵng lòng kèm thêm cho các bạn có học lực yếu vào những ngày cuối tuần mà không bao giờ nhận bất cứ một khoản thù lao nào.
Nhiều phụ huynh đã tranh thủ dịp 20/11 và ngày Tết nguyên đán thể hiện sự biết ơn với cô bằng những món quà nhỏ, có khi kèm theo cả “phong bì”. Nhưng sau mỗi lần ấy, cô đều trả lại “phong bì” và nhắc học trò nhớ: Sản phẩm do chính mình lao động có được mới sự thực sự vững bền.
Lòng bao dung, thương cảm học trò và nhân cách sáng ngời của cô giáo Phạm Mai Hương đã làm thay đổi cuộc đời của con gái tôi, và nhiều thế hệ học sinh khác nữa. Học trò đặt cho cô biệt danh trìu mến là “Tỷ phú tình yêu”, vì tình cảm chân thành mà cô dành cho nhiều thế hệ học trò của mình không bao giờ khô cạn. Và, chúng viết trên facebook những dòng cảm xúc đầy nước mắt: “Thật hạnh phúc vì nhận ra rằng chẳng đâu đẹp bằng nơi ấy, chẳng đâu nồng nàn yêu thương như nơi ấy, chẳng đâu đáng yêu, cảm động và ý nghĩa đến vậy…”.
Chúng gọi cô là “Mẹ”, là “U Hương”!
Nhiều học sinh yêu mến gọi cô là Mẹ, là U Hương. |
Thời gian qua, báo chí đã đưa tin về sự bê bối, bất cập của nền giáo dục nước nhà, một số nhà giáo đang làm hoen ố nền giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Đó là những câu chuyện buồn. Rất buồn! Nhưng cũng thật may mắn vì trong một xã hội “vàng thau lẫn lộn” thì vẫn đang còn đó những nhà giáo chân chính như cô Phạm Hương.
Những nỗ lực không biết mệt mỏi của cô Phạm Hương không chỉ được nhiều thế hệ học trò và các phụ huynh ghi nhận, mà ở các cấp quản lý cũng đánh giá cao, nhiều năm liền cô Hương được trao tặng các giải thưởng cấp quận, giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, danh hiệu mẹ hiền... Tôi hiểu rằng, để có được cái danh hiệu cao quý ấy, có lẽ cô đã phải hy sinh nhiều thứ riêng tư, để có nhiều thời gian dành cho học trò. Và sau mỗi ngày lên lớp, cô trở về nhà là một người con hiếu thảo, một người vợ thủy chung và là một người mẹ mẫu mực. Đêm xuống, cô lại trăn trở với những trang giáo án, những bài giảng, để ngày mai giúp các con thành người.
Con người chị thật hợp với ý Đảng, lòng dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang tập trung khắc phục những yếu kém của nền giáo dục, bởi con người chính là nguồn lực, là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước.
…
Rồi có một ngày, con gái tôi sẽ trở thành cô giáo. Con gái bảo rằng, sẽ thật tự hào nếu được trở thành đồng nghiệp với một nhà giáo chân chính như cô Hương. Tôi nói với con rằng, hãy tin vào những gì mình đã chọn, bởi đó là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý: Nghề dạy học! Dạy con trẻ thành người. Như lời Bác Hồ căn dặn:“Thầy giáo và học sinh phải thật thà. Sống thật, nói thật, làm thật để cống hiến thật sự, để lời nói đi đôi với việc làm, làm có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho xã hội, cho chính bản thân mình”.