Thời gian qua chiếc “lò nóng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải hoạt động hết công suất.
Mới đây, ông cũng tuyên bố: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì đứng qua một bên để người khác làm”.
Cảm nhận được cách diệt tham nhũng của Tổng Bí thư được triển khai công phu, bài bản, lôi ra ánh sáng những con người khiến nhiều người giật mình, mới hôm trước vẫn mũ cao áo dài nhưng trong thoáng chốc khoác lên mình màu áo trắng đen.
Những điều ấy có đáng ngẫm không? Rất đáng ngẫm nghĩ, vì những gì dư luận đồn đoán về vị này vị nọ cũng chỉ là tin đồn, khốn nỗi loại tin đồn đó lan nhanh như lửa cháy cỏ tranh.
Cũng vì thế mà công cuộc diệt trừ tham nhũng hãy còn là chặng đường dài lắm lắm.
Ban Bí thư Trung ương Đảng họp ngày 10/4 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: VOV) |
Trong vô số những phát biểu có cánh, những hành động tưởng chừng như toát ra hết nhân cách của một con người đầy trách nhiệm với nhân dân thì thật ra không phải thế.
Những người “đứng sang một bên” chắc hẳn không ít, vì nếu ít thì tham nhũng không hoành hành dữ dội như thế và chiếc “lò” của Tổng Bí thư cũng không phải “nóng” cực độ.
Còn nhớ vị Cục trưởng Cục chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ từng than thở:
“Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi "chết" trước”.
Với câu nói này không biết Cục trưởng ấy sẽ “ở lại” hay “đứng sang một bên”.
Chỉ biết rằng, trước khi Tổng Bí thư xây “lò”, liệu trình xử lý tham nhũng dường như chỉ cắt phần “ngọn” mà “gốc” vẫn chưa bứng.
Kết quả buổi làm việc của Ban Bí thư với 5 đoàn kiểm tra chỉnh đốn Đảng |
Khẳng định như thế vì diễn tiến chống tham nhũng dưới dự chỉ huy của Tổng Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang đi những bước táo bạo, bất ngờ.
Không cần nhắc lại ai cũng biết ông Thăng và bộ sậu ngành dầu khí quyền lực cỡ nào, những vị tướng “một sao”, “hai sao” đứng đầu lực lượng chống tội phạm thế mạnh ra sao…
Nhưng đó là chuyện của những vụ việc kinh thiên động địa, còn lẻ tẻ thì sao?
Dường như người ta không muốn dùng dao mổ lợn để giết gà!?.
Nói vậy là bởi những vụ việc tuy vụn vặt nhưng xử lý không đến nơi đến chốn thì cũng có ngày vỡ thành chuyện lớn. Đấy là hệ quả của việc chỉ hớt phần “ngọn”.
Đặt lại vấn đề, khi Đinh La Thăng bị bắt, người ta tiếc cho ông, tiếc một con người dũng khí, dám nói dám làm, nhưng cái tiếc hơn nữa là người ta đặt chữ “giá” cho ông.
Giá mà những sai phạm cách đây hơn chục năm được phát hiện kịp thời, giá mà những nghi vấn từ rất lâu được mang ra xử lý dứt điểm, giá mà cơ quan chức năng không “nguội lạnh”… thì tiền thuế của dân không mất cả núi, Đảng không mất đi một cán bộ có gen tốt như ông Thăng.
Giá mà người ta dũng cảm lôi ra những manh nha sai phạm ở Vinashin, Vinalines khi mới ủ mầm thì sự thể không bi đát như thế.
Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng đề xuất mới về kiểm soát tài sản, thu nhập |
Nói đi cũng phải nói lại, cái lý của ông Phạm Trọng Đạt không phải không đúng “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn”, nên chống không phải dễ, người ta lấy tiền ngân sách dễ như móc từ túi quần cũng đủ thấy “ban bệ” liên kết chặt chẽ ra sao.
