Phải tìm và diệt tận gốc vấn nạn quan tham

09/05/2018 07:16
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Cội nguồn của tham nhũng là tuyệt đại đa số con người luôn có thuộc tính thu vén cho lợi ích cá nhân, nói ngắn gọn là tư lợi.

LTS: Vấn nạn tham nhũng từ lâu đã trở thành vấn đề nóng bỏng trong xã hội, gây nguy hại cho nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Trong bài viết sau đây, Đại tá Nguyễn Huy Viện làm rõ nguyên nhân của vấn nạn này, đồng thời đưa ra một số biện pháp để phòng chống tham nhũng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Từ khi hình thành xã hội loài người tới nay, ngoại trừ xã hội Cộng sản Nguyên thuỷ, còn lại tham nhũng luôn là một vấn nạn của loài người.

Và tham nhũng bao giờ cũng diễn ra trong tầng lớp có quyền lực từ cấp thấp tới cấp cao.

Khi quyền lực không được giám sát, kiểm soát thì mức độ, quy mô tham nhũng càng lớn.

Tham nhũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho xã hội bị nhũng loạn rối ren, chính thể chao đảo, thậm chí sụp đổ.

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu vào cuối thập niên Tám mươi đầu thập niên Chín mươi của thế kỷ XX do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, tham nhũng và chế độ đặc quyền đặc lợi được xác định là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất.

Khi quyền lực không được giám sát, kiểm soát thì mức độ, quy mô tham nhũng càng lớn. Ảnh minh họa: Khều/vneconomy.vn
Khi quyền lực không được giám sát, kiểm soát thì mức độ, quy mô tham nhũng càng lớn. Ảnh minh họa: Khều/vneconomy.vn

Những năm gần đây, tham nhũng vẫn là nguyên nhân chính làm cho nhiều triều chính bị sụp đổ, như Tunisia, Lybia, Ai cập … năm 2011.

Hoặc làm cho nhiều chính khách, nguyên thủ bị phế truất, như ông Luiz Inácio Lula da Silva bị phế truất Tổng thống Brazil 2011, bà Dilma Vana Rousseff bị phế truất Tổng thống Brazil 2016, bà Park Geun Hye bị phế truất Tổng thống Tổng thống Hàn Quốc năm 2017, ông Jacob Zuma Tổng thống Nam Phi buộc phải tuyên bố từ chức (thực chất là bị phế truất) năm 2018….

Cội nguồn của tham nhũng là đâu và tại sao nó tồn tại xuyên suốt lịch sử và phổ quát toàn cầu như vậy?

Cội nguồn của tham nhũng là tuyệt đại đa số con người luôn có thuộc tính thu vén cho lợi ích cá nhân, nói ngắn gọn là tư lợi.

Mặt khác, ở mức độ khác nhau hầu hết mọi người đều có xu hướng muốn vươn lên vượt trội về mọi mặt so với cộng đồng, trước hết và quan trọng nhất là vượt trội về đời sống vật chất.

Phải tìm và diệt tận gốc vấn nạn quan tham ảnh 2Chính trường không phải nơi trưng bày lòng từ thiện, hay của kẻ yếu bóng vía

Bởi vậy, con người không bao giờ thoả mãn nhu cầu về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần.

Có một học giả đã có khái niệm rất hóm “con người là động vật bất mãn” (với con người không bao giờ thỏa mãn nhu cầu).

Phải thấy được, rằng tư lợi là một trong những thuộc tính nổi trội nhất của con người, thuộc phạm trù bản chất.

Nếu thuộc tính tư lợi được lý trí, phẩm hạnh của mỗi người chế ngự và được kiểm kiểm soát của xã hội mà trước hết và quan trọng nhất là kiểm soát của pháp luật thì nó sẽ hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng và lợi ích toàn xã hội.

Còn nếu, thuộc tính tư lợi không được chế ngự (của cả chủ thể và khách thể), con người sẽ trở nên tham lam.

Đối với những kẻ có quyền lực thì lạm dụng quyền lực để tham nhũng; những kẻ không có quyền lực thì buôn gian, bán lận, lừa đảo, trộm cắp ….

