LTS: Với mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc về tấm gương người thầy luôn tận tâm, hết lòng yêu thương học trò cùng đồng nghiệp, tác giả Hoàng Xuân - giáo viên Trường trung học cơ sở Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về thầy giáo Nguyễn Thành Luật, hiệu trưởng nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
“Tâm huyết trong công việc, luôn tiên phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo trong các phong trào thi đua, thực hiện chức trách nhiệm vụ xuất sắc của người hiệu trưởng…” là những lời nhận xét của đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân khi nói về thầy giáo Nguyễn Thành Luật - hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Quảng Phúc.
Thầy giáo Nguyễn Thành Luật sinh ngày 10/10/1957 trên mảnh đất Quảng Phúc một thời Trịnh – Nguyễn phân tranh ở bờ bắc sông Gianh, nơi ông cha ta đã chứng kiến nhiều cuộc bể dâu phân chia quyền lực của lịch sử dân tộc.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, mặc dù có nhiều người con nhưng bố mẹ thầy đều cho các con ăn học đến nơi đến chốn và đều thành danh trên đất mẹ Quảng Bình.
Tốt nghiệp trường sư phạm 10 + 3 Quảng Bình, thầy được bố trí về giảng dạy tại Trường phổ thông cơ sở Quảng Đông, Quảng Trạch.
Năm 1980 thầy tham gia quân ngũ, mang trên mình quân hàm xanh người lính biển theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Một kỉ niệm đáng nhớ nhất của thầy trong thời gian tại ngũ là lặn sâu xuống biển 12m để vớt quả ngư lôi tự dẫn lúc tham gia diễn tập của quân chủng lúc 01 giờ 56 phút và cách bờ 56 hải lý trong tình thế nếu không kịp thời thì ngư lôi – Vũ khí mới - sẽ chìm xuống đáy biển, gây thiệt hại cho lực lượng Hải quân lúc bấy giờ.
Sau 05 năm trong quân ngũ, năm 1985 thầy phục viên và kể từ đó cho đến nay, thầy gắn bó trọn đời mình cho giáo dục, cho sự nghiệp trồng người.
Năm 1988, thầy hoàn chỉnh chương trình cao đẳng sư phạm, 2004 tốt nghiệp đại học sư phạm.
Chỉ sau một thời gian, thầy đã đạt được nhiều thành tích như: chiến sĩ thi đua liên tục, 02 năm giáo viên giỏi cấp tỉnh, năm 1992 thầy được cấp trên tín nhiệm quy hoạch lên chức vụ hiệu trưởng mà không qua phó hiệu trưởng, một sự trưởng thành vượt bậc và khó ai có được trong cuộc đời làm nhà giáo của mình.
Là một con người có tính cách cương trực, lời nói đi đôi với việc làm, luôn gần gũi với mọi người, nắm bắt được tâm tư tình cảm của học sinh, đồng nghiệp, biết khơi gợi những điều chưa ai khơi, khen chê đúng lúc, đúng cách.
Trong suốt quảng thời gian làm hiệu trưởng ở nhiều trường, thầy luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, luôn đưa trường, đưa lớp phát triển đi lên, để lại nhiều tình cảm đẹp trong lòng dân và bao thế hệ học trò, thầy cô.
Sau những năm tháng bôn ba, nhiệm kì cuối cùng trước khi về nghỉ hưu, thầy đã chọn nơi “chôn nhau cắt rốn” để góp sức mình đưa nền giáo dục phường nhà nói chung và Trường trung học cơ sở Quảng Phúc nói riêng phát triển đi lên, xứng tầm với một vùng quê vốn có truyền thống hiếu học.
Trên cương vị hiệu trưởng nhà trường, trong 05 năm qua từ 2012 đến 2017, Trường trung học cơ sở Quảng Phúc luôn đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, năm sau cao hơn năm trước, 02 năm 2012-2014 trường đạt danh hiệu Tập thể lao động Tiên tiến và 03 năm từ 2014-2017 trường đạt Tập thể lao động Xuất sắc cấp tỉnh và nằm trong tốp đầu về giáo dục cấp trung học cơ sở của thị xã Ba Đồn, nhà trường đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen các cấp.
Năm học 2016-2017, tổng số giải học sinh đạt được cấp thị là 60 giải, cấp tỉnh 17 giải.
Thầy Nguyễn Thành Luật (bên trái) cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh trao phần thưởng cho các em học sinh giỏi của trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Về phía giáo viên, có 01 cô giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 05 thầy cô đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, 02 thầy cô đạt giải cấp quốc gia trong cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp.
Riêng bản thân thầy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, một danh hiệu đáng tự hào của những người đang luôn hết mình vì sự nghiệp trồng người. Và cho đến nay, thầy là một trong ít người có quá trình phấn đấu và đạt 15 năm chiến sĩ thi đua cơ sở.
Thầy Nguyễn Thành Luật với Ban đại diện cha mẹ học sinh và trao phần thưởng cho các giáo viên, học sinh giỏi của trường.
