Thuận lợi và khó khăn khi sử dụng tài nguyên mở hiệu quả trong bối cảnh tự chủ

06/05/2018 07:27
Thùy Linh
(GDVN) - Chương trình Học liệu giáo dục mở sẽ góp phần không nhỏ vào việc cung cấp giáo trình tham khảo cho việc thực hiện đào tạo đại học theo tín chỉ.

Trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình đại học đổi mới sáng tạo chính là xu thế của một nền giáo dục mới.

Xu hướng của giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai là hệ thống giáo dục mở, nơi đó không còn rào cản nào trên con đường đến với giáo dục. 

Và tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources - OER) đang được xem là một nguồn tài nguyên thông tin khoa học hữu hiệu để hỗ trợ cho việc phổ cập giáo dục.

OER tạo ra sự bình đẳng cho người học và người dạy trong việc tiếp cận nguồn học liệu giáo dục chất lượng cao và miễn phí với giấy phép mở, bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng tri thức.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tiến sĩ Võ Văn Vũ và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Vy (Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng) cho hay, đến nay việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục hiện nay tại Việt Nam có thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần giải quyết. Cụ thể: 

Thứ nhất, về thuận lợi

Tạo ra một xã hội học tập:cơ hội học tập từ phổ thông đến đại học một cách bình đẳng giữa các công dân; thúc đẩy việc học tập trong từng gia đình và từng cộng đồng; thúc đẩy việc học cho công việc và học tại nơi làm việc; mở rộng sử dụng các công nghệ học tập hiện đại và xây dựng văn hóa học tập suốt đời.

Chương trình Học liệu giáo dục mở sẽ góp phần không nhỏ vào việc cung cấp giáo trình tham khảo cho việc thực hiện đào tạo đại học theo tín chỉ. 

Làm sao sử dụng tài nguyên giáo dục mở hiệu quả trong bối cảnh tự chủ? (Ảnh minh họa: VOV)
Làm sao sử dụng tài nguyên giáo dục mở hiệu quả trong bối cảnh tự chủ? (Ảnh minh họa: VOV)

Tạo ra một hệ thống ngân hàng tín chỉ có nhiệm vụ tích lũy các tín chỉ mà người học đạt được trong tiến trình học tập của mình.

Tạo sự thuận tiện trong việc chuyển trường cũng như chuyển từ chương trình giáo dục này sang một chương trình giáo dục khác hoặc chuyển từ một chuyên ngành đào tạo này sang một chuyên ngành đào tạo khác.

Nhờ vậy mọi người có thể dễ dàng theo học chương trình phù hợp nhất tùy thuộc vào sở thích và năng lực cá nhân.

Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận giáo dục, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận miễn phí, mọi lúc, mọi nơi.

Hiện nay, Website Thư viện Học liệu mở Việt Nam đã có tại địa chỉ: http://voer.edu.vn

VOER xuất bản và chia sẻ nội dung các môn học lên Internet, cho phép các tác giả/người dùng xuất bản các module này lên kho dữ liệu chung.

Thuận lợi và khó khăn khi sử dụng tài nguyên mở hiệu quả trong bối cảnh tự chủ ảnh 2“Mở để học – Học để mở”

Khi cần xây dựng, hoặc biên soạn giáo trình cho môn học, các giảng viên chỉ cần lựa chọn bộ khung giáo trình trước và sau đó tìm các module thích hợp, có sẵn trong kho dữ liệu chung để ghép vào và tạo ra các collection của môn học. 

Phần mềm này còn cho phép sử dụng bản sao một module của tác giả khác và tiến hành hiệu chỉnh để phù hợp với yêu cầu của cá nhân giảng viên/người dùng.

Tuy vậy, hệ thống đảm bảo tác giả gốc vẫn giữ quyền tác giả đối với các module mới đã được chỉnh sửa.

Lý tưởng hơn là khi các module cần thiết đã có sẵn thì giảng viên/người dùng chỉ cần thao tác trong vài phút để có thể tạo ra một giáo trình/cuốn sách mới thay vì nhiều tháng để biên soạn từ đầu đến cuối như trước đây.

Thứ hai, về khó khăn

Cộng đồng tài nguyên giáo dục mở OER còn rất nhỏ lẻ. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, cơ hội và thách thức của OER còn mơ hồ. Số lượng người truy cập và sử dụng các học liệu mở cũng không nhiều và thường xuyên.

Giảng viên chưa có nhận thức đầy đủ về OER, kết hợp với tâm lý ngại chia sẻ, nhiều giảng viên yêu cầu về vấn đề bản quyền và quyền lợi khi được chia sẻ tri thức.

Thói quen sử dụng tài liệu điện tử hiện nay phải đăng nhập hoặc thậm chí đóng phí mới cho tải nội dung cần xem, cản trở người dùng sử dụng tài nguyên mở trên các trang mạng giáo dục.

Thuận lợi và khó khăn khi sử dụng tài nguyên mở hiệu quả trong bối cảnh tự chủ ảnh 3Việt Nam học được gì từ giáo dục tài chính tại Singapore?

Học liệu mở của các trường yêu cầu phải cập nhật các tài liệu giảng dạy thường xuyên những nội dung, kiến thức mới nhất ở trong và ngoài nước, các giảng viên phải cập nhật những tài liệu mới này vào chương trình giảng dạy của chính mình.

Từ đó, Tiến sĩ Võ Văn Vũ và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Vy đưa ra giải pháp:

Một là, giáo dục mở đòi hỏi một văn hóa mở, tức là văn hóa cộng tác và chia sẻ, truyền bá và sử dụng các tài liệu giáo dục, các kết quả nghiên cứu, với tinh thần truy nhập mở, giấy phép mở.

Hai là, xây dựng hạ tầng cơ sở, công cụ và hỗ trợ kỹ thuật; phát triển học liệu chất lượng cao từ nguồn OER của các trường đại học.

Cung cấp cho cộng đồng OER các học liệu phù hợp với văn hóa Việt và yêu cầu của đất nước. Xây dựng phương pháp mới để phát triển các học liệu mở.

Thành lập cộng đồng những người Việt Nam sử dụng OER đồng thời khuyến khích sự đóng góp và chia sẻ tri thức; thúc đẩy liên kết mạng với các cộng đồng OER quốc tế.

Ba là, nâng cao nhận thức về OER trong và ngoài ngành giáo dục, tạo cơ sở đồng thuận cho việc đề xuất chính sáchxây dựng, sử dụng và phát triển OER.

Đây là bước quan trọng để góp phần hiện đại hóa các chương trình giảng dạy cũng như phương pháp học tập của đại học Việt Nam.

Bốn là, khuyến khích mỗi cá nhân nên chia sẻ những nội dung mà thực sự là của chính bạn và bạn muốn chia sẻ, nhằm tạo một cộng đồng chia sẻ tri thức, thúc đẩy một nền giáo dục mở, nâng cao chất lượng nguồn tài nguyên tri thức cho toàn xã hội.

Năm là, một trong những rào cản lớn nhất của việc xuất bản nguồn tài nguyên giáo dục mở đó là vấn đề pháp lý trong quyền sở hữu trí tuệ.

Do đó, khi biên soạn và xuất bản những tài liệu này lên kho học liệu mở, các trường đại học nhất thiết phải đạt được những thỏa thuận cấp phép bản quyền.

Một số trường hợp khác, các trường đại học phải tiến hành mua bản quyền hoặc đàm phán trực tiếp với nhà xuất bản, hoặc tác giả để có được thỏa thuận hợp pháp.

Thùy Linh