Để thuộc tính tư lợi của con người nói chung giữ được hài hòa thì pháp luật đóng vai trò quyết định. Đối với quan chức thì vai trò giám sát và kiểm soát quyền lực của thể chế đóng vai trò quyết định.

Thực tiễn của nhân loại và thực tiễn dân tộc cho thấy, nếu những thuộc tính trên đây của con người được chế ngự bằng hệ thống pháp luật nghiêm minh, khoa học của nhà nước pháp quyền hiện đại, văn minh thì lòng tham bất chính sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa hệ luỵ tiêu cực của nó; khát vọng của mỗi cá nhân vươn lên nâng cao tri thức, năng lực; vươn lên làm giàu cho bản thân một cách chân chính sẽ được phát huy tối đa và đó sẽ là nhân tố đóng vai trò động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Khi đó, không những tham nhũng bị hạn chế tối đa mà còn tạo môi trường cho xã hội phát triển lành mạnh, công bằng, văn minh.

Điều này được thể hiện rất rõ ở các nước có nền quản trị quốc gia tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước châu Âu...

Phải khẳng định, rằng ở các nước đạt trình độ phát triển tiên tiến về kinh tế và nền hành chính công không phải tất cả những người trong hệ thống quyền lực không có ý định tham nhũng mà là do hệ thống pháp luật và cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của các quốc gia đó rất ít có cơ hội cho quan chức để tham nhũng.

Phải tìm và diệt tận gốc vấn nạn quan tham ảnh 3Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”?

Nói cách khác, ở các quốc gia đó quan chức muốn tham nhũng cũng khó có thể tham nhũng.

Ngược lại, một khi thể chế và cơ chế còn những lỗ hổng, quyền lực không được giám sát, kiểm soát; thiếu dân chủ, thiếu công khai minh bạch thì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển.

Điều này thể hiện rõ ở các nước đang phát triển và nhất là các nước chậm phát triển.

Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho các quốc gia này luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu.

Việt Nam đang chuyển từ mô hình nhà nước của nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa sang mô hình nhà nước của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy hệ thống pháp luật; cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đang giai đoạn hình thành và hoàn thiện. Đây chính là “khoảng trống” cho tham nhũng phát triển.

Vì vậy hàng chục năm qua, ở nước ta tham nhũng được xem là quốc nạn, là giặc nội xâm.

Nó hoành hành ở mọi ngõ ngách, mọi tầng nấc không chỉ làm thất thoát một khối lượng tài sản khổng lồ của Quốc gia mà còn làm ảnh hưởng lớn tới niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Trong một vài năm trở lại đây, Đảng ta đã rất quyết liệt trong chống tham nhũng và thu được kết quả quan trọng bước đầu.

Tuy nhiên, giải pháp chủ yếu của chúng ta là điều tra, xét xử các vụ tham nhũng, chưa chú trọng đúng mức ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.

Để chống tham nhũng tận gốc, đảm bảo bền vững lâu dài cần đúc kết những thành công và hạn chế trong chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian vừa qua đồng thời phải tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới, nhất là những nước có nền quản trị quốc gia tiên tiến.  

Từ nghiên cứu, tìm hiểu (qua tài liệu) thực tiễn chống tham nhũng trong nước và của một số quốc gia phát triển, người viết bài nhận thấy một số giải pháp dưới đây luôn mang lại hiệu quả trong phòng chống tham nhũng:

1. Đẩy mạnh cải cách hoàn thiện thể chế, trong đó tăng cường vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực trong các cơ quan của bộ máy nhà nước

Phải tìm và diệt tận gốc vấn nạn quan tham ảnh 4Lò đang cháy lớn, ai muốn hay phải đứng sang một bên?

Ở các nước phát triển, giải pháp này được coi là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Thực chất của của giải pháp này là xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, sử dụng quyền lực để tham nhũng.

Cơ chế kiểm soát quyền lực là những nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước như: kiềm chế, kiểm soát, đối trọng … giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp; vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với bộ máy nhà nước.

Cơ chế này sẽ làm cho quyền lực luôn được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật, bị giám sát bởi nhiều chủ thể khác nhau, do đó tránh được tình trạng quyền lực quá tập trung dẫn đến việc độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng trong thực thi quyền lực nhà nước của cán bộ, công chức.

