Ngày 16/5, Hiệp hội Các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”.
Hội thảo đã thu hút được hàng trăm bài viết, chia sẻ ý tưởng đóng góp từ các nhà giáo, các chuyên gia.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng: “Cuốn kỷ yếu hội thảo rất đồ sộ với hơn 100 bài viết chứng tỏ các thầy cô hết sức quan tâm chủ đề này.
Xin thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã dày công quyết tâm tổ chức hội thảo có ý nghĩa với chủ đề rất quan trọng đối với giáo dục nước ta và cảm ơn các thầy cô, các nhà khoa học đã tham gia hội thảo”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã dày công quyết tâm tổ chức hội thảo “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” - ảnh Trinh Phúc. |
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, từ 3 đến 4 thập niên trước, UNESCO định nghĩa giáo dục mở là làm sao xóa bỏ mọi rào cản tiếp cận giáo dục.
Giáo dục mở mang những đặc điểm chính là ở bất cứ đâu, thời gian nào, không phân biệt đầu vào để mọi người đều được tạo điều kiện được tiếp cận giáo dục.
Hơn nữa, mở về hình thức, nội dung, phương pháp để mọi người muốn học tập đều có thể học tập.
Thứ trưởng giải thích thêm, hiện có hai nhánh chính của giáo dục là học không lấy bằng (tự học) và học để lấy bằng cấp, chứng chỉ.
Đối với nhiều nước trên thế giới, họ nghiên cứu làm sao quá trình này diễn ra thuận lợi nhất nhưng phải đảm bảo mặt bằng chất lượng.
Qua trao đổi của Thứ trưởng Phúc có thể thấy, mấy năm gần đây, trên thế giới, giáo dục mở được xem trọng, nhấn mạnh một cách có hệ thống.
Với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật thì giáo dục mở đang phát triển nhanh chóng, đạt hiệu quả hơn mà chi phí lại thấp.
Với sự trợ giúp của internet và công nghệ thông tin, học qua mạng, học online phát triển rất nhanh.
Đến bây giờ, việc học được thiết kế công phu và phức tạp hơn nhiều. Chương tình học được thiết kế đến từng người học.
Quá trình từ người thầy làm trung tâm, chuyển sang người học làm trung tâm và đang chuyển sang quá trình cá thể hóa đến từng người học.
“Trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích đặc điểm của từng người và tự hệ thống thiết lập gói học tập cho từng cá nhân để phát huy tốt nhất tố chất của người học”.
Từ đó, ông Phúc cho rằng, tại Việt Nam, do điều kiện kinh tế nên nền giáo dục mở không phát triển như các nước.
Về chủ trương, Bộ đang là cơ quan được Chính phủ giao sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học và trong lần sửa đổi này Bộ rất chú ý đưa vấn đề giáo dục mở vào luật.
Có thể Luật sẽ quy định những nguyên tắc chung nhưng khi triển khai Nghị định, Thông tư thì theo hướng bắt kịp với thế giới.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Phúc nói: “Trong Luật Giáo dục sửa đổi quy định đào tạo chính quy là 100% học ở trường là không nên mà cần khuyến khích học online.
Hiện nay, qua khảo sát ở Mỹ có 80-90% nội dung chương trình được dạy chính quy truyền thống, còn lại học online.
Do đó khi sửa Luật, Nghị định, Thông tư thì thế giới như thế nào nước ta cố gắng theo kịp thế giới càng nhanh càng tốt.
Giáo dục online đang mở ra triển vọng, cánh cửa rất lớn để học từ xa. Ngay cả ở phổ thông, học online cũng bổ sung mạnh mẽ cho dạy học truyền thống”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: phải tạo sức ép, buộc các trường tự chủ |
Nhận định thêm về chủ đề này, Thứ trưởng Phúc cho rằng: “Tương lai gần các trường đại học sẽ thay đổi vĩnh viễn cách dạy và học như hiện nay.
Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc chia sẻ rằng, nước họ đang phát triển mạnh mẽ cách học E-learning.
Hàn Quốc có 20 trường ảo với quy mô sinh viên tăng đều đặn.
Tại Úc thì các chứng chỉ ngắn hạn người ta học qua mạng là chủ yếu. Rảnh lúc nào học lúc ấy.
Sự tiến bộ của Internet và trí tuệ nhân tạo đã mở ra một xã hội học tập thực sự, học suốt đời.
“Chúng ta cần làm sao tạo ra hệ thống trong đó người dân có nhu cầu học thì đáp ứng được, mở ra một xã hội học tập, học suốt đời.
Để được như vậy, nước ta cần nỗ lực, các nhà khoa học cần phải say mê đóng góp.
Còn phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đổi mới căn bản để phát triển giáo dục” - ông Phúc nhấn mạnh.