Mô hình giáo dục mở của một số quốc gia trên thế giới đã góp phần to lớn trong việc phát triển xã hội học tập và nâng cao trình độ dân trí.
Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế nhằm phát triển giáo dục mở phù hợp với điều kiện Việt Nam là vấn đề đang được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc canh tân về khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan một số vấn đề về mô hình giáo dục mở trên thế giới và phân tích điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Duy Viễn và Thạc sĩ Đoàn Kim Phúc (Đại học Quảng Bình) đưa ra một số định hướng nhằm phát triển giáo dục mở ở các cơ sở giáo dục đại học nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, trên phạm vi thế giới, giáo dục mở là một xu hướng tất yếu của thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu học tập của những người không có điều kiện tiếp cận với giáo dục truyền thống.
Để phát triển giáo dục mở tại Việt Nam, cần có sự thay đổi về nhận thức đối với giáo dục mở. (Ảnh minh họa: Tạp chí Tia sáng) |
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên tại Anh vào năm 1969, giáo dục mở đã có những bước phát triển liên tục theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của công nghệ trực tuyến, việc tiếp cận với giáo dục mở trở nên dễ dàng hơn thì vai trò và lợi ích mang lại của giáo dục mở ngày càng được thể hiện rõ nét.
Và giáo dục mở đã chính thức xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1993 cùng với sự thành lập của Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Việt Nam cung cấp các chương trình giáo dục mở (được hiểu với nghĩa từ xa và/hoặc không khống chế đầu vào).
Đến nay chương trình trực tuyến đã xuất hiện ở nhiều đại học khác tuy nhiên giáo dục mở ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay vẫn mới chỉ giới hạn ở việc cung cấp một số chương trình đào tạo đến với người học ở xa và không đòi hỏi phải thi đầu vào, chứ chưa tận dụng hết được các lợi thế của công nghệ thông tin – truyền thông, nhất là công nghệ trực tuyến trong việc tổ chức đào tạo.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự e ngại về chất lượng do quan niệm mở rộng đầu vào sẽ không thể có chất lượng tốt; thiếu đầu tư của Nhà nước.
Trong đó, nguyên nhân sâu xa nhất xuất phát từ sự chậm đổi mới về tư duy quản lý giáo dục.
Hơn nữa, vấn đề phát triển các nguồn học liệu mở mới chỉ tập trung ở một số cơ sở giáo dục đại học lớn chứ chưa phát triển theo hướng đại trà trong toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Từ thực trạng này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Duy Viễn và Thạc sĩ Đoàn Kim Phúc (Đại học Quảng Bình) đưa ra một số giải pháp phát triển hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam hiện nay.
Theo đó, để phát triển giáo dục mở tại Việt Nam, cần có sự thay đổi về nhận thức đối với giáo dục mở.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay, giáo dục mở cần được xác định là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến hình hài của nền giáo dục Việt Nam trong tương lai.
Mặc dù, Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đã đưa ra chủ trương “đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”.
Tuy nhiên cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào để thống nhất về cách hiểu đối với giáo dục mở cũng như việc cụ thể hóa và triển khai xây dựng hệ thống giáo dục mở trong phạm vi cả nước theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Do đó, trong thời gian sắp đến, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục mở để làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng hệ thống giáo dục mở một cách đồng bộ và đáp ứng yêu cầu hội nhập với xu hướng phát triển của giáo dục mở trên thế giới.
Đi cùng với đó là tăng cường sự tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và phát triển hệ thống học liệu mở.
Bởi lẽ, nguồn học liệu mở phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển giáo dục mở.
Trong thời gian qua, nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng nguồn học liệu mở hướng đến việc sử dụng chung trong cộng đồng cũng như việc Việt hóa từ các nguồn học liệu mở trên thế giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận đối với người Việt Nam.
Tuy nhiên, các nguồn học liệu mở và miễn phí trên thế giới vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với các nguồn học liệu mang tính đặc thù. Việc Việt hóa đối với các nguồn học liệu này cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Trong điều kiện này, việc phát triển các nguồn học liệu nội sinh được xem là một vấn đề cần thiết nhằm phát triển nguồn học liệu mở cho Việt Nam.
Điều này cần có sự tham gia của tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước trong việc biên soạn và chia sẻ các nguồn học liệu để tiến tới việc sử dụng chung.
Để thực hiện được điều này thì cần phải xóa bỏ các rào cản liên quan đến việc chia sẻ và sử dụng chung dữ liệu, đặc biệt là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả.
Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích, hỗ trợ tài chính và khen thưởng kịp thời các nhà giáo, nhà khoa học và người học có đóng góp tích cực trong việc xây dựng và cải thiện các nguồn học liệu mở.