Ở Mỹ, Nhật Bản và các nước Tây Âu việc chống tham nhũng được nhấn mạnh ở khâu thể chế, tức là việc tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các nhánh quyền lực có thể giám sát, kiểm soát lẫn nhau và thiết lập sự kiểm soát của xã hội....

Quyền lực nhà nước luôn được đảm bảo thực thi nghiêm túc, đúng pháp luật và dân chủ.

Cho nên ở những quốc gia này khó có cơ hội cho quan chức thực hiện hành vi tham nhũng.

2. Thực hiện công khai, minh bạch

Thiếu công khai minh bạch chính là “màn đêm” để nạn tham nhũng sinh sôi, phát triển.

Vì vậy, công khai, minh bạch là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất, là kinh nghiệm xương máu trong phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng.

Hầu hết các nước phát triển quy định, tất cả các tài liệu của Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương (trừ tài liệu bí mật quốc gia) đều phải được đăng tải công khai trên báo chí và trên mạng Internet, kể cả mức lương của thủ tướng, tổng thống.

Phải tìm và diệt tận gốc vấn nạn quan tham ảnh 5Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa

Mọi công chức nhà nước đều có quyền và trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình cho phóng viên báo chí và không ai được phép điều tra, xác định nguồn của các thông tin đã được đăng tải trên báo chí.

Nhờ vậy quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước luôn đảm bảo công khai minh bạch, nạn tham nhũng khó có cơ hội để lạm dụng.

Các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Anh, Australia… nhờ thực hiện tốt nguyên tắc này mà đã góp phần ngăn ngừa tham nhũng đạt hiệu quả cao và trở thành những quốc gia trọng hàng đầu của thế giới.

3. Thực hiện cơ chế giám sát dư luận xã hội

Muốn phòng, chống tham nhũng đảm bảo bền vững thì chỉ nỗ lực của các cơ quan nhà nước chưa đủ mà phải dựa vào một thực thể vô cùng quan trọng là vai trò giám sát và dư luận xã hội.

Muốn phát huy được vai trò giám sát xã hội, phải có cơ chế để người dân được quyền giám sát và được tạo điều kiện thuận lợi để giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước.

Ở Trung Quốc, đơn tố cáo tham nhũng của nhân dân là nguồn quan trọng nhất giúp phát hiện tội phạm tham nhũng.

Theo số liệu thống kê, có tới 80% vụ án tham nhũng khám phá được là do nhân dân, báo chí tố giác và hơn 90% là do nhân dân, báo chí cung cấp đầu mối (1).

4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Phải có cơ chế để các cơ quan báo chí và nhà báo được trao quyền tiếp cận thông tin, tài liệu phục vụ viết các phóng sự điều tra.

Đồng thời pháp luật có trách nhiệm bảo bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ở tất cả các nước trên thế giới, báo chí luôn là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ở Việt Nam cũng vậy, hầu hết các vụ tham nhũng đều bị báo chí phanh phui, đưa ra ánh sáng.

Để phát huy vai trò của báo chí, các khuôn khổ pháp lý cho phép báo chí tự do tiếp cận thông tin để thực hiện vai trò giám sát xã hội đối với hoạt động của bộ máy và các quan chức nhà nước.

Để vừa thể hiện vai trò giám sát của công luận, thực hiện điều tra xã hội độc lập phát hiện tham nhũng; vừa tạo sức ép dư luận đối với các quan chức tham nhũng buộc các cơ quan pháp luật phải xử lý.

Giải pháp và kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong ngăn chặn, phòng chống tham nhũng mang lại hiệu quả không thiếu, chỉ có điều là chúng ta có tiếp thu và áp dụng vào Việt Nam hay không.

Một thực tế nhãn tiền là những gì đã trở thành tinh hoa của nhân loại và trở nên phổ quát nếu chúng ta do dự, trong tiếp thu thì càng làm chậm bước tiến của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

http://www.noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201305/nhung-kinh-nghiem-phong-chong-tham-nhung-tren-the-gioi-ma-viet-nam-co-the-van-dung-291338/ 

NGUYỄN HUY VIỆN