LTS: Đưa ra quan điểm hoàn toàn đồng tình với chủ trương, cách ra đề theo hướng phân hóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo - là người trong cuộc thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc gửi đến độc giả bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Công tác coi thi của kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 diễn ra trong hai ngày rưỡi, từ ngày 25 đến sáng 27/6 đã thành công tốt đẹp.
Cả nước chỉ có 73 thí sinh bị đình chỉ thi, sai phạm chủ yếu là đem điện thoại và tài liệu vào trong phòng thi, không có một cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi.
Các bạn thí sinh tham gia kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Những điểm mới về kỹ thuật coi thi năm nay đã được cán bộ coi thi thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc.
Các đề thi đã đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối trong quá trình thi.
Nội dung, kiến thức trong các môn thi, bài thi đều bám sát chương trình, sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12.
So với năm 2017, các đề thi năm nay có độ phân hóa khá tốt, có một số câu ở mức độ rất khó, chỉ có một số ít học sinh học thật giỏi mới giải quyết được.
Đúng với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai, ban hành ngay từ đầu năm học, mỗi đề thi sẽ phân hóa với tỉ lệ 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao.
Như vậy, năm 2018 này khả năng hàng ngàn thí sinh đạt điểm tuyệt đối các môn thi, bài thi sẽ khó xảy ra như năm 2017.
Năm ngoái, lần đầu tiên tổ chức hình thức thi mới nên mức độ các đề thi có phần nhẹ, dễ, nhiều thí sinh hoàn thành sớm bài thi với tâm thế rất phấn khởi, tự tin...
Các chuyên gia, thầy cô giáo cho rằng đề thi như vậy là chưa phân hóa, khó chọn lựa được thí sinh tốt nhất để học đại học.
Còn năm nay thì tình hình đã đổi thay, khoảng 25 câu đầu thì dường như các thí sinh học mức trung bình cũng đều có thể làm được hết nhưng đến câu 26 trở đi thì mức độ khó tăng dần.
Khoảng 8-9 câu, nhiều thí sinh học khá, giỏi “bở cả hơi tai”, có em tô theo kiểu hú họa, ăn may.
Có em học giỏi về kiểm tra lại thấy mình chỉ đạt 7, 8 điểm môn thi/bài thi buồn hết biết.
Để thử sức mình, một số giáo viên ít nhạy bén và chưa quen hình thức trắc nghiệm cũng toát mồ hôi hột với những câu hỏi nâng cao và không đủ thời gian để hoàn thành bài thi.
Năm 2017, ra đề dễ bị chê đã đành. Năm 2018, ra đề có một số câu rất khó để phân hóa thí sinh thì cũng bị chê. Thế mới là dư luận xã hội.
Có người cho rằng ra đề như vậy làm học sinh mất nhuệ khí học tập, rồi đây áp lực học tập, dạy học thêm, ôn luyện thi sẽ gia tăng, phức tạp hơn nhiều.
Là người trong cuộc tôi lại không nghĩ vậy và hoàn toàn đồng tình với chủ trương, cách ra đề theo hướng phân hóa như vậy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đây là kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia với mục đích “hai trong một”, vừa để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông vừa để xét tuyển vào các trường đại học.
Trong gần cả triệu học sinh lớp 12 “ra lò” hàng năm, có diện học sinh học ở mức yếu - trung bình (chiếm tỉ lệ cao), có diện học sinh học ở mức khá - giỏi.
Học sinh yếu - trung bình chỉ cần đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, sau đó đi học nghề, học cao đẳng thì khi thi làm xong những câu hỏi cơ bản là được, là đủ điểm.
Học sinh khá - giỏi có mục tiêu cao hơn, ngoài đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông còn trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu, tốp giữa thì phải đầu tư, làm được nhóm câu hỏi nâng cao.
Năng lực, nguyện vọng của từng thí sinh như thế nào thì học và thi như thế ấy, có gì đâu phải lo lắng, phân trần.
Tôi mong mỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giữ vững sự ổn định của kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia trong nhiều năm tới.
Còn chất lượng giáo dục và đào tạo đại học đâu chỉ phụ thuộc vào kết quả điểm thi, chất lượng đầu vào.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng khuyến cáo các trường đại học ở ta chớ kêu ca, trông chờ vào chất lượng đầu vào mà từng trường phải tự đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên của mình lên.