Đương nhiên là có những “bệ đỡ” đủ mạnh mới ủ thành công âm mưu đục khoét.
Dù sao đi nữa, bỏ tù vẫn là hạ sách đối với công cuộc tham nhũng, vì đó là bước cuối cùng khi không còn cách cứu vãn.
Người trong tù nhưng tài sản vẫn “ngoài tù” và Đảng cũng đau đớn khi kỷ luật bỏ tù đồng chí của mình, tóm lại không ai muốn cuộc bể dâu “nồi da nấu thịt”.
Thế thì phải làm gì? Chống tham nhũng phải chống từ gốc mới là thượng sách, vừa không làm chật chội nhà tù mà lại bảo đảm công sản không bị thất thoát quá nhiều.
Chống từ gốc là chống ra sao? Cái gốc nó mới thật sâu và xa, nằm đâu đó tận trong tiềm thức của con người.
Có người bảo là do chính sách sai lầm nảy ra tham nhũng… nhưng đó cũng chưa phải gốc gác của tham nhũng.
Như đã nói gốc tham nhũng nằm tận sâu trong não trạng có vấn đề của nhiều người.
Tại sao các nước giàu ít tham nhũng hơn nước nghèo? Thế gian này phàm là người đều có dục vọng sân si, bất kể da trắng, da đen hay da vàng.
Người ta cũng có cơ chế, chính sách, mình cũng có cơ chế, chính sách hà cớ gì người ta ít tham nhũng hơn?
Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa |
Thế mới thấy tham nhũng không phải tại cơ chế, chính sách, đổ lỗi cho cơ chế chính sách là tung hỏa mù theo mưa.
Cơ chế, chính sách hay gì đi nữa cũng do con người soạn ra, người ta có thể soạn ra thật tốt mà cũng có thể để ngỏ một vài “khe hở” đủ để “chui” qua.
Nhưng để có được một lớp người mang bộ não “trong sáng” cần nhiều thời gian, có thể hàng trăm năm.
Nơi nào văn minh nơi đó có nhiều cá nhân tiến bộ, nơi nào có nhiều cá nhân tiến bộ nơi đó sẽ có chính sách, cơ chế minh bạch, chặt chẽ, sẽ thịnh vượng và ít có tham nhũng.
Các nước Châu Âu ít tham nhũng cũng vì lý do đó.
Bác Hồ đã định hình con người văn minh trong chế độ cộng sản: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”.
Tạm hiểu là con người “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, có tinh thần quốc tế trong sáng… nhưng đó là chuyện của tương lai.
Với hiện tại, chống tham nhũng như “con nào cắt nhau ấy”, vụ việc nào cũng phải làm tận nguồn cơn vụ việc ấy mới mong tiệt trừ hậu họa về sau.
Chiếc “lò” mà Tổng Bí thư đang vận hành là để xử lý những vụ việc nổi cộm, có nguồn cội từ nhiều năm trước. Có lẽ, cũng đặt thêm chữ “giá mà”.
Một vài vụ việc tưởng chừng vụn vặt rồi xử lý qua loa đại khái, thậm chí mang cả tình đồng chí, anh em vào công việc, không hiếm trường hợp “thí tốt” để yên bàn cờ, còn người đứng đầu vẫn bình yên, còn leo cao, chui sâu.
Tiêu cực nào khi phanh phui ra, nếu được hỏi nhà chức trách cũng trả lời kiểu “ngoại giao” “sẽ cho xác minh, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm”.
Nhưng khổ nỗi, vụ việc nhỏ vẫn sống nhăn nên mới bung bét thành sự việc lớn.
Nhưng nào có ngờ chính những sự việc nhỏ nhặt như thế không bị dập tắt nên phát tướng thành những đại án chấn động.
Hy vọng rằng, cơ quan chức trách có cái nhìn “lớn” hơn với những sai phạm nhỏ. Chống tham nhũng đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.