Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ cách bảo vệ quyền lợi nhà giáo

24/03/2018 07:24
Thùy Linh
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, về lâu dài, cần có luật riêng cho nhà giáo, không nên dùng Luật viên chức để điều chỉnh nhà giáo như hiện nay.

LTS: Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 không có nội dung chính sách tăng lương cho giáo viên mặc dù đề xuất này trước đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 

Điều đáng nói, trong văn bản góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã có ý kiến không đồng thuận về chính sách này nên việc đề xuất tăng lương cho giáo viên chưa thể áp dụng được.

Trước vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này. 

Phóng viên: Thưa bà, được biết Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tham gia vào quá trình thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có nội dung về chính sách lương nhà giáo.

Bà suy nghĩ thế nào khi nội dung này đã bị đưa ra khỏi dự thảo Luật?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Trong năm 2018, Quốc hội sẽ  cho ý kiến và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó chính sách nhà giáo và đào tạo sinh viên sư phạm đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Với vai trò là cơ quan thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đang triển khai các bước thẩm tra dự án luật theo tinh thần đáp ứng những yêu cầu mà thực tiễn đang đặt ra.

Về chính sách nhà giáo, tôi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này cần đưa nguyên tắc: Nghề giáo là một nghề đặc thù; do đó chính sách cho nhà giáo cũng phải mang tính đặc thù.

Về lâu dài, cần có luật riêng cho nhà giáo, không nên dùng Luật viên chức để điều chỉnh nhà giáo như hiện nay.

Bởi lẽ, sản phẩm của giáo dục là sự hình thành nhân cách, trí tuệ của thế hệ trẻ; là chất lượng nguồn nhân lực tương lai. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, về lâu dài, cần có luật riêng cho nhà giáo, không nên dùng Luật viên chức để điều chỉnh nhà giáo như hiện nay. (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, về lâu dài, cần có luật riêng cho nhà giáo, không nên dùng Luật viên chức để điều chỉnh nhà giáo như hiện nay. (Ảnh: quochoi.vn)

Vì vậy, Nhà nước và xã hội cần quan tâm tới chính sách đặc thù cho nhà giáo. Không chỉ đơn giản là vấn đề lương và phụ cấp; mà còn phải quan tâm tới cách ứng xử với nhà giáo như thế nào, tạo môi trường làm việc cho nhà giáo ra sao để nhà giáo có được tâm huyết, gắn bó với nghề; và tham gia một cách tốt nhất vào sự nghiệp trồng người.

Muốn vậy, những vấn đề có tính nguyên tắc cần được quy định cụ thể trong luật. 

Đây cũng là lý do tại sao cần có chính sách đặc biệt để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Hiện nay, chính sách ưu tiên đối với sinh viên sư phạm trong luật giáo dục hiện hành đang là miễn giảm học phí. Tuy nhiên trong dự thảo có đề xuất điều chỉnh từ hình thức miễn giảm sang hình thức “tín dụng”. Bà lý giải như thế nào về sự thay đổi này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Nội dung điều chỉnh chính sách đối với sinh viên sư phạm cũng là một điểm nhấn trong sửa đổi Luật Giáo dục lần này. Nguyên nhân để Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh chính sách là xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn. 

Thời gian đầu, chính sách miễn giảm học phí có tác động tích cực, thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào trường sư phạm, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường phổ thông.  

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ cách bảo vệ quyền lợi nhà giáo ảnh 2Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng!

Tuy nhiên, về giai đoạn sau này, chính sách miễn giảm học phí đã không còn đủ sức thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm nữa. 

Bởi, vấn đề chi phối sự lựa chọn của sinh viên không chỉ là ưu đãi miễn giảm học phí, mà quan trọng hơn, quyết định hơn là vấn đề cơ hội việc làm và mức thu nhập.

Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm không tìm được việc làm; và nếu có được vào làm giáo viên thì mức lương hàng tháng rất thấp. Thế nên mới có chuyện điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm mấy năm gần đây rất thấp. 

Và thêm một bất cập nữa là nhiều sinh viên trước đây được hưởng chính sách này nhưng ra trường họ lại không tham gia vào ngành sư phạm; có nghĩa là chính sách đầu tư miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã không đạt được mục đích. Đây cũng là một hình thức lãng phí nguồn ngân sách.

Từ thực tế đó nên thời gian qua dư luận đã băn khoăn nhiều về chất lượng giáo viên, về hiệu quả của chính sách học phí đối với sinh viên sư phạm. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra đề xuất thay thế chính sách này.

