Ngày 14/5, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã kết hợp với Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc tổ chức buổi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Bên lề hội thảo lần này, phóng viên có trao đổi với cô giáo Bùi Thị Hoàng Yến về công tác dạy và học môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Được biết, cô Hoàng Yến có nhiều năm liền là giáo viên tham gia bồi dưỡng đội tuyển thi văn quốc gia của tỉnh Vĩnh Phúc và đạt nhiều thành tích trong dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cô giáo Bùi Thị Hoàng Yến cho rằng: "Chương trình văn học phổ thông hiện nay đang gây trở ngại cho những cố gắng thay đổi phương pháp dạy học ở phổ thông hiện nay" - ảnh Trinh Phúc. |
Cô Hoàng Yến cho rằng, nhắc đến thực trạng học văn, dạy văn nói chung đa số sẽ nghĩ hiện nay học sinh rất sợ học môn văn, không có hứng thú với môn học này.
Lý giải về điều này, theo cô Hoàng Yến chỉ ra rằng, vì dạy văn thường dạy theo hướng nhồi nhét kiến thức cho học sinh.
Học sinh buộc phải ghi nhớ một cách máy móc điều này dẫn đến giết chết khả năng sáng tạo của học sinh.
Thói quen dạy văn hiện nay là các thầy cô cứ miệt mài cảm thụ thay, dâng cảm thay cho học sinh. Sau đó, học sinh miệt mài học thuộc nên học sinh không có hứng thú.
“Cách dạy và học này đã giết chết cảm hứng ở các em học sinh. Các em cảm thấy học văn quá nặng nề”- cô Hoàng Yên nói.
Trước thực trạng dạy văn như vậy nên nhiều giáo viên đã và đang tìm phương pháp dạy học mới.
Chia sẻ bí quyết của bản thân, cô Hoàng Yến cho hay, để dạy văn tốt, trước hết thầy cô phải đam mê môn của mình.
Ngoài ra, văn chương cũng là khoa học nên thầy cô phải có phương pháp tối ưu cho dạy môn văn.
“Tôi đã trăn trở rất là nhiều, cũng tìm rất nhiều hướng đổi mới để dạy văn.
Nhận thấy khả năng ứng dụng sâu đậm môn văn trong đời sống. Chính vì thế, tôi dạy học trò trên cơ sở kiến thức cơ bản trong tác phẩm đồng thời tôi cũng tăng cường khả năng giao tiếp cho học sinh sử dụng ngôn ngữ như một cách linh hoạt để giao tiếp trong đời sống.
Đây là một kỹ năng mà tôi hướng tới khi dạy học sinh vì sẽ ứng dụng rất nhiều.
Ngoài ra, tôi cố gắng dạy học sinh khả năng tư duy, lập luận bởi lẽ nhìn nhận từ thực thế cho thấy, đang có tình trạng, có người có suy nghĩ, có chính kiến, quan điểm nhưng không thể nào trình bày rõ ràng, mạch lạc suy nghĩ, quan điểm của họ ra để người khác hiểu.
Nên khi dạy văn, tôi dạy cho học sinh cách lập luận sao cho rõ ràng, mạch lạc, thuyết phục vì các kỹ năng này sẽ ứng dụng rất nhiều trong đời sống” – cô Hoàng Yến chia sẻ.
Cũng theo cô giáo này, văn chương còn giúp bồi đắp tâm hồn cho con người. Giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc và cách giải quyết vấn đề sâu sắc hơn…
“Khi bám sát vào những hữu ích mà môn văn mang lại khi dạy văn thì sẽ tạo được hứng thú cho học sinh khi học” – cô Hoàng Yên nhận định.
Chia sẻ thêm những khó khăn trong dạy văn, cô giáo trường chuyên Vĩnh Phúc này thổ lộ: “Trong thực tế giảng dạy sự cố gắng để thay đổi phương pháp của giáo viên môn văn cũng đang vấp phải nhiều khó khăn trở ngại.
Trước hết là những cản trở từ chương trình sách giáo khoa. Vì, chương trình giáo khoa có số lượng tác phẩm rất nhiều dẫn tới lượng kiến thức cần trang bị cho học sinh lớn. Điều này đã tạo nên áp lực lớn đối với học sinh và giáo viên.
Chương trình nặng tới mức, khi dạy học đôi khi muốn chạy lướt qua tác phẩm thôi thì cũng hết lượng thời gian chứ chưa nói đến mở rộng cho các em suy ngẫm, rèn luyện các kỹ năng hay bài học trong cuộc sống.
Văn chương cần độ thấm, độ ngấm, còn nếu chạy lướt qua như thế thì rất khó”.
Viết sách giáo khoa lịch sử, hãy nghĩ đến học sinh, đừng viết cho nhà nghiên cứu |
Một khó khăn nữa gây cản trở trong việc thay đổi phương pháp dạy văn theo cô Hoàng Yến đó là cách kiểm tra, đánh giá hiện nay.
Muốn thay đổi phương pháp dạy văn để hấp dẫn và thu hút hơn phải có sự đồng hành từ chương trình và cách kiểm tra đánh giá.
Cách kiểm tra đánh giá có tác dụng quay ngược trở lại, tác động rất là sâu sắc phương pháp giảng dạy của giáo viên.
“Kiểm tra đánh giá hiện vẫn thiên về kiến thức cơ bản, nặng về kiến thức ghi nhớ.
Điều này buộc giáo viên vẫn phải dạy cho học sinh theo kiểu nhồi nhét, học sinh buộc phải học thuộc lòng, máy móc.
Mấy năm gần đây đã có sự thay đổi lớn tuy nhiên cần phải thay đổi hơn nữa” - cô Hoàng Yến nhấn mạnh.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giao lưu với các học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc (ảnh Trinh Phúc). |
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước thực hiện. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục nghìn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường. Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777, Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |