Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”?

16/04/2018 06:56
Xuân Dương
(GDVN) - Cản bước tiến của lịch sử sớm muộn cũng thành “rác lịch sử”, đời cha ăn mặn, chắc chắn đời con sẽ khát nước chứ đừng hy vọng đến tận đời cháu, đời chắt.

Hơn 30 năm trước, ngày 15/12/1986, ông Võ Văn Kiệt thay mặt Trung ương đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng:

“Phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm 1986 – 1990”.

Phần V. Các vấn đề xã hội và đời sống nhân dân có đoạn:

“Yêu cầu cấp bách là sắp xếp lại và tinh giản bộ máy quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt là giảm hẳn các tổ chức trung gian, như cục, vụ, phòng, ban, chuyển sang cách làm việc trực tiếp theo lối chuyên gia.

Bộ máy các uỷ ban nhân dân địa phương, kể cả tỉnh, thành phố và huyện, cũng phải tổ chức lại gọn và tinh, đủ năng lực quản lý trên lãnh thổ…

Chống giặc nội xâm, nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”? (Ảnh minh hoạ: lcafpayroll.com)
Chống giặc nội xâm, nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”? (Ảnh minh hoạ: lcafpayroll.com)

Phần VII. Đổi mới cơ chế kế hoạch hóa có đoạn:

Để thực hiện những biện pháp đó, phải tiến hành cuộc vận động có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng;

Làm trong sạch và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước; chống tiêu cực, hư hỏng trong xã hội, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội trên các lĩnh vực”. [1]

Về sắp xếp, tinh giản bộ máy, người viết đã đề cập trong bài: “Lệnh của Dân, làm thì sống, chống thì…” đăng ngày 11/4/2018 trên Giaoduc.net.vn, bài viết này đề cập đến vấn đề thứ hai “chống tiêu cực, hư hỏng”.

Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”? ảnh 2Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa

Có thể thấy tại Đại hội VI, khái niệm “tham nhũng” chưa được đề cập, lời văn trong báo cáo mới chỉ là “tiêu cực, hư hỏng”.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, do nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trình bày ngày 20/1/1994 có đoạn:

Tham nhũng và buôn lậu nghiêm trọng làm cho nhân dân rất bất bình, ảnh hưởng lớn đến niềm tin đối với Đảng và Nhà nước.

Tinh giản bộ máy, cắt giảm những chi tiêu không thật thiết yếu, bảo đảm tiền lương đủ sống cho người hưởng lương.

- Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Thủ trưởng ngành, địa phương và đơn vị phải chịu trách nhiệm đối với các vụ việc tham nhũng trong phạm vi mình trực tiếp phụ trách”. [2]

Như vậy sau tám năm (1986-1994) cụm từ “tham nhũng” đã chính thức được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng.

Mười năm sau đại hội VI, ngày 15/5/1996 Trung ương ban hành Nghị quyết số 14/NQ/TW “Về quan điểm chỉ đạo và một số giải pháp để đấu tranh chống tham nhũng”.

Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”? ảnh 3Lệnh của Dân, làm thì sống, chống thì…

Vậy là Đảng đã phải ban hành một nghị quyết riêng về chống tham nhũng.

Ba mươi hai năm sau đại hội VI, qua sáu kỳ đại hội, đến năm 2018 này ba vấn đề nổi cộm được đề cập từ 1986: “Tinh giản bộ máy”; “Làm trong sạch Đảng - bộ máy Nhà nước”; “Chống tiêu cực hư hỏng…” lại trở nên bức xúc hơn lúc nào hết.

Tham nhũng có phải chỉ mới xuất hiện chừng ba chục năm trở lại đây? Câu trả lời là không.

Tham nhũng xuất hiện cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người.

Tại Việt Nam, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, năm 1950 Chính phủ đã phải tuyên án tử hình cựu đại tá Trần Dụ Châu về tội tham nhũng.

Tham nhũng xuất hiện tại bất kỳ quốc gia nào, dù là văn minh, tiên tiến hay lạc hậu, độc quyền.

Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng!

Sự khác nhau có chăng là tại các quốc gia văn minh, tham nhũng bị trừng trị nghiêm khắc còn tại các quốc gia mà pháp luật chưa hoàn toàn được thượng tôn, tồn tại các nhóm lợi ích mạnh hơn pháp luật thì tham nhũng vẫn còn đất sống và giới chóp bu sử dụng tham nhũng như là một công cụ củng cố quyền lực.

Mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.

Chỉ một từ “làm” trong câu nói của Tổng Bí thư đã bao hàm một ý rất mới, rất kiên quyết, chống tham nhũng bây giờ là “làm” chứ không phải chỉ động viên, hô hào hay ban hành nghị quyết bởi thực tế cho thấy sau hơn ba mươi năm, khá nhiều nghị quyết liên quan đến chống tham nhũng đã được ban hành nhưng chưa mang lại kết quả mong đợi.

Vài năm gần đây, đặc biệt là sau Đại hội XII, nguyên nhân xuất hiện tham nhũng đã được chỉ rất rõ, đó là quyền lực chưa bị kiểm soát, chưa bị “nhốt vào lồng”;

Đó là việc đưa vào hàng ngũ một “bộ phận không nhỏ” những kẻ “ăn của dân không chừa một thứ gì”; Đó là sự kết bè kéo cánh tạo nên các “nhóm lợi ích”;

Đó là việc xử lý người vi phạm còn “nhẹ trên, nặng dưới”; Đặc biệt là chưa có biện pháp kiên quyết để chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”;…

Trong hai cụm từ “nhẹ trên, nặng dưới” và “trên nóng, dưới lạnh”, có lẽ đa số đều cho rằng “trên” là lãnh đạo cấp cao, “dưới” là cán bộ, công chức cấp thấp, “trên” là Trung ương, “dưới” là địa phương.

Quan điểm của người viết hơi khác một chút, “trên” là cán bộ, “dưới” là dân.  

Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”? ảnh 4Cải cách thể chế, “nhóm lợi ích" và “bè cánh”

“Nhẹ trên, nặng dưới” trong xử lý kỷ luật có phải là “thương” cán bộ hơn “thương” dân?

Bao nhiêu lãnh đạo cấp Bí thư, Chủ tịch tỉnh bị Ủy ban kiểm tra Trung ương đánh giá là mắc sai phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng bị đưa ra khỏi Đảng, bị xử lý hình sự?

Giữ họ trong hàng ngũ có làm sức chiến đấu của Đảng mạnh thêm hay chỉ để cho họ buông ra những lời bất mãn: “Tôi nghỉ hưu rồi, họ muốn xử sao thì xử”?

Nếu người dân vi phạm pháp luật bị kết luận là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, họ sẽ bị kết án hay “nghiêm túc rút kinh nghiệm”?

“Trên nóng, dưới lạnh” có phải là Dân vẫn chỉ quan sát chứ chưa tham gia trực tiếp vào công cuộc phòng chống tham nhũng?

Để khắc phục, biện pháp là gì?

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, biện pháp phải là “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp”.

Vậy thì “quyền lực” nào phải “nhốt” trước?

Quyền lực mà người dân mong muốn phải nhốt đầu tiên, liên quan trực tiếp đến sự “sống khỏe” của tham nhũng chính là “quyền” được trao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”? ảnh 5Kiểm soát quyền lực khó hay dễ?

Xin nêu một vài ví dụ giải thích cho ý kiến này:

Chỉ một vụ án tổ chức buôn lậu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng có tới 28 cán bộ hải quan đã lãnh án. (Nld.com.vn 26//6/2017).

Chỉ vài clip báo Tienphong.vn công bố đầu năm 2018 đã có tới 20 cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông Hà Nội bị đình chỉ, xem xét mức độ vi phạm.

Chỉ một vụ đánh bạc trên mạng, hai người nguyên là tướng công an (Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa) hậu thuẫn, tham gia và vừa bị bắt tạm giam.

Điều đáng nói là phải sử dụng lực lượng địa phương (Phú Thọ) để xử lý những người mà báo chí gọi là “nằm vùng” ở cơ quan bộ.

Cách đây 16 năm trong vụ án Năm Cam, có tới 13 cán bộ chiến sỹ, trong đó có 2 vị tướng, cấp thứ trưởng “dính chàm”.

Chỉ tại một thành phố, Trịnh Thị Huyền - Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thái Nguyên - bị bắt quả tang nhận tiền của vợ bị can; Nguyễn Thị Nga - Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên - bị thu bằng đại học vì sử dụng dùng bằng cấp 3 giả.

Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”? ảnh 6Tránh “nhẹ trên, nặng dưới” thế còn nhân dân?

Các vụ án oan Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,… là kết quả hoạt động của cả ba cơ quan tham gia quá trình tố tụng, xét xử.

Các ví dụ nêu trên được chọn vì liên quan trực tiếp đến nhân sự lực lượng bảo vệ pháp luật.

Người dân chỉ có thể phát hiện tham nhũng, việc điều tra tìm chứng cứ, truy tố tham nhũng là chức năng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tuy nhiên trong tình hình hiện nay vai trò của Ủy ban Kiểm tra các cấp phải được đặt lên hàng đầu.

Nhốt “quyền lực” vào “lồng” là cách nói hình tượng bởi quyền lực là thứ vô hình, khó nhận diện vì thế người dân muốn nói cụ thể hơn là nhốt những kẻ lạm dụng quyền được dân ủy thác vào trại giam, chí ít thì cũng cách ly những đối tượng thoái hóa, biến chất khỏi quyền lực.

Một trong những biện pháp đã được Hồ Chủ tịch chỉ ra khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn chưa thắng lợi, đó là loại bỏ kẻ tham nhũng khỏi đời sống xã hội.

Biện pháp ngày nay là gì?

Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”? ảnh 7Que diêm, lò nóng và củi tươi

Là “củi khô, củi vừa vừa, củi ướt” đều cho vào lò một khi xác định đó đích thị là “củi”.

Vậy vì sao “lò đã nóng” mà “dưới” vẫn lạnh?

“Lạnh” ở đây có phải chỉ là nói hỗn: “Họ muốn xử thế nào thì xử”?

“Lạnh” ở đây có phải chỉ là không tham gia vào “cuộc đốt lò” hay còn có gì hơn thế, tìm cách “bớt củi đáy nồi” để khỏi bị “gần lửa rát mặt”?

Và liệu “lạnh” có đồng nghĩa với gọi gió mùa, kéo mưa về để “lò” không thể cháy?

Trong cả ba trường hợp “lạnh” nêu trên, nếu cho phép “dẹp sang bên” liệu có khiến người ta tỉnh ngộ để rồi tự biến mình thành “người tử tế”?

Bởi lẽ khi mà người ta vừa “lạnh” vừa “nhụt ý chí” tức là trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của người đảng viên, thờ ơ với vận mệnh đất nước, dân tộc, không muốn tham gia vào công cuộc chống giặc nội xâm.

Những người như thế có còn xứng đáng đứng trong đội ngũ tiên phong lãnh đạo, đứng chung với cộng đồng hơn 90 triệu người Việt ngày đêm mong mỏi xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, ngang hàng với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Co vai rụt cổ trước cái xấu, thu mình trong bốn bức tường biệt phủ để hưởng thụ những thứ vơ vét được phải chăng là lẽ sống mà một “bộ phận không nhỏ” đang tâm niệm?

Thiết nghĩ cảnh báo “dẹp sang bên” của Tổng Bí thư không chỉ là lời nhắc nhở những ai đang đứng trong hàng ngũ không theo kịp bước tiến của dân tộc mà còn là lời nhắn những ai vẫn tiếc nuối một thời vàng son, rằng tuy không phải “một đòn chết tươi” thì cũng đừng mơ mộng.

Dẫu sao “dẹp sang bên” mà thành người tử tế thì vẫn được hoan nghênh bởi đó là đạo lý, là truyền thống mấy nghìn năm của người Việt.

Cản bước tiến của lịch sử sớm muộn cũng thành “rác lịch sử”, đời cha ăn mặn, chắc chắn đời con sẽ khát nước chứ đừng hy vọng đến tận đời cháu, đời chắt./.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/books-11520162411956/index-515201624137563.html

[2]http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/books-11520162411956/index-0152016246565623.html

Xuân Dương