LTS: Trước về các khoản thu ngoài học phí vào đầu mỗi năm học, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ cùng độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mỗi năm học đến, cùng với những háo hức mong chờ của con trẻ thì phụ huynh phần lớn lại vật lộn với những khoản tiền trường đóng học của con.
Ngoài một số tiền buộc phải đóng theo quy định, không ít trường học vẫn đang tìm mọi cách móc hầu bao của phụ huynh.
Bởi thế, câu chuyện lạm thu không mới nhưng chưa bao giờ hạ nhiệt.
Cũng vì lẽ đó, hình ảnh những nhà giáo càng trở nên xấu xa, đáng ghét đến mức thảm hại.
Nhưng, trong thực tế, trường học nào không kêu gọi được sự chung tay, chia sẻ của quý bậc phụ huynh thì kinh phí của trường đó không thể nào kham nổi để có thể duy trì tốt các hoạt động giáo dục và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, học tập cần thiết phục vụ học sinh trong điều kiện ngân sách cấp cho ngành giáo dục ở các địa phương còn quá eo hẹp.
Đầu năm học với các khoản thu ngoài học phí (Ảnh minh họa: thoibaonganhang.vn). |
Ngoài một số trường học cố đẻ ra nhiều khoản thu vô lý dẫn đến tình trạng lạm thu thì vẫn còn nhiều khoản dù nằm ngoài quy định nhưng rất cần phụ huynh đồng thuận.
Những khoản ngoài quy định nhưng không thể không thu
Nói đến các khoản thu ngoài quy định có thể liệt kê tên của cả chục loại nhưng những khoản cần thiết và hợp lý nhất phải kể đến tiền ấn phẩm, tiền ghế ngồi chào cờ và các hoạt động giao lưu, tiền vệ sinh...
Tiền ấn phẩm là tiền chi phí cho việc mua một số hồ sơ cho học sinh (như học bạ, phiếu liên lạc, phấn viết, giẻ lau)…
Tiền ghế ngồi chào cờ và sinh hoạt ngoại khóa, khoản tiền này mỗi học sinh chỉ cần đóng 50 ngàn đồng nhưng để nhà trường bỏ tiền mua cho cả ngàn học sinh lại là điều không thể.
Nếu không thu, chắc chắn không có trường công lập nào có đủ ngân sách để trả.
Trường học nào cũng có nhân viên phục vụ, trường vài trăm học sinh cho tới khoảng 2 ngàn em cũng chỉ có một nhân viên quét dọn vệ sinh.
Tiền lương của nhân viên phục vụ trong các trường công chỉ khoảng hơn triệu đồng (cho người mới vào làm) và khoảng vài triệu đồng cho những nhân viên lâu năm.
Với mức thu nhập khá thấp cùng với công việc vô cùng vất vả, nặng nhọc, nếu các trường không thu thêm khoản tiền vệ sinh này để hỗ trợ thêm cho nhân viên thì sẽ chẳng thể nào giữ chân họ được.
Chưa kể, phải tốn khá nhiều tiền để mua chổi, mua nước rửa, nước lau sàn…
Mức thu của các trường phụ thuộc vào mức thu nhập tối thiểu của người dân vùng ấy.
Thế nên. nhiều trường ở một số địa phương chỉ thu thêm học sinh 30 ngàn đồng/năm thì có nhiều trường ở thành phố lại có mức thu khoảng 200 ngàn đồng/năm.
Rồi giáo viên muốn làm thêm đồ dùng học tập, trang trí lớp học cho đẹp, tiện ích, phô tô tài liệu để ôn tập cho các em vào cuối mỗi kỳ, mua quà bồi dưỡng cho học sinh tham gia các hoạt động giao lưu, văn nghệ, phần thưởng cho một số học sinh có thành tích nổi bật của lớp hoặc hỗ trợ cho một số học sinh nghèo như mua bút, viết, áo quần… khoản tiền này nếu phụ huynh không ủng hộ, nhà trường không có để chi thì giáo viên cũng không thể thực hiện. Đây chính là khoản tiền mang tên hội phí.
Phụ huynh cần hiểu rõ để hợp tác
Trừ những khoản tiền ngoài quy định phải đóng theo mức cào bằng (tiền ấn phẩm, ghế ngồi, vệ sinh) thì khoản tiền hội phí nhà trường không được phép buộc phụ huynh phải đóng theo kiểu bắt buộc.
Nhưng, từng trường vẫn có quyền tuyên truyền, kêu gọi để cha mẹ học sinh hiểu và cùng chung tay.
Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, tại nội dung sửa đổi khoản 2, Điều 101 đã quy định:
"Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục. Không được lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật".
Nhà nước khuyến khích có nghĩa là cho phép các trường, kêu gọi, vận động Mạnh Thường Quân ủng hộ theo đúng khả năng của mình.
Phụ huynh cũng cần hiểu và nắm rõ những khoản tiền nào hợp lý, thiết thực để có sự đồng thuận, sẻ chia những khó khăn với nhà trường để cùng hướng tới một mục tiêu giáo dục hoàn thiện.