Miễn học phí tới bậc Trung học cơ sở, mỗi năm ngân sách chi thêm 4.730 tỷ

16/08/2018 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học Cơ sở.

Tại Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Chính phủ đã cho biết quan điểm về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đáng chú ý, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW.

(Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
(Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021, toàn bộ học sinh cấp tiểu học không phải đóng học phí.

Còn lại trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn phải đóng học phí.

Nhà nước chỉ thực hiện chính sách miễn, giảm học phí đối với một số đối tượng thuộc diện chính sách, học sinh nghèo, học sinh dân tộc, trẻ 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Với đề xuất đề xuất không thu học phí đối với trẻ em 5 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ kinh phí cho học sinh ngoài công lập trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được đánh giá là sẽ có tác động tốt về chính sách.

Cụ thể, đề xuất này sẽ từng bước thực hiện đúng chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về phát triển giáo dục, đặc biệt là chính sách phổ cập.

Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối vối giáo dục mầm non; thực hiện Nghị quyết 29 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tạo điều kiện cho 100% trẻ 5 tuổi được học mầm non trước khi vào lớp 1.

Thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển xã hội hóa, khuyến khích các loại hình trường ngoài công lập phát triển, đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư khi thực hiện các dịch vụ công thiết yếu do nhà nước đảm bảo kinh phí.

Miễn học phí tới bậc Trung học cơ sở, mỗi năm ngân sách chi thêm 4.730 tỷ ảnh 2Người dân rất quan tâm Luật Giáo dục, lùi thời hạn thông qua đến năm 2019

Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách này, hàng năm, Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản 4.730 tỷ.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ rõ nguồn kinh phí thực hiện là từ việc cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.

Hiện nay tổng ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt mỗi năm tăng từ 6% - 8%, xét về số tuyệt đối thì hàng năm ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo tăng từ 10.000 tỷ đến 13.000 tỷ.

Ví dụ năm 2018 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục Quốc hội phê duyệt là 229.074 tỷ, năm 2017 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục là 215.167 tỷ, phần tăng thêm là 13.907 tỷ.

Như vậy, với số ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm tăng thêm khoảng 13.907 tỷ, thì hoàn toàn có thể bù đắp kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí trường công lập diện phổ cập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập là 4.730 tỷ nêu trên.

Chưa kể số dự phòng ngân sách cho giáo dục hàng năm chưa sử dụng.

Được biết, hiện tại Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện và cho ý kiến.

Đỗ Thơm