Ai giải được bài toán học sinh "ngồi nhầm lớp 9"?

08/05/2018 06:48
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Để nâng cao chất lượng thực sự cho giáo dục, cần phải làm nhiều thứ, đơn giản nhất là dạy thật, học thật, thi thật, tổng kết thật và quyền lưu ban cho học sinh

LTS: Vấn nạn "bệnh thành tích" trong trường học đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến học sinh, đặc biệt là tình trạng ngồi nhầm lớp.

Thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra những khoảng tối đằng sau câu chuyện về học sinh "ngồi nhầm lớp 9".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước thực trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” ở khối 9, không ít trường trung học cơ sở phải đau đầu với bài toán “thành tích” của trường mình. Thời gian này là thời gian “vàng” giải quyết đầu ra cho học sinh ngồi nhầm lớp 9.

Với khối 6-7-8, thành tích nằm trong tầm tay của nhà trường, chất lượng giáo dục thật sự của mỗi trường trung học cơ sở sẽ được kiểm chứng khá chân thực qua cuộc thi tuyển vào lớp 10.

Phần lớn các Sở giáo dục đào tạo các tỉnh đều thống kê tổng hợp điểm thi vào lớp 10 các môn thi của các trường, xếp hạng từ trên xuống, có trong báo cáo tổng kết năm học.

Trước thực trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” ở khối 9, không ít trường trung học cơ sở phải đau đầu với bài toán “thành tích” của trường mình. Ảnh minh họa: Vtv.vn
Trước thực trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” ở khối 9, không ít trường trung học cơ sở phải đau đầu với bài toán “thành tích” của trường mình. Ảnh minh họa: Vtv.vn

Chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở lúc này mới được “phơi bày” thực sự trước đánh giá của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương và Phòng giáo dục đào tạo chủ quản.

Để “nâng cao chất lượng” của trường mình, phần lớn các trường đều tăng tiết các môn thi tuyển lớp 10 như Toán, Văn, Anh trong thời khóa biểu chính khóa năm học lớp 9.

Thực chất đây là “dạy thêm chính khóa” có thu tiền của các trường học.

Chưa dừng ở đó, sau khi hết học kỳ I, những học sinh có kết quả yếu, kém được “tư vấn” nghỉ học chuyển sang học lớp “phổ cập” của nhà trường tổ chức, với cam kết 100% có bằng tốt nghiệp.

Ai giải được bài toán học sinh "ngồi nhầm lớp 9"? ảnh 2Thầy Sơn Quang Huyến xin cho học trò được quyền lưu ban

Số học sinh “nghỉ học” được báo cáo trong lớp “phổ cập” nên nhà trường vẫn đảm bảo "chuẩn quốc gia".

Giữa học kỳ II, nhà trường lại tổ chức thi thử tuyển sinh, những học sinh điểm thấp được tư vấn “bồi dưỡng thêm” ở cô nọ, thầy kia, làm cho hoạt động dạy thêm tràn lan càng phát triển, học sinh phụ huynh như con rối, suốt ngày chỉ học và học.

Trước bài toán đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp đầu năm đặt ra, điểm thi tuyển sinh lớp 10 cho “đẹp”, ban giám hiệu phải ra tay với những học sinh “vẫn ngồi nhầm lớp” tiếp.

Phụ huynh và học sinh của đối tượng này sẽ được gặp riêng để tư vấn, nhà trường sẽ giúp đỡ học sinh có bằng tốt nghiệp, với điều kiện gia đình cam kết không cho các em tham gia thi tuyển sinh lớp 10!

Không còn cách nào khác, phụ huynh học sinh phải đồng ý.

Thế là nhà trường đã đạt mục đích chỉ tiêu tốt nghiệp đầu năm, “loại bỏ” được các thí sinh có nguy cơ kéo thành tích nhà trường ra khỏi đợt thi tuyển lớp 10 sắp tới.

Tuy nhiên cũng có trường hợp học sinh “bẻ kèo” khi trường cấp ba thiếu chỉ tiêu, nhận hồ sơ tuyển sinh trực tiếp từ học sinh.  

Sau khi nhận hồ sơ, học sinh “vẫn ngồi nhầm lớp” lại tham gia thi tuyển lớp 10 theo phong trào.

Vì vậy mới có chuyện thật như đùa, khi trường nọ năm trước đứng cuối bảng xếp hạng, năm sau đứng đầu bảng và được báo cáo tham luận “nâng cao chất lượng dạy học” hẳn hoi, năm nay lại về bét bảng do học sinh “bẻ kèo”.

Việc giải quyết “đầu ra” cho học sinh “ngồi nhầm lớp 9” như thế chỉ là “bệnh thành tích”, nó kéo dài chuỗi bệnh ngồi nhầm lớp chứ hoàn toàn không có tác dụng nâng cao đời sống văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ai giải được bài toán học sinh "ngồi nhầm lớp 9"? ảnh 3Thầy cô không vô can khi để học sinh ngồi nhầm lớp

Không phải phụ huynh và học sinh “ngồi nhầm lớp” đều hiểu được thực chất năng lực học tập của bản thân mình.

Vì thế nhà trường cần có định hướng nghề nghiệp cho các em, động viên các em đi học nghề sau trung học cơ sở.

Có thể mời các trường nghề về tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp; cho học sinh và phụ huynh đi tham quan trường nghề.

Sau khi tham quan, được tư vấn, định hướng, học sinh sẽ học nghề mình thích, đây là cách giải quyết nhân văn cho học sinh ngồi nhầm lớp 9.  

Phương pháp này đã được trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu áp dụng rất thành công.

Để nâng cao chất lượng thực sự cho giáo dục, cần phải làm nhiều thứ, đơn giản nhất là dạy thật, học thật, thi thật, tổng kết thật, trả lại quyền lưu ban cho học sinh.

Nâng cao chất lượng giáo dục là phải làm, song phải vì học sinh, vì tương lai của xã hội.

Mỗi trường trung học cơ sở phải làm kiên quyết ngay từ đầu, nhất là từ năm học đầu cấp phải kiên quyết dạy thật, tổng kết thật, không để học sinh tiếp tục “ngồi nhầm lớp” lúc đó mới thực sự là “vì học sinh thân yêu”.

Sơn Quang Huyến