LTS: Từ câu chuyện thực tế trong việc dạy học của mình, nhà giáo Sông Mã phản ánh tình trạng xin điểm cho học sinh đang tồn tại ở nhiều trường học hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
“Xin điểm” tưởng như chỉ học sinh yếu kém mới cần đến hai tiếng ấy.
Thế nhưng ngay cả với học sinh giỏi, chuyện xin điểm vẫn thường xảy ra ở khá nhiều trường học.
Nếu là phụ huynh đặt vấn đề xin điểm, giáo viên còn có cơ hội từ chối.
Người đi xin điểm là đồng nghiệp thậm chí là sếp của mình (với tư cách cá nhân) thì chuyện từ chối cũng không hề dễ.
Nhưng đã là nhà trường mở lời trên hội đồng theo kiểu “vì quyền lợi chung của toàn trường” thì ai cũng phải tuân theo.
Chuyện xin điểm không chỉ làm học sinh lơ là trong học tập vì các em luôn sống ỉ lại vào người khác, mà còn làm các em xem thường một số môn học khác dẫn đến học lệch và hậu quả là hổng kiến thức nền.
Hình ảnh minh họa về sự nguy hại của căn bệnh thành tích trong giáo dục. (Ảnh: thethaovanhoa.vn) |
Chị Thùy dù ở chung xóm nhưng chưa bao giờ thấy chị qua nhà ai chơi dù rằng năm nào chúng tôi cũng đi vòng quanh xóm chúc tết.
Sáng ấy, thấy chị xuất hiện trước sân còn khệ nệ xách cả giỏ đồ đến biếu. Thấy làm lạ, tôi mời chị vào nhà uống nước, trò chuyện.
Vừa mở lời, tôi đã đoán ngay được chị đến để xin điểm cho con. Chẳng là ngày qua, khi tôi kiểm tra bài cũ của Tuấn (con chị hàng xóm) em không thuộc bài, cũng không soạn bài ở nhà.
Đây là lần thứ hai trong học kì tôi buộc phải ghi em điểm 0 vào sổ. Thế nhưng đáp lại lời nhắc nhở của tôi em cứ phớt lờ như không.
Đã thế trong giờ học Địa, em còn mang vở Anh văn ra làm bài.
Có lẽ nhận thấy nguy cơ thiếu điểm của con nên mẹ cậu bé đã chủ động tới nhà xin được thầy xí xóa cho điểm ấy.
Chị hàng xóm năn nỉ “do cháu dành khá nhiều thời gian để rèn Toán, Văn, Anh để thi chuyển cấp nên chẳng còn thời gian để học bài môn khác.
Nay thầy mà tổng kết điểm yếu cháu sẽ xếp loại học lực trung bình thì thiệt thòi quá”.
Người trực tiếp đến nhà, người lại nhờ các mối quan hệ khác để tác động xin được nâng điểm cho con.
Nếu xin điểm để học sinh khỏi ở lại lớp còn có thể thông cảm. Đằng này, có không ít người xin điểm để đạt học sinh giỏi.
Có thầy cô thậm chí là sếp xin cho em này, đề nghị nâng cho em kia vì “môn nào điểm cũng cao nhưng môn của em chỉ thiếu 0.1 mà mất đi danh hiệu học sinh giỏi thấy thiệt thòi cho nó quá”.
Có người lại đưa lý do: “8 năm em ấy đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm nay, môn của thầy em nó chỉ tổng kết có 6,4 thì uổng quá”…
Cá nhân đứng ra xin điểm, giáo viên có thể từ chối nhưng khi mang danh nghĩa nhà trường thì dù không bằng lòng với cách làm ấy thầy cô cũng phải im lặng và phục tùng.
Những học sinh được đặc cách “không học vẫn có điểm cao” là những em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi luyện thi cấp quốc gia.
Đây là những học sinh sẽ “đem chuông đi đánh xứ người” không chỉ mang vinh quang về cho cá nhân, gia đình mà mang cả danh dự về cho chính nhà trường.
Thế nên các em được ưu ái, được đặc cách không phải học những môn ngoài thi trong thời gian ôn luyện.
Do nhà trường muốn có giải để cạnh tranh và khẳng định thương hiệu nên thường ép học sinh dốc toàn lực ôn thi môn chủ đạo như học sinh đội tuyển Toán chỉ tốc lực học Toán.
Học sinh Văn chỉ luyện Văn...
Giáo viên những bộ môn khác sẽ lấy một học sinh giỏi làm chuẩn như điểm miệng, điểm học kì sẽ cho những học sinh trong đội tuyển ấy bấy nhiêu điểm.
Riêng những học sinh này đã học lệch để đi thi thì một lý do buộc các em phải miệt mài học hơn nữa là phải bằng mọi giá có được giải quốc gia.
Bởi đây là con đường giúp các em bước chân vào cổng trường đại học.
Nếu không có giải, các em dù giỏi cũng khó cạnh tranh với những học sinh khác vì học quá lệch, kiến thức hổng nghiêm trọng do được giáo viên tiếp tay nâng điểm.
Một học sinh trong đội tuyển Toán kể rằng: “Con có một vài bạn không đạt giải quốc gia nên thi đại học đạt điểm thấp đến bất ngờ”.
Người ta cứ kêu gọi, hô hào xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục nhưng xem ra căn bệnh này đã ăn sâu bén rễ trong từng nếp nghĩ của bao người đặc biệt là những người làm giáo dục.
Thế nên hy vọng ngành giáo dục sẽ hết được căn bệnh thành tích, xem ra ngày đó vẫn còn xa lắm.