Theo con số công bố ngày 15/6/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi quốc gia năm 2018 có 925.792 em.
Được biết, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia bắt đầu từ năm 2015. Đây được coi là mốc quan trọng trong việc đổi mới thi cử ở Việt Nam. Lần đầu tiên sau 12 năm học, học sinh chỉ tham gia một kỳ thi duy nhất với 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.
Liên tiếp trong năm 2016, 2017 và năm nay là 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những thay đổi theo lộ trình để kỳ thi quốc gia hoàn thiện hơn.
Và năm 2017 lần đầu tiên Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi cấp quốc gia.
Tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) cũng lần đầu xuất hiện.
Năm 2017 và 2018, kỳ thi quốc gia có các bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Trong đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Theo con số công bố ngày 15/6/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi quốc gia năm 2018 có 925.792 em. (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn) |
Những năm trước, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm trung học phổ thông. Năm 2017, đề thi sẽ chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Năm 2018, đề thi sẽ bao gồm cả chương trình lớp 11, chiếm tỷ lệ 20%. Và theo dự kiến, năm 2019, đề thi sẽ bao gồm cả chương trình lớp 10, 11 và 12.
Theo lý giải của lãnh đạo Bộ, thay đổi này nhằm giúp học sinh yên tâm trong việc chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia có nhiều điểm mới như tăng cường đề thi trắc nghiệm, bổ sung một số bài thi tổ hợp.
Những năm trước, kỳ thi quốc gia được tổ chức chủ yếu ở các thành phố lớn, mỗi phòng thi có 6 mã đề.
Kỳ thi quốc gia năm 2017, 2018 được tổ chức ở 63 tỉnh thành phố trong cả nước, một phòng thi có 24 mã đề khác nhau nhằm hạn chế tình trạng quay cóp, trao đổi khi làm bài trắc nghiệm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự đổi mới về kỳ thi quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt được một số thành tựu như hạn chế học sinh học lệch, học tủ, giảm tốn kém cho xã hội, giảm áp lực về giao thông, chỗ ăn ở của học sinh tại các thành phố lớn.
Thực tế cho thấy, đổi mới trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm qua có sự đóng góp rất lớn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Trong bài viết này, xin đề cập đến sự kiên trì của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong việc đưa ra những góp ý, kiến nghị đổi mới với Bộ Giáo dục và Đào tạo về hình thức thi trung học phổ thông quốc gia qua từng kỳ thi quốc gia.
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho biết:
Ngày 14/11/2015, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đổi mới căn bản thi, tuyển sinh năm 2016.
Một trong những kiến nghị Hiệp hội đề cập đó là, ở nước ta từ trước đến nay thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi quốc gia, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong cả nước.
Trong tương lai để việc tổ chức thi được nhẹ nhàng, thuận tiện nên phân cấp việc tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho Sở Giáo dục và Đào tạo và để thực hiện được sự phân cấp đó cần nâng cao năng lực tổ chức và quản lý thi của các Sở.
Và để học sinh quan tâm học toàn diện các môn của chương trình giáo dục phổ thông, tránh học lệch, cần thi tất cả các môn trong chương trình học: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin;
Nhưng số bài thi cũng chỉ nên khoảng bốn bài, thi trong 4 buổi như lâu nay với số câu hỏi trong mỗi đề thi không nên quá nhiều, có thể tích hợp hoặc tổ hợp một số môn như Lý- Hóa-Sinh; Sử-Địa-Giáo dục công dân, đề thi có phần trắc nghiệm và có phần tự luận.
Đến ngày 28/7/2016, Hiệp hội tiếp tục có văn bản góp ý cho phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2017 gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Tại văn bản này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu rõ, cách đây hơn 2 năm Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, tiền thân của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hiện nay, đã gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo “Đề cương cho Đề án cải tiến kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông triển khai từ năm 2015“ theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhưng từ đó tới nay (tháng 7/2016), Hiệp hội vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đến ngày 13/9/2016 khi Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về phương án thi năm 2017, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết:
Cách đây 2 năm Hiệp hội đã có văn bản góp ý gửi lên Bộ về phương án thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng và tháng 7/2016 Hiệp hội cũng đã gửi góp ý thi lên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Với góp ý này, Hiệp hội đề nghị đề thi và đáp án phải được xây dựng dưới dạng trắc nghiệm khách quan là chủ yếu, hướng tới sự chuẩn mực.
Kỳ thi quốc gia không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài mà kỳ thi phân loại dành cho số đông nên thi trắc nghiệm khách quan là phù hợp nhất, đánh giá toàn diện học sinh nhất ở hầu hết các môn học. Nếu tiếp tục dùng thi theo hình thức tự luận sẽ không khách quan.
Quang cảnh ngày 13/9/2016 khi Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về phương án thi năm 2017 (Ảnh: Thùy Linh) |
“Nếu Bộ tiếp tục duy trì như kỳ thi 2016 với 3 môn bắt buộc và các môn còn lại là tự chọn như vậy đã dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, học tủ, ngay từ đầu lớp 10.
Từ đó, mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh trung học phổ thông tại Nghị quyết 29 không đạt được.
Trước đây, Hiệp hội chúng tôi đã nhiều lần góp ý điều hệ trọng này như không được chấp nhận.
Do đó, Hiệp hội ủng hộ phương án đổi mới thi năm 2017, 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo” – Tiến sĩ Khuyến bày tỏ.
Bộ Giáo dục đã biết có nhiều thiết bị gian lận thi cử vượt ngoài sự tưởng tượng |
Cùng thời điểm đó, trao đổi với phóng viên, Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đưa ra biện pháp so sánh giữa thi trắc nghiệm với thi tự luận.
Cụ thể: phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với tự luận. Bởi thi trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng của đề thi và chấm thi không bị ảnh hưởng. Còn phương pháp tự luận, chất lượng kỳ thi phụ thuộc năng lực người chấm.
Chất lượng đề thi có thể khắc phục được bằng việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhiều người tham gia vào.
Còn dùng phương pháp tự luận, trong thời gian ngắn chấm hàng triệu bài thi thì không thể nào tìm được người giỏi để chấm, người chấm không đủ trình độ, chất lượng kỳ thi tất yếu sẽ kém.
Cũng theo Giáo sư Thiệp: “Không phải ngẫu nhiên mà thế giới thi trắc nghiệm là chính. Đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn thì phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo.
Đây là phương án mà Hiệp hội đã đề nghị Bộ cách đây 2 năm. Tôi rất ủng hộ phương án này là đương nhiên”.
Tóm gọn một vài nội dung cơ bản như vậy về những đổi mới qua kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từng năm cũng như những góp ý của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (bao gồm nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và đương Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ) đã cho thấy:
Sự nỗ lực cố gắng kiên trì góp ý thông qua những văn bản, hội thảo do Hiệp hội tổ chức và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, hoàn thiện đặc biệt từ khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đảm nhận vai trò Tổng tư lệnh ngành giáo dục.