Đâu phải tại đề thi

23/06/2018 06:34
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Điều khổ tâm nhất của người làm đề thi là dư luận chưa hiểu bản chất vấn đề, thường phê phán gay gắt mà quên rằng đâu phải tại đề thi mà con em các vị bị trượt

LTS: Từng là người tham gia công tác làm đề thi, thầy giáo Nguyễn Văn Lự lên tiếng chia sẻ quan điểm của mình về việc nhiều phụ huynh và dư luận bày tỏ bức xúc với đề thi khi con em mình bị trượt.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mùa thi tuyển sinh trung học phổ thông khép lại, hàng triệu thí sinh và phụ huynh đang hồi hộp chờ kết quả.

Những gì các thí sinh và gia đình trải qua là chồng chất âu lo và day dứt.

Nào là đề khó, đề dễ; nào là đề mới, đề lạ; nào là coi thi, chấm thi chặt chẽ và cuối cùng là đỗ trượt và tháo gỡ thế nào.

Cán bộ làm thi và cán bộ làm đề thi tổng kết rồi mà chưa thể yên lòng với dòng chữ mặc định “kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; không có biên bản đặc biệt…”.

Ảnh minh hoạ: TTXVN
Ảnh minh hoạ: TTXVN

Những con số báo cáo kết quả chấm thi tuyển sinh năm nào cũng nhức nhối lòng người.

Quá nửa thí sinh có điểm dưới trung bình, thậm chí hàng ngàn bài điểm từ 1 (một) trở xuống của các tỉnh thành về môn Toán, môn Ngoại ngữ, môn Ngữ văn đã phản chiếu đúng bao nhiêu phần chất lượng giáo dục hiện nay?

Những điểm bài tệ hại này do đề bài hay do người dạy người học và có phải của riêng địa phương nào? 

Người ta, cả các thầy cô giáo và người dân, sôi nổi bàn luận về chất lượng đề thi và chất lượng học sinh.

Không ít người đặt câu hỏi về tâm và tầm của người chọn đề thi chính thức và không tiếc lời chỉ trích đề thi. 

Trên lý thuyết, đề thi khó hay dễ, vừa sức hay quá sức, có phân hóa hay không của bất cứ kỳ thi nào (cấp trường, cấp tỉnh hay quốc gia), các thầy cô có chuyên môn vững đọc đề thi có thể khẳng định được và hình dung được thí sinh sẽ làm bài thế nào và đoán được bao nhiêu % trên trung bình. 

Đâu phải tại đề thi ảnh 2Thầy Sông Trà bàn về đề thi

Người thạo chuyên môn làm đề chuẩn đúng bao giờ cũng hiểu và lường trước các tình huống cho mục đích tuyển sinh.

Đề dễ hay khó, đúng hay chưa đúng thì các nhà trường vẫn tuyển đủ theo cách lấy từ điểm cao xuống. Điểm cao hay thấp đều phụ thuộc vào thí sinh.

Việc coi thi, chấm thi không làm thay đổi được điểm bài vì tính chất nghiêm túc và chặt chẽ của thi tuyển sinh. 

Điều khổ tâm nhất của người làm đề thi là dư luận chưa hiểu bản chất vấn đề nên thường phê phán gay gắt đề mà quên rằng đâu phải tại đề thi mà con em các vị bị trượt!

Đề bài chính thức bắt buộc đảm bảo các yêu cầu cơ bản: đúng chương trình trọng tâm; chính xác và tường minh; đúng mục đích và phù hợp đối tượng thí sinh.

Rất khó xảy ra những sai sót của đề trong các kỳ thi quan trọng.  

Nếu chất lượng điểm bài thi do đề thì hoặc người ta quá đề cao đề thi hoặc người ta cố ý ngụy biện cho chất lượng ảo của nhà trường phổ thông.

Người viết cũng đã từng nếm mùi cách ly tuyệt đối làm đề thi, đã từng cùng đồng nghiệp bàn thảo sâu về đề Ngữ văn và đề các môn khác (về tính chặt chẽ, tính tường minh, chính xác của ngôn ngữ và diễn đạt).

Thực tế hiện nay là làm thế nào để các thầy cô làm đề thi nói chung hiểu và thực hành chuẩn đúng các quy phạm tiếng Việt và trình bày văn bản đề thi không sai sót về ngữ pháp, về dùng từ và nghĩa của từ là điều rất khó.

Chỉ có những thầy cô nào thiếu trách nhiệm và non yếu về tri thức tiếng Việt mới trả lời được đến bao giờ chấm dứt được những đề bài chưa chuẩn cả về mức độ nội dung và hình thức diễn đạt, trình bày!

Đâu phải tại đề thi ảnh 3Quy trình chấm, vào điểm thi lớp 10 cực kỳ nghiêm, thí sinh có nên phúc khảo?

Đề thi thường đảm bảo các yêu cầu nhưng kết quả nhiều điểm yếu kém hay nhiều điểm giỏi không thể đổ lỗi cho đề khó hay dễ hoặc đề có phần đánh đố hay bẫy thí sinh.

Bất cứ người làm đề thi nào cũng phải tính toán, dự liệu khả năng nhằm để thí sinh nắm kiến thức chuẩn, cơ bản có thể đạt điểm trung bình 5-6; thí sinh học khá, học lực giỏi sẽ giành điểm tương ứng. 