Thầy Nguyễn Thành Luật (bên trái) trao phần thưởng cho các giáo viên giỏi của nhà trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Có được bề dày thành tích như thế chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, “dám nghĩ dám làm”, dám chịu trách nhiệm của thầy, của một Bí thư chi bộ đầy tâm huyết.
Với những sáng kiến, những việc làm thiết thực của thầy cũng chính là động lực để cho tập thể thầy cô giáo và nhân viên trong nhà trường noi theo và phấn đấu, đã có nhiều gương điển hình tiên tiến về các phong trào thi đua yêu nước, phong trào dạy tốt – học tốt hằng năm.
Trong từng công việc, thầy luôn là người noi gương và truyền lửa, có những việc làm không những “bắt tay chỉ việc” mà thầy trực tiếp dấn thân vì học sinh, vì đồng nghiệp.
Thầy luôn tâm niệm rằng “thầy giỏi mới có trò giỏi”, vì vậy thầy rất quan tâm đến công tác mũi nhọn, chỉ đạo một cách có lý có tình công tác bồi dưỡng học sinh giỏi từ khâu chọn thầy đến khâu truyền lửa cho học sinh và bằng những việc làm thiết thực về công tác thi đua - khen thưởng, đó chính là động lực, là chất xúc tác cho các thầy cô giáo luôn phấn đấu vươn lên và hết mình vì đàn em thân yêu.
Bằng sự động viên, bằng uy lực của một lãnh đạo và bằng ảnh hưởng tìm kiếm sự tự nguyện tham gia của mọi người nhằm tập hợp, điều hoà, phối hợp các mối quan hệ, dẫn dắt, tạo động lực… mà nhiều đồng nghiệp đã có động lực để phấn đấu, có một cô giáo đã nói rằng:
“Chính thầy là động lực để cho cô trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp, nếu không có thầy thì em sẽ khó bước qua được sự tự ti của bản thân mình, thầy đã cho em bài học về sự yêu thương và trách nhiệm với nghề”.
Có rất nhiều những người thầy luôn hết lòng vì học sinh thân yêu |
Trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, phát triển trường lớp, công tác xã hội hóa giáo dục, thầy luôn trăn trở về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống với quan niệm rằng “cái khó ló cái khôn”.
Thấy các em thiếu thốn, phải học vất vả thiếu ánh sáng trong những ngày sau bão, lũ không có điện, thầy đã kêu gọi phụ huynh ủng hộ mua sắm một máy phát điện cỡ lớn để phục vụ với giá trị trên 20 triệu đồng.
Thấy học sinh vất vả nắng nóng trong những buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời, thầy đã mạnh dạn kêu gọi các cựu học sinh thành danh ở Thành phố Hồ Chí Minh mua tặng nhà trường 01 cái dù cỡ lớn, và có lẽ hiện nay duy nhất ở thị xã Ba Đồn chỉ có nhà trường có chiếc dù này.
Biết thông tin bão mạnh sắp đổ bộ vào Quảng Bình, thầy đã quyết định trích kinh phí chi thường xuyên để mua sắm 01 cái cưa máy với giá trên 10 triệu đồng để huy động anh em cắt cây, tỉa cành ở các cây cổ thụ trong khuôn viên nhà trường.
Với tinh thần chống bão số 10 vừa qua như thế, nên các cây cổ thụ vẫn được bảo đảm đứng vững mà không bị hư hại hay đổ ngã.
Nhờ tinh thần xanh hoá trường học cao độ của thầy với những ý tưởng thiết thực như: mỗi dâu rể của trường ủng hộ một cây, phụ huynh hay mạnh thường quân nào hảo tâm ủng hộ một cây với tâm niệm của thầy “lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Đối với công tác dạy học, ngay sau khi Công văn 5555 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời về “dạy học theo nghiên cứu bài học”, để giờ học được mổ xẻ chi tiết, có cơ sở góp ý trao đổi thuận lợi, thầy đã vận động đến cả cựu học sinh đang làm việc ở nước ngoài mua tặng nhà trường 01 máy quay Camera để chụp ảnh, ghi hình nhằm lưu lại những hình ảnh đẹp, những giờ học hay, những tiết dạy tốt.
Giờ đây, sau gần 40 năm cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục với 25 năm làm Hiệu trưởng, 33 năm tuổi Đảng, thầy đã có quyết định nghỉ hưu từ ngày 01/11/2017.
Nhưng sự nhiệt huyết, sự tận tâm và tình yêu thương với nghề vẫn còn chảy mãi trong huyết quản của thầy, của một ông lái đò thầm lặng.
Người lái đò thầm lặng ấy đã và đang lặng lẽ trao truyền, gửi gắm những khúc tình ca, những bản hòa tấu đặc biệt về nghề dạy học với kì vọng các em sẽ viết tiếp những trang sử trong sáng ở một mái trường có bề dày thành tích, đã từng là một trong những lá cờ đầu trong phong trào thi đua “dạy tốt – học tốt” ở Bắc Quảng Bình trong thời kì chống Mỹ cứu nước, được Bác Hồ tặng Huân chương lao động hạng Ba vào ngày 15/6/1969.