Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm qua, giáo dục Việt Nam có những chuyển biến tích cực về nhiều mặt.
Tuy vậy, bên cạnh những việc đã làm được, nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là kỷ nguyên 4.0 đòi hỏi phải có sự cải tạo căn bản hơn nữa về tầm nhìn, nội dung, cũng như cách tiếp cận trước sự đổi mới không ngừng của xã hội.
Tiến sĩ Trần Minh Đức (Trường Đại học Thủ Dầu Một) chỉ ra nguồn lực của nền giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0 từ đó đưa ra một số giải pháp căn bản nhằm phát triển nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0.
Người dạy học trong kỷ nguyên 4.0 cần tiệm cận được với một số kỹ năng: Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp; Tư duy phê phán; Sáng tạo; Quản lý nhân sự;...(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Cụ thể, ngành giáo dục trong kỷ nguyên 4.0 theo Tiến sĩ Trần Minh Đức cần phải tiếp cận với một số mô hình mang tính đổi mới và phù hợp với xu thế phát triển chung như:
Thứ nhất, học Công nghệ thông tin (Information Technology): Mạng internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, và bởi trí thông minh nhân tạo và máy học.
Thứ hai, học thông qua các thiết bị học điện tử (E-Learning, hoặc electronic-learning): E-Learning ở Việt Nam có thể được gọi là đào tạo từ xa hoặc đào tạo trực tuyến, có thể kết hợp với giảng dạy trực tiếp.
Thứ ba, học thông qua các thiết bị di động (Mobile-Learning): Đó là việc sử dụng thiết bị di động trong học tập. Người học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi với một chiếc di động smartphone có sự hỗ trợ của hệ thống quản lý học tập online trên hệ thống mạng;
Thứ tư, học theo ngữ cảnh, thông qua các thiết bị định vị (Collaborative learning).: Nhờ các công cụ công nghệ thông tin và các mạng xã hội, môi trường học có tính tương tác cao, diễn ra khi hai hoặc nhiều người cùng tham gia học hoặc cùng tìm hiểu một vấn đề.
Môi trường học tập tương tác cung cấp những công cụ và hoạt động hỗ trợ bao gồm: Diễn đàn thảo luận; Công cụ điều tra; Lịch; Từ điển Wikis tích hợp; Các công cụ blog và tag; podcast...;
Thứ năm, học thông qua công nghệ Điện toán đám mây (Cloud computing): Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các “dịch vụ”, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó “trong đám mây” mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ đó, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó.
Thứ sáu, học theo ngữ cảnh (Context aware learning): Học theo ngữ cảnh, thuật ngữ hay được sử dụng là U-learning - học mọi lúc mọi nơi.
U-learning cung cấp cho người học nội dung phù hợp nhất ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Phát triển các ứng dụng đào tạo E-Learning trên điện thoại di động, có thể tích hợp sử dụng với kính VR, 3D mang lại hứng thú thực sự cho học viên...
Tiến sĩ Trần Minh Đức khẳng định, khi thời kỳ công nghệ kỹ thuật cao đòi hỏi các trường đại học phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại để có những thay đổi triệt để trong phương pháp dạy và học.
Cô giáo bày tỏ ước mong thoát khỏi cách dạy Ngữ văn nhồi nhét chạy theo thi cử |
Cụ thể, người dạy học cần tiệm cận được với một số kỹ năng: Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp; Tư duy phê phán; Sáng tạo; Quản lý nhân sự; Khả năng phối hợp; Trí thông minh cảm xúc; Đàm phán....
Do vậy, cuộc cách mạng này đang và sẽ buộc ngành giáo dục Việt Nam phải thay đổi căn bản nhiều thứ từ tầm nhìn, nội dung, phương pháp và cả các kỹ năng trong đào tạo.
Tiến sĩ Trần Minh Đức kiến nghị rằng, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực trong kỷ nguyên 4.0, các cơ sở giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra những “sản phẩm”- người lao động tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh…
Để đáp ứng nhân lực trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi phải thay đổi cơ bản các hoạt động đào tạo, nhất là phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin.
Đồng thời việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin trong giáo dục cần được khuyến khích triển khai rộng khắp trong hệ thống trường học để tạo nên môi trường giáo dục hiện đại, hiệu quả.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản trị trường học phải được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin.
Và cần chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình đào tạo những gì đang có sang mô hình đào tạo chủ yếu theo nhu cầu của thị trường, xã hội cần.
Tuy nhiên muốn làm được những điều này thì cần đổi mới cơ chế chính sách về giáo dục
Trong đó, đối với nhà giáo, cần xây dựng các chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm ở các cấp trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng.
Xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở giáo dục xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong dạy học cho các cơ sở giáo dục.
Triển khai các hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo từng giaiđoạn;
Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề.
Cùng với đó là sự đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong giáo dục theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học;
Đổi mới chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề trên cơ sở chuẩn nhà giáo giáo dục nhà nước hoặc quốc tế.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cũng cần được chuẩn hóa, trên cơ sở chức danh nghề nghiệp, gắn với vị trí việc làm.
Đội ngũ này phải có đủ năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo cao và tự chịu trách nhiệm.
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục cả nhà nước và tư nhân, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở...