Ngày 28/5, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và dự án Luật Giáo dục sửa đổi.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
5 năm qua, sau khi Luật Giáo dục đại học năm 2012 có hiệu lực thi hành, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013 và nhiều luật khác có liên quan đến giáo dục đại học như: Luật giá (năm 2012), Luật Ngân sách Nhà nước (năm 2015), Luật Tổ chức Chính phủ (năm 2015), Luật Giáo dục nghề nghiệp (năm 2014)...
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học năm 2012 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định của pháp luật nói chung và các quy định liên quan đến giáo dục đại học nói riêng.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, các khoá đào tạo giáo viên tiểu học ở trường trung cấp, cao đẳng sư phạm hiện nay nên điều chỉnh chương trình, nội dung cho phù hợp trình độ đại học. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung 31/73 điều (42%); giữ nguyên 42 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.
Về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, đáng chú ý nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy.
Dự án luật bổ sung 1 điều quy định chuyển tiếp, theo đó các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026; giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa đối với nhà giáo.
Để thực hiện theo chuẩn mới, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) kiến nghị:
Thứ nhất, với đối tượng hiện nay đang học các khoá đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở: các trường (trung cấp, cao đẳng sư phạm) điều chỉnh kịp thời chương trình, nội dung cho phù hợp trình độ đại học, để không cung cấp cho xã hội giáo viên không đạt chuẩn mới.
Thứ hai, với đối tượng là giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục chưa đạt chuẩn mới (chiếm khoảng 40%- theo thống kê của Bộ giáo dục và Đào tạo) thì thông qua các đợt bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông mới để hợp thức hoá “bằng tốt nghiệp đại học sư phạm” chứ không nên buộc giáo viên phải đi học lại, không thiết thực và gây lãng phí thời gian, tiền bạc của nhà nước và của người học.
Ngoài ra, Dự án Luật Giáo dục sửa đổi cũng bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh; quy định tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo.
Và Dự án sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác.
Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Góp ý về 2 dự thảo, tại Hội nghị các chuyên gia giáo dục đã góp ý nhiều vấn đề còn bất cập của dự thảo Luật này qua những ý kiến thẳng thắn.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng Luật Giáo dục có nhiều sửa đổi quan trọng, tuy nhiên, chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn.
Một vấn đề nổi cộm trong giai đoạn hiện nay là chưa đảm bảo được phân luồng học sinh, chưa dạy những điều thực tiễn cần, dẫn đến thực tế rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm.
Vấn đề hiện nay là phải bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên hiện tại; thu hút người giỏi vào nghề sư phạm...
Nên tăng cường đào tạo giáo viên nhạc, họa, tin học... vì đang thiếu, cân nhắc việc đào tạo giáo viên các bộ môn khác như toán, lý, hóa... cho sát nhu cầu thực tiễn.
Nâng chuẩn giáo viên, tiếp tục băn khoăn về số phận 160.000 giáo viên tiểu học |
Tiền lương của giáo viên quá thấp nhưng lại bị cấm dạy thêm, dẫn đến tình trạng giả dối là học sinh phải viết đơn xin học thêm tự nguyện để giáo viên đối phó với cơ quan chức năng...
Góp ý về Luật giáo dục đại học, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư Văn hóa, Xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ Luật phải bảo đảm tự chủ thực sự cho các trường đại học, tự chủ giáo dục đại học là tất yếu.
Đại học mà không được chủ động thì không đào tạo ra được con người chủ động.
Đại học phải tự chủ, trường nào đào tạo chất lượng tốt sẽ được người học đón nhận. Việc sửa Luật phải bảo đảm, bám sát yêu cầu về căn bản, toàn diện; rà soát kỹ để đáp ứng yêu cầu về quốc sách hàng đầu, không phải là sửa đổi vài vấn đề.
Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung - giảng viên Đại học Luật Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần tập sửa những điều cần thiết nhất như việc phải dẹp được nạn học giả bằng thật, nạn sinh viên không đủ điều kiện vẫn được ra trường.
“Không nên chú trọng kiểm tra đầu vào như nay mà cần chuyển sang kiểm soát đầu ra.”, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung đề nghị.
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cũng cho rằng, Luật Giáo dục đại học cần bổ sung thêm chính sách cho các giáo sư giảng dạy đại học, không tách các viện nghiên cứu ra khỏi trường đại học...