Những cảnh báo về chấm, trả bài kiểm tra, bệnh thành tích, ưu ái con giáo viên

06/12/2017 06:49
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Đứa trẻ được ủ kỹ ra khỏi vòng ủ cũng không bằng ai, chỉ sống bằng ảo tưởng và luôn so sánh thời được đặc quyền rồi tự thất vọng.

LTS: Với mong muốn đưa ra những cảnh báo về việc chấm, trả bài kiểm tra, bệnh thành tích, ưu ái con giáo viên... ở cuối học kỳ, tác giả Kiên Trung đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Thời gian kết thúc học kỳ 1 năm học 2017-2018 đã đến rất gần. Các nhà trường, thầy cô giáo, học sinh đang gấp rút hoàn thành nội dung, chương trình, điểm số, hướng dẫn các em soạn, ôn tập theo đề cương thi học kỳ 1.

Những cảnh báo về chấm, trả bài kiểm tra, bệnh thành tích, ưu ái con giáo viên (Ảnh minh họa: laodong.vn).
Những cảnh báo về chấm, trả bài kiểm tra, bệnh thành tích, ưu ái con giáo viên (Ảnh minh họa: laodong.vn).

Đối với học sinh phổ thông, khi làm những bài kiểm tra định kỳ tại lớp thì rất lo lắng nhưng lại luôn trông đợi thầy, cô giáo bộ môn phát bài kiểm tra kịp thời, đúng quy định.

Điểm cao thì mừng reo.

Điểm thấp thì buồn thiu, giấu ngay bài kiểm tra ấy vào cặp xách.

Nhiều thầy cô giáo làm việc, chấm bài nghiêm túc, trách nhiệm, trước khi cho học sinh làm bài mới là trả ngay bài cũ, tuyệt đối không để dồn vào cuối học kỳ, không để các em giục giã, đòi hỏi…

Học sinh đều phấn khởi, hứng thú với những giáo viên trả bài như thế.

Nhưng thực tế vẫn còn không ít tập thể, học sinh lại phải thất vọng, buồn bã, thiếu động lực phấn đấu học tập trước việc một số thầy cô giáo lười chấm, trả bài, cứ để dồn cuối kỳ phát một lúc 5,6 bài kiểm tra.

Thậm chí có giáo viên chẳng chấm, trả một xấp bài nào cả song cuối kỳ, cuối năm học vẫn đủ các cột điểm theo quy định trong các sổ điểm.

Ôi! thật là tài tình.

Học sinh ta thường vốn sợ thầy, cô giáo nên bằng lòng với kết quả điểm thiếu công khai, minh bạch ấy của giáo viên. Hơn nữa, em nào em nấy đều đạt điểm khá trở lên, kiện thưa làm gì cho mệt.

Những cảnh báo về chấm, trả bài kiểm tra, bệnh thành tích, ưu ái con giáo viên ảnh 2

Kiểm tra cuối học kì, giáo viên chủ nhiệm ra đề thi và chấm bài

Giáo viên mệt mỏi, thiếu trách nhiệm trong việc chấm, trả cho học sinh và sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường, tổ chuyên là nguyên nhân chính của tình trạng bê trễ này.

Khi bàn bạc, thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu thi đua ở đầu năm học thì một số thầy cô giáo lại bàng quan, sớm chấp nhận, thỏa hiệp với các con số, tỉ lệ của tổ chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường đưa ra. Đưa bao nhiêu lên, đều bằng lòng hết.

Trong quá trình giảng dạy và đến cuối học kỳ thay vì tìm nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng bộ môn của mình dạy thì giáo viên thi đua nhau cấy điểm, nâng điểm cho học trò.

Điểm số trong tay họ, muốn đưa tới tận mây xanh vẫn được.

Dù có tổ chức kiểm tra chung bài kiểm tra 1 tiết trở lên; đánh, rọc phách, giáo viên khác chấm bài lớp mình cũng chẳng hề hấn, ăn thua gì, cứ “bắn” điểm hệ số khác là xong tất.

Nhiều phụ huynh, học sinh rất muốn nhà trường, thầy cô đánh giá, chấm điểm cho chính xác, công tâm, đừng vì bệnh thành tích, khen thưởng của cá nhân, của lớp chủ nhiệm ở cuối kỳ, cuối năm học mà làm những việc dối trá, phản giáo dục, chỉ toàn gây  những hệ lụy khôn lường về sau này.

Đừng để dư luận xã hội thêm bức xúc, giới truyền thông tốn thêm bút mực, chữ nghĩa nhằm vào căn bệnh thành tích do nhiều chủ thể gây ra, trong đó có một số thầy cô giáo của chúng ta.

Cả nước hiện có gần 900.000 nhà giáo dạy bậc phổ thông, biết bao thầy cô là phụ huynh, có con em ruột rà đang theo học tại các trường của thầy cô công tác.

Con em của thầy cô thường được đồng nghiệp quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn những đối tượng học sinh khác.

Những năm 2000, 2002, 2004, một chủ trương đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tuyển thẳng và cộng điểm khuyến khích diện học sinh giỏi lớp 12 và kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại giỏi khi thi vào các trường  đại học, cao đẳng đã sớm bị phá sản sau 3 năm thực hiện.

Nguyên nhân là do nhà trường, thầy cô giáo thổi lên số lượng quá lớn so với thực chất, trong đó đối tượng con em giáo viên được ưu ái, hưởng lợi nhiều nhất.

Kể cả, tại những kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia, thi học sinh giỏi các cấp, ai lợi thế và đạt kết quả tốt  hơn con em giáo viên?

Những cảnh báo về chấm, trả bài kiểm tra, bệnh thành tích, ưu ái con giáo viên ảnh 3Này, nó là con cô giáo đấy...

Cho nên để hạn chế, giảm thiểu bớt tiêu cực trong thi cử nên Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và các văn bản hướng dẫn của các Sở Giáo dục và Đào tạo luôn có quy định:

“Những đối tượng thầy cô giáo có con, em ruột không tham gia làm công tác coi thi, chấm thi tại địa phương”.

Tôi tin rằng, tất cả nhà giáo biết né tránh, không để tình trạng con em mình giống như phản ánh của một độc giả giáo viên tiểu học ở dưới bài: “Này, nó là con cô giáo đấy...” của tác giả Hữu Sơn, đăng trên báo Giáo dục Việt Nam, ngày 3/12:

“Bài này rất đúng với một số giáo viên tiểu học trường tôi, con giáo viên thì xin vào đội văn nghệ, xin ngồi bàn đầu, khỏi cần xin cũng được, chụp ảnh cho web trường cũng đưa ảnh con giáo viên. Phụ huynh phản ứng luôn là biết tác giả nói đúng mức nào!

Các bé này khi sang bậc trung học không nằm trong vòng "ảnh hưởng ăn theo quyền lợi" của bố mẹ thường hụt hẫng vì đã quen nằm theo diện ưu tiên.

Tôi đã chứng kiến con đồng nghiệp 5 năm ở trường bố mẹ được xem là trung tâm, mặc nhiên hưởng đặc quyền. Sang cấp 2 trở lại phó thường dân trầm tính hẳn, tốt nhất con ai sao mình vậy, thích nổi quá cũng có 2 mặt.

Không những cha mẹ học sinh đánh giá mà cả học sinh cũng thấy bất công không phục. Đứa trẻ được ủ kỹ ra khỏi vòng ủ cũng không bằng ai, chỉ sống bằng ảo tưởng và luôn so sánh thời được đặc quyền rồi tự thất vọng”.

KIÊN TRUNG