Đó là nhận định trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Bọ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mục tiêu của dự án Luật nhằm xây dựng và ban hành Dự án Luật nhằm chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước.
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với giáo dục, đào tạo trong thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: TTXVN) |
Dự án luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục và đào tạo, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong toàn hệ thống để huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước.
Đổi mới quản lý nhà nước, thúc đẩy quản trị nhà trường, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 03 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo đó, dự thảo Luật chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Còn các quy định cụ thể về chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, văn bằng, chức danh và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các lĩnh vực đào tạo đặc thù,… sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, dự thảo Luật bảo lưu những quy định cụ thể đã được thực hiện ổn định và được khẳng định trong thực tiễn.
Đồng thời, bổ sung một số quy định mang tính dự báo, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các chính sách đối với các cấp học và lĩnh vực giáo dục này.
Dự thảo Luật cũng quy định về việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy.
Dự thảo luật bổ sung 1 điều quy định chuyển tiếp, theo đó các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026 và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa đối với nhà giáo.
Về nâng chuẩn giáo viên, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật nhấn mạnh, về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo (Điều 77), Ủy ban cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên đại học và giáo viên trung học cơ sở như trong dự thảo luật.
Ủy ban đồng thời nhấn mạnh, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực làm việc phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết còn nhiều ý kiến băn khoăn với việc nâng chuẩn của giáo viên tiểu học trong dự án Luật. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên.
Do vậy, cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi.
Đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện.
Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo để khuyến khích sinh viên theo học trình độ phù hợp, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.
Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách.
“Các quy định về vị thế, vai trò; điều kiện, tiêu chuẩn; nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; sự đãi ngộ, tôn vinh còn chồng chéo.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong Luật.
Quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách tương xứng với vị thế đã được xác định.
Làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm tương hỗ giữa Nhà nước – Nhà giáo – Người học, làm căn cứ để xây dựng Luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm đương tốt nhất trọng trách của mình.
Đối với chính sách lương của nhà giáo, Ủy ban đề nghị bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong Luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương .
Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung và làm rõ hơn trong Dự thảo Luật các quy định liên quan đến cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm các quy định về về khái niệm, tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng”, ông Phan Thanh Bình nêu.