Các quý vị hãy đồng tình với người làm đề rằng đề thi có câu rất dễ (tránh bài bị điểm liệt), câu hỏi dễ, câu trung bình và câu khó dành cho thí sinh khá và để đạt điểm 10/10 phải là học sinh xuất sắc.

Thế nhưng hàng trăm điểm liệt (1) của mỗi tỉnh hàng năm là điều đáng lo lắng.

Mỗi tháng hàng vài trăm bài báo viết về giáo dục và nhất là chất lượng giáo dục nước ta.

Nhiều quan chức giáo dục cũng đã nêu lên quan điểm và phương cách khắc phục.

Nhưng chưa ai dám chịu trách nhiệm và dám chấp nhận con số thật về chất lượng đối ngược giữa xếp loại đánh giá của nhà trường với chất lượng điểm thi tuyển sinh của học sinh. 

Dư luận chấp nhận và tự hào về những giấy khen treo dán đầy nhà của con em nhưng lại không chấp nhận con em bị điểm kém, bị lưu ban.

Người ta ủng hộ việc học thêm, động viên con học thêm mà không biết rằng con em mình đã học lệch, học càng kém đi vì kiến thức bài chính khóa không có thời gian nào để học.

Người ta cũng đổ bừa cho các cháu mất gốc kiến thức ở lớp dưới mà không biết rằng bài vừa học xong, thầy cô vừa giảng xong cũng có hiểu gì, nhớ gì đâu. 

Đâu phải tại đề thi ảnh 4Đề thi quốc gia đã sẵn sàng

Vậy cái gốc ở lớp dưới là gì?

Nếu học sinh viết không thành (nên) chữ Việt, nói không biết nói, đọc không biết đọc thì là phần của thầy cô Ngữ văn;

Nếu học sinh không biết nhẩm tính, không biết gì tính toán là của thầy cô môn Toán;

Nếu ngồi nhầm lớp thì do thầy cô nào và nếu… thì tại gia đình, nhà trường và xã hội!

Nếu cháu điểm thấp, thi trượt chắc là đề thi khó, đề thi lạ hoặc do cháu nhầm lẫn chút xíu…

Người ta thừa nhận những học sinh kiến thức vững thì thi trường nào cũng đạt điểm như thế, thi trường nào đỗ trường ấy.

Suy rộng ra, thí sinh nào học thật, chất lượng thật thì đề bài nào cũng là dễ và ngược lại. 

Có lẽ, hội chứng ngộ nhận thắng lợi tinh thần đã và đang có nguy cơ lan rộng trong ý nghĩ và hành động của không ít người Việt bây giờ.

Đó là lỗi hệ thống, lỗi dây chuyền, lỗi đâu cũng thế! Đều không có tên của cá nhân nào, tổ chức nào.

Vài năm nay, đề thi chung cho tất cả thí sinh học theo khối tự nhiên hay xã hội nên đề thi vừa sức thí sinh và trong chương trình cơ bản trọng tâm. 

Hàng chục ngàn điểm yếu kém, theo tôi, không phải hoàn toàn do đề thi.

Quốc hội nước ta, sáng 15/6/2018, đã phải ghi vào Nghị quyết về giải pháp giảm chất lượng ảo của giáo dục phổ thông và đại học.

Không ai tin rằng học sinh lớp 9, lớp 12 vẫn chưa biết bản chất số âm, số dương, chưa thể tính toán đơn giản nếu không bấm máy tính; không ai tin rằng nhiều em chưa có sách giáo khoa Ngữ văn và chưa đọc lần nào tác phẩm, trừ phần bài học trên lớp cô giáo đọc!

Chuyện lạ, rất thạo công nghệ Smartphone nhưng nhiều thứ rất căn bản của người đi học lại chưa bao giờ biết và làm. 

Đó có phải là sản phẩm của giáo dục chạy theo chỉ tiêu thành tích, “trường ta không có học sinh lưu ban; trường ta đỗ 99,9%, trường ta phấn đấu giữ chuẩn quốc gia liên tục nhiều năm...”?

Đó có phải là do người dạy không cần quan tâm người học đang ở trình độ nào, thiếu kiến thức và kỹ năng gì nên cần học và bổ sung những gì?

Như chu trình khép kín, hết chương phần, hết năm học, là thi kiểm tra, đề nào học sinh làm điểm kém, chỉ cần khéo xử lý không cần dạy lại, làm bài lại đỡ khổ trò, đỡ khổ mình, chỉ cần điều chỉnh theo các chỉ số của lãnh đạo nhà trường.

Nơi nào sử dụng sổ điểm điện tử thì chất lượng không thể nào liên quan đến đề bài hay người dạy người học.

Thầy và trò dạy; thi và học lãng mạn như thế khi gặp đề bài chính thức và nghiêm túc, chưa thấy ở đâu, chẳng giống đề thầy ôn luyện (có sẵn trong tài liệu) thì biết làm thế nào!

Triết lý của giáo dục sai lầm mà nhiều thầy cô đã và vẫn đang thực hành ở khắp nơi, thi gì, học nấy, bài mẫu, kiến thức thuộc lòng khuôn cứng. 

Duy chỉ có điều an ủi vẫn truyền tai nhau rất đáng giá: “học tài thi phận” luôn đúng cho cả bên đỗ và bên trượt của tờ thông báo kết quả thi.

Dường như không mấy ai nhận ra bóng dáng của mình phía sau những con điểm đáng buồn rõ ràng trên giấy kia!

Nguyễn Văn Lự