LTS: Trước thông tin Chính phủ đồng ý miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở, thầy giáo Thanh An chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thông tin Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 khiến cho nhiều người vui mừng.
Nhưng, có những người mừng nhất khi đón nhận thông tin này là các giáo viên chủ nhiệm lớp bởi từ nay họ không còn phải “đòi nợ” học trò nữa.
Tuy nhiên, chắc cũng sẽ có nhiều người tiếc nuối khi không còn thu học phí cấp Trung học cơ sở bởi từ nay họ đã mất đi một nguồn thu mà ít người biết được.
Giáo viên và phụ huynh học sinh là những người rất vui mừng trước thông tin Chính phủ đồng ý miễn học phí bậc trung học cơ sở. Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn |
Ai mừng?
Thực tế thì học phí Trung học cơ sở trong những năm qua không phải là quá nhiều so với các khoản thu ở các nhà trường.
Bởi, hiện nay chỉ có những trường ở khu vực nội đô của một số thành phố lớn có mức thu học phí dao động khoảng từ 60-100 nghìn đồng/ tháng.
Những khu vực nông thôn, vùng khó khăn chỉ dao động ở mức 10- 30 nghìn đồng/ tháng.
Trong khi những em có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình chính sách, con của các chiến sĩ, sĩ quan của lực lượng an ninh quốc phòng, con em người dân tộc thiểu số… đều được miễn hoặc giảm từ 50-70% theo Nghị định 86/2015/NĐ/CP của Chính phủ.
Như vậy, xét về cơ bản chỉ có những học sinh có điều kiện kinh tế mới phải đóng học phí ở mức 100%.
Tuy nhiên, dù không nằm trong đối tượng được miễn giảm, gia đình có điều kiện kinh tế nhưng một số em vẫn không thực hiện tốt nghĩa vụ đóng học phí hàng năm.
Chính vì vậy, các giáo viên chủ nhiệm là người cực nhất trong việc thu, đôn đốc học trò đóng học phí hàng năm cho nhà trường.
Trong 4 khối lớp của cấp Trung học cơ sở thì chỉ có học sinh lớp 6 là dễ thu học phí nhất, giáo viên chủ nhiệm khối học này cũng đỡ vất vả hơn nhiều so với các khối khác.
Vì ngay từ khi chuyển cấp từ Tiểu học lên Trung học cơ sở thì phần nhiều cha mẹ học sinh đem các em đi nhập học.
Vậy nên, phần lớn các khoản thu của nhà trường trong năm được phụ huynh đóng ngay trong tuần tựu trường.
Riêng với 3 khối còn lại của cấp học này thì việc thu học phí không hề đơn giản chút nào bởi các em đã quen trường, quen lớp và quen nền nếp của nhà trường.
Nhiều em học sinh được cha mẹ cho tiền đóng học phí cũng không đóng mà chi vào những mục đích khác hoặc cũng có những bậc cha mẹ không chịu đóng học phí cho con.
Nhất là những học sinh ở khu vực có tỉ lệ bỏ học cao thì việc chây ỳ học phí xảy ra thường xuyên.
Nhưng vì muốn giữ sĩ số lớp mà nhà trường cũng đành phải chấp nhận trong từng thời điểm nhất định.
Chính vì nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm thu các khoản tiền trường nên bắt buộc họ phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Làm gắt thì sợ học sinh bỏ học và đánh giá là thầy cô quá quắt mà ít nhắc nhở thì học sinh không đóng tiền.
Một bên là học trò của mình, một bên là lãnh đạo, không hoàn thành nhiệm vụ thì mỗi khi đánh giá, xếp loại, xét thi đua cuối năm đều bị liệt vào danh sách không hoàn thành nhiệm vụ.
Vì thế, giáo viên chủ nhiệm thường nằm trong thế kẹt mỗi khi nhắc đến chuyện thu tiền của học sinh.
Nay, Chính phủ đồng ý miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở, giáo viên chủ nhiệm như trút được gánh nặng cho riêng mình.
Miễn học phí tới bậc Trung học cơ sở, mỗi năm ngân sách chi thêm 4.730 tỷ |
Vào lớp không còn phải nhắc nhở việc thu - nộp học phí nữa.
Bởi, mỗi khi vào lớp học mà nhắc nhở chuyện tiền bạc thì giáo viên cũng không hề thích thú chút nào.
Có những lúc gặp phải học sinh không đóng học phí lại còn nói vài câu hỗn hào cũng khiến cho giáo viên chủ nhiệm thêm muộn phiền mà không khí của lớp học cũng trở nên nặng nề hơn.