Theo bà, việc điều chỉnh chính sách miễn học phí sang tín dụng sẽ tác động như thế nào đối với đầu vào các trường sư phạm hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa:
Điều này sẽ có tác dụng đầu tiên là giảm lãng phí về ngân sách nhà nước; hướng tới mục tiêu chi ngân sách đúng đối tượng, đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, miễn học phí hay chuyển sang tín dụng chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ cách bảo vệ quyền lợi nhà giáo ảnh 3Hai Bộ không muốn “lương nhà giáo cao nhất” là thể hiện thái độ gì?

Muốn giải quyết gốc rễ vấn đề về chất lượng đội ngũ nhà giáo, thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm thì cần phải đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ: việc làm sau khi ra trường thế nào, đãi ngộ ra sao để những nhà giáo tương lai sống được bằng nghề; và cần tạo môi trường làm việc tốt nhất để nhà giáo được cống hiến, được ghi nhận, được tôn vinh.

Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hợp lý để đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đồng thời đầu tư sửa đổi một cách toàn diện Chương Nhà giáo, bao gồm xác định vai trò, vị trí, vị thế của nhà giáo trên tinh thần coi nghề giáo là nghề đặc thù.

Ngoài  hai chính sách nêu trên, theo bà lần sửa đổi này cần chú trọng hơn vấn đề nào nữa?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Theo tôi, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dạy, người học, gia đình, xã hội đối với môi trường giáo dục; quy định về ứng xử đối với thầy cô giáo...

Bởi thời gian gần đây, có nhiều sự việc, câu chuyện xảy ra tác động tiêu cực tới môi trường sư phạm; xúc phạm nhà giáo, làm tổn thương nhà giáo. 

Đó là những vấn đề mà thực tiễn đã và đang đặt ra, cần được nghiên cứu, sửa đổi trong Luật Giáo dục lần này.

Thưa bà, để siết chất lượng đào tạo giáo viên, trong quy chế mới nhất về tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra yêu cầu chỉ tuyển bằng học bạ vào sư phạm đối với những học sinh đạt lực học khá giỏi. Bà đánh giá như thế nào về tiêu chí này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Tôi cho rằng việc siết chặt điểm đầu vào và có tiêu chí nhất định đối với khâu tuyển sinh ngành sư phạm là một quy định đúng, cần được ủng hộ. 

Trong bối cảnh sinh viên sư phạm ra trường thừa rất nhiều, đây là việc cần làm ngay để điều tiết lại số lượng tuyển sinh của trường sư phạm.

Mặt khác, xét về lý, muốn được hưởng chính sách dành cho sinh viên ngành sư phạm thì phải đạt những tiêu chí nhất định là hoàn toàn đúng đắn. Việc khống chế điểm sàn cùng các tiêu chí như trong quy định tuyển sinh năm 2018 là điều cần phải làm trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ cách bảo vệ quyền lợi nhà giáo ảnh 4Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất

Nhưng cũng nên xác định đây chỉ là giải pháp tình thế để nâng chuẩn đầu vào cho ngành sư phạm.

Điều cần xem xét, giải quyết một cách căn cơ hơn, lâu dài hơn là phải làm tốt bài toán quy hoạch nhân lực ngành sư phạm; tạo cơ hội việc làm; có chính sách lương bổng phù hợp...  

Khi ngành sư phạm có đủ sức hấp dẫn thì không chỉ là nâng điểm chuẩn, mà cần phải qua sơ tuyển về sức khỏe, ngoại hình, ngôn ngữ, kỹ năng sư phạm... để hướng tới xây dựng một đội ngũ nhà giáo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện.

Tuy nhiên, hiện nay câu chuyện ngành Sư phạm “rớt giá” vẫn đang làm dư luận băn khoăn đi tìm lời giải. Vậy những tiêu chí mà Bộ đưa ra liệu có khả thi, thưa bà?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa:
Chúng ta mong muốn là vậy nhưng quyền lựa chọn học ngành nào lại thuộc về người học.

Đặc biệt, đối với học sinh giỏi, có năng lực thì các em có rất nhiều cơ hội lựa chọn. Và đương nhiên, với vị thế và điều kiện sống, môi trường làm việc như hiện nay của nhà giáo thì cũng khó thu hút người giỏi chọn ngành sư phạm.

Tuy nhiên, dù mùa tuyển sinh năm nay có thể chưa giải quyết được mục tiêu chất lượng đầu vào của ngành sư phạm phải cao; nhưng chắc chắn sẽ ngăn chặn được việc tuyển sinh ồ ạt vào các trường sư phạm, kể cả hạ điểm chuẩn quá thấp như thời gian qua. Đó là cái được của chính sách này.

Trân trọng cảm ơn bà.

Thùy Linh