LTS: Bệnh thành tích - một căn bệnh thâm căn cố đế đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội và đặc biệt là ngành giáo dục.
Chia sẻ về bệnh thành tích, cách thức nâng điểm, thêm phẩy cho các em học sinh của nhiều giáo viên, tác giả Kiên Trung có bài viết đưa ra quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Tháng 4, tháng 5 là những tháng nước rút, tháng cao điểm của hoạt động dạy - học gắn với các bài kiểm tra thường xuyên và bài kiểm tra định kỳ để có đủ các cột điểm cho học kỳ 2 và tổng kết năm học.
Học sinh thì vất vả, áp lực với nhiều bài kiểm tra, còn thầy cô giáo lại nhọc nhằn, cân nhắc trong đánh giá, chấm trả bài, thông báo điểm cho các em.
Giáo viên và các em học sinh vất vả với hoạt động dạy, học (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN). |
Trong cuộc sống và môi trường giáo dục hôm nay, mỗi thầy cô giáo có biết bao nhiêu mối quan hệ ràng buộc, đan xen: đồng nghiệp, bà con, phụ huynh, con em, học sinh của lớp, trường mình…
Nói thật, bây giờ, không còn nhiều nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo phổ thông có đủ bản lĩnh, dũng khí để vượt qua những mối quan hệ rích rắc, riêng - chung ấy mà thực hiện đúng quy định của ngành trong đánh giá, xếp loại học lực và hạnh kiểm học sinh.
5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương dùng kết quả điểm trung bình về học lực ở lớp 12 tham gia vào xét tốt nghiệp trung học phổ thông cùng với điểm các bài/môn thi theo tỉ lệ 50:50.
Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và hợp lý, coi trọng quá trình học tập, rèn luyện của các em, những học sinh nào cố gắng học tập tốt thì sẽ có nhiều lợi thế trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng nếu như các trường đại học, cao đẳng xem xét cả kết quả học tập lớp 12, 11 và lớp 10.
Thế nhưng vì bệnh thành tích, không muốn trường ta “thua chị, kém em” và tâm lý “thương” học trò và phụ huynh của mình nên hầu hết các thầy cô giáo, nhà trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập, cứ phóng các con điểm ở các môn học cho học sinh lớp 12 lên đến tận…mây xanh.
Để rồi cuối năm lớp 12 toàn từ 7,0 điểm trở lên, tạo ra một khoảng khá xa so với năng lực hiện có của nhiều học sinh.
Kết quả đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017 của cả nước đạt trên 90%, trong đó nhiều tỉnh tỉ lệ đỗ cao ngất ngưởng, gần 100%.
Nếu như không có sự “trợ giúp” đắc lực của điểm học bạ lớp 12, mà chỉ căn cứ vào kết quả điểm thi các môn, bài thi thì mới có khoảng 50% thí sinh đạt điểm 5 trở lên.
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông lâu nay lại bám sát chương trình, chuẩn kiến thức - kỹ năng, học sinh lực học trung bình đều có thể dễ dàng vượt qua.
Thêm cơ sở này, nó cho chúng ta thấy một thực trạng đáng buồn, điểm học được đánh giá một cách giả dối, không thực chất.
Nhiều người tâm huyết với ngành giáo dục, chán ghét bệnh thành tích từng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy sớm bãi bỏ chủ trương, điểm học bạ lớp 12 tham gia xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông để việc học và thi thực chất, đúng nghĩa.
Chắc chắn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa biết, nhiều địa phương, nhà trường, thầy cô giáo đang tìm cách làm dối trá, “phá hoại” chủ trương đúng đắn đó song Bộ Giáo dục lại vẫn im lặng, không có một động thái nào để chấn chỉnh “tệ nạn” nâng khống điểm vô tội vạ đang diễn ra phổ biến ở các trường trung học phổ thông trên phạm vi cả nước.
Đối tượng học sinh lớp 9 ở các địa phương sử dụng phương thức xét tuyển (kết quả học tập và hạnh kiểm 4 năm học trung học cơ sở) khi tuyển sinh vào lớp 10 cũng được hưởng lợi từ “tình thương” và sính thành tích của nhà trường, giáo viên.
Sau một thời gian xét tuyển, phụ huynh và học sinh phản ánh gay gắt về tình trạng bất công, đánh giá sai lệch kết quả của học sinh giữa trường này với trường khác, giữa học sinh nọ với học sinh kia, buộc các Sở Giáo dục và Đào tạo phải chuyển đổi sang phương thức thi tuyển đối với những nơi có số lượng, tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao hơn số lượng, chỉ tiêu được giao.
Có một số địa phương vẫn kiên trì dùng phương thức xét tuyển thì vấn nạn cho điểm khống, đánh giá không chính xác, khách quan chất lượng thực của học sinh lớp 9 ở nơi đó tiếp tục phơi bày đến nhức nhối.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chính thức cho phép những địa phương có số lượng học sinh đông (từ lớp 5 chuyển cấp lên lớp 6) so với chỉ tiêu và khả năng tiếp nhận của nhà trường được tổ chức thi tuyển, bãi bỏ quy định cấm tổ chức thi tuyển lên lớp 6 với bất cứ hình thức nào sau 3 năm triển khai thực hiện.
Những cảnh báo về chấm, trả bài kiểm tra, bệnh thành tích, ưu ái con giáo viên |
Vì 3 năm qua, nhiều nhà trường ở các thành phố lớn đều bất lực trước số lượng hồ sơ tham gia xét tuyển quá đông với kết quả toàn loại giỏi, toàn điểm 10 cả.
Rõ ràng, không thi, học sinh, phụ huynh và nhà nước lợi đủ đường, giảm thiểu được nhiều áp lực, tiêu cực nảy sinh.
Nhưng cuối cùng lại chẳng thể nào “đi tiếp” được nữa, đành quay về với con đường cũ, thi tuyển.
Cái căn nguyên sâu xa cũng tại nhà trường, thầy cô giáo bậc tiểu học phân loại, đánh giá học sinh không xong, cứ lấy thành tích làm trọng, bất chất quy định, cảnh báo của dư luận xã hội.
Đối tượng con em giáo viên, con em của một số phụ huynh có gửi gắm, nhờ cậy thầy cô giáo, nhà trường nâng điểm, thêm phẩy cao cao một tí để cho học bạ đẹp, để thêm cơ hội, lợi thế đỗ tốt nghiệp, xét tuyển vào ngành đặc thù như quân đội, công an… hơn chúng bạn khác, dường như ở trường, lớp nào cũng đều có, ít hay nhiều mà thôi.
Nếu như nhà trường, giáo viên nào kiên quyết, cứng rắn, nói không với tình trạng nâng điểm như thế này thì khó xử, nói ăn nói với một số đồng nghiệp, phụ huynh, bà con, cán bộ vốn là chỗ thân tình, từng giúp qua, giúp lại.
Từ đây, mọi người mới hiểu ra rằng, ở giáo dục phổ thông của chúng ta hiện nay có quá nhiều “vật cản”, chỉ có con đường thi và thi, mới đảm bảo mức độ tương đối công bằng và khách quan.
Còn con đường xét tuyển, đi được mấy bước là hỏng đến hỏng.
Tất cả nhà trường, đội ngũ giáo viên phổ thông trước khi trách ai đó thì hãy tự kiểm nghiệm, soi xét lại chính mình đã.