Ai tiếc nuối?
Chính việc giao thu học phí cho giáo viên chủ nhiệm nên việc quyết toán khoản thu này phải nói rằng đa số các trường gặp khó khăn. Bởi lẽ, nó qua nhiều nấc trung gian hơn.
Chính vì thế mà việc hoàn thành học phí của các nhà trường thường chậm trễ lên kho bạc nhà nước.
Thậm chí giáo viên chủ nhiệm nộp lên cho Thủ quỹ nhà trường thì Hiệu trưởng và Kế toán cũng chậm chuyển về kho bạc.
Nhiều đơn vị, Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường thường lấy khoản tiền này để làm một số việc riêng cho cá nhân. Đến cuối mỗi học kỳ họ mới nộp lên kho bạc một lần.
Thậm chí nhiều học sinh đóng học phí cả năm nhưng các vị này cũng chỉ đóng từng học kỳ lên kho bạc nhà nước.
Bởi, thực tế thì những đồng tiền học phí này có thể sinh lợi hàng ngày nhưng học phí của học sinh thì đã cố định thu ngay từ đầu năm học.
Những trường có hàng ngàn học sinh thì con số sinh lợi từ những khoản tiền này mỗi năm cũng không hề nhỏ.
Hiệu trưởng nào để xảy ra lạm thu cứ cho vào “lò”, hết tiêu cực ngay |
Một nguyên nhân nữa là phần lớn các trường hiện nay khi thu học phí không ra lai cho học trò mà chủ yếu là ghi vào quyển sổ cá nhân của giáo viên chủ nhiệm.
Khi thu được một số thì giáo viên chủ nhiệm lên nộp cho thủ quỹ nhà trường và cũng được thủ quỹ ghi vào một quyển sổ.
Chính vì vậy, học phí của nhà trường thu được bao nhiêu và nhà trường nộp bao nhiêu thì thường chỉ có 3 người biết: Hiệu trưởng - Kế toán và Thủ quỹ của nhà trường.
Sở dĩ chúng tôi biết điều này bởi vì cách đây mấy năm, khi địa phương có chủ trương trả lại học phí của năm học trước cho học sinh những trường có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ thì thầy Hiệu trưởng cũ đã được điều động sang công tác ở đơn vị khác rồi, Hiệu trưởng mới về đảm nhận việc này.
Ngày nhà trường thông báo trả tiền lại cho các học sinh của năm học trước thì mọi giáo viên mới vỡ lẽ.
Số tiền cấp trên trả về thì ít mà phụ huynh và học sinh vào nhận tiền lại quá nhiều.
Nhiều phụ huynh khi vào không thấy danh sách được nhận tiền thì họ phản đối rất dữ dội.
Tuy nhiên, hiệu trưởng cũ đi rồi nên rồi mọi chuyện cũng êm xuôi, không có kiện cáo lên trên.
Mấy năm nay, từ khi Hiệu trưởng mới về thì chủ trương miễn học phí cho học sinh toàn trường không còn nữa.
Thay vào đó chỉ có những em người dân tộc thiểu số, con hộ nghèo…được miễn nên nhà trường bắt đầu lại tiếp tục thu học phí.
Khác với Hiệu trưởng đời trước là là luôn thúc giục giáo viên thu học phí thì Hiệu trường hiện nay chơi chiêu cực kỳ cao tay.
Vị này không thúc giục và nhắc nhở nhiều về chuyện thu học phí.
Nhưng, cứ vào giữa tháng 5 là họp toàn bộ giáo viên chủ nhiệm lại và phán một câu chắc nịch: Học sinh nào không đóng học phí là hạ hạnh kiểm xuống 1 bậc.
Khi học sinh bị hạ hạnh kiểm 1 bậc cùng đồng thời sẽ bị hạ mức khen thưởng nên rất ít học sinh dám không nộp tiền.
Chỉ có điều, thời điểm này là đã cận ngày tổng kết năm học, học phí của nhà trường cũng đã quyết toán với kho bạc nhà nước rồi.
Vì thế, khoản tiền “thu sau” này đi đâu, về đâu chắc chỉ bộ ba: Hiệu trưởng- Kế toán và Thủ quỹ nhà trường mới biết rõ.
Việc Chính phủ đồng ý miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở rõ ràng phụ huynh mừng, giáo viên mừng nhưng sẽ có một số người không mừng mà lại tiếc nuối.
Đó là sự thật, là những tồn tại đã có hàng chục năm qua ở một số đơn vị của ngành giáo dục.