"Cô hết lòng vì học trò, nhưng đâu phải để được tung hô"

14/04/2018 06:07
Phan Tuyết
(GDVN) - Cô đã cho đi, cho rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần mà không hề tính toán thiệt hơn, cũng chẳng mong ngóng đến sự đền đáp.

LTS: Trong khi không ít giáo viên bị xã hội lên án vì những hành vi không phù hợp với đạo đức nhà giáo thì vẫn còn có những giáo viên tận tâm hết lòng vì học sinh thân yêu.

Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ tấm gương về cô giáo của mình, dù được học sinh rất mực yêu quý nhưng cô không muốn tiết lộ danh tính.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những ngày lễ, Tết bao giờ nhà cô cũng rất đông học trò đủ mọi lứa tuổi đến thăm. Nhìn cảnh ấy, không ít đồng nghiệp cũng có phần ghen tị.

Rồi những lần cô bị bệnh, học trò lũ lượt kéo tới. Có em còn tình nguyện được ở lại chăm cô.

Những học sinh cũ đang làm việc nơi xa gọi điện về hỏi thăm, gửi gắm người thân săn sóc giùm.

Vẫn còn nhiều giáo viên hết lòng vì học sinh. (Ảnh minh hoạ: Baohaugiang.com.vn)
Vẫn còn nhiều giáo viên hết lòng vì học sinh. (Ảnh minh hoạ: Baohaugiang.com.vn)

Lần cô nằm viện Sài Gòn có những học sinh cũ nay đã là bác sĩ trưởng khoa tận tình dẫn cô đi khám các khoa một cách tỉ mỉ, có em còn giấu tên đóng luôn cả tiền viện phí.

Không ít người thắc mắc nói rằng “cũng là giáo viên mà sao cô có được diễm phúc nhận được ân tình của học trò nhiều đến thế?

Tụi mình chỉ mong nhận được sự quan tâm bằng một phần thôi mà cũng chẳng có được”.

Những lúc như thế, cô không nói gì, chỉ cười, nụ cười thật tươi và đôn hậu.

Là người gần gũi cô và cũng đã từng là học trò của cô một thời nên tôi hiểu không có gì là bỗng dưng cả.

"Cô hết lòng vì học trò, nhưng đâu phải để được tung hô" ảnh 2Có một người thầy như thế

Cũng chẳng phải cô có diễm phúc, có may mắn hơn nhiều người khi luôn được học trò cũ quan tâm, lo lắng.

Cô đã cho đi, cho rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần (cho những cô cậu học trò của mình, đặc biệt là những học sinh không may mắn) mà không hề tính toán thiệt hơn, cũng chẳng mong ngóng đến sự đền đáp.

Thế nên giờ đây, cô có nhận lại những đáp đền, những yêu thương từ các em cũng là điều dễ hiểu.

Dù cuộc sống nhà giáo còn vất vả, khó khăn, dù kinh tế gia đình cô cũng chẳng lấy gì làm dư giả (trong khi nhiều thầy cô giáo khác còn tận thu từ những lớp học thêm để nâng cao thu nhập) thì cô vẫn dạy học trò học thêm miễn phí.

Đối tượng học sinh tìm đến học thường là những học sinh yếu hay những em muốn nâng cao trình độ cô đều tận tâm chỉ dạy.

Trong lớp, một số học sinh nghèo chưa kịp đóng những khoản tiền học phí, cô sẵn sàng dùng đồng lương ít ỏi của mình để giúp các em.

Cô ân cần thăm hỏi khi học trò bị bệnh, khi gia đình các em có chuyện không vui.

Cô nói, chỉ nhìn các em, cô cũng có thể đoán biết được học sinh của mình đang vui hay buồn? Tâm lý có bất ổn hay không?

Nhờ đó, cô gần gũi tâm tình để động viên an ủi và giúp đỡ kịp thời.

"Cô hết lòng vì học trò, nhưng đâu phải để được tung hô" ảnh 3Có một ông Bụt trong trái tim bao thế hệ thầy và trò

Cũng nhờ sự ân tình, thân thiện ấy, học trò đã xem cô như người mẹ, người chị để tâm sự giãi bày những nỗi niềm giấu kín, những uất ức trong lòng.

Những lời khuyên từ cô đã giúp cho khá nhiều học sinh vượt qua được những bất ổn về tâm lý, về những khó khăn trong cuộc sống mà các em đang phải đối mặt.

Có lẽ nhờ sự dạy dỗ luôn bằng tình yêu thương nên học sinh dù lì lợm, khó bảo đến đâu cũng trở nên ngoan ngoãn hơn bao giờ hết.

Tiếng lành đồn xa, khá nhiều học sinh trong trường phải thốt lên “không được học với cô là một thiệt thòi lớn”.

Cũng là đồng nghiệp với cô nên tôi cũng biết không phải giáo viên nào cũng đồng tình, ủng hộ việc làm, cách cư xử của cô với học trò.

Có người còn chì chiết “nghèo mà còn bày đặt thanh cao” hay “nhờn với đám học sinh cho chúng xem thường”…

Thế nhưng cô luôn bỏ qua tất cả và vẫn sống đúng như câu khẩu hiệu mà nhiều người chỉ biết hô hào “tất cả vì đàn em thân yêu”.

Lẽ ra, tấm gương về nhân cách sống của cô phải được vinh danh để lan tỏa những hình ảnh đẹp về nhà giáo.

Đặc biệt là nhà giáo trong hoàn cảnh đạo đức xuống cấp trầm trọng như lúc này. Thế nhưng cô đã không đồng ý cho tôi đưa tên mình, tên trường lên mặt báo.

Cô nói rằng “những việc làm ấy là trách nhiệm của người giáo viên chân chính. Có đáng gì để phô trương thân thế hả em?

Làm để được mọi người biết đến, để ca ngợi không phải là mục đích của cô”.

Tôn trọng cô, tôn trọng những ý nghĩ tốt đẹp ấy, tôi đã không dám công khai danh tính người cô mà tôi hằng kính trọng

Nhưng tôi vẫn muốn đưa câu chuyện này lên để gửi gắm tới mọi người:

Nghề giáo vẫn còn nhiều thầy cô như cô giáo của tôi trong bài viết.

Những tấm gương xấu đang làm hoen ố nghề thanh cao này cũng chỉ là cá biệt mà thôi”.

Phan Tuyết