3 người trượt thi đua, lại là những người giỏi nhất!

26/08/2018 07:28
Sông Mã
(GDVN) - Ngành giáo dục của chúng ta, mỗi năm cho ra lò hàng chục nghìn cái sáng kiến kinh nghiệm nhưng chất lượng giáo dục ngày lại càng lao dốc.

LTS: Thẳng thắn cho rằng, sáng kiến chỉ để xét thi đua thì bỏ đi là hợp lý, tác giả Sông Mã đã có bài viết chỉ ra nguyên căn để lý giải vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều ngành nghề chỉ cần phát minh ra một cái sáng kiến có thể đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng cho nhà sản xuất.

Thế nhưng ngành giáo dục của chúng ta, mỗi năm cho ra lò hàng chục nghìn cái sáng kiến kinh nghiệm nhưng chất lượng giáo dục ngày lại càng lao dốc.

Mỗi năm ngành giáo dục cho ra lò hàng chục nghìn sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: gialaitv.vn).
Mỗi năm ngành giáo dục cho ra lò hàng chục nghìn sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: gialaitv.vn).

Sao có nghịch lý đến như vậy?

Đơn giản vì sáng kiến của nhiều ngành nghề khác thiết thực, được mang ra thực nghiệm ngay trong sản xuất.

Còn sáng kiến của ngành giáo dục chúng ta lại chỉ để giáo viên đi thi và xét thi đua cuối mỗi năm học.

Có ai nghi ngờ sự khẳng định này?

Xin thưa, chỉ người ngoài ngành mới thấy ngạc nhiên còn những ai trong ngành giáo dục cũng đều nắm rõ đường đi nước bước của những sáng kiến kinh nghiệm mà nhiều người thường gọi vui là “sáng kiến kinh ngạc”.

Sáng kiến để đi thi

Theo quy định, giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi (giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên Tổng phụ trách đội giỏi) cấp trường, cấp thị và cấp tỉnh đều phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Hay giáo viên, cán bộ quản lý đăng kí xét chiến sĩ thi đua cấp thị, tỉnh, cấp quốc gia cũng phải nộp sáng kiến kinh nghiệm.

3 người trượt thi đua, lại là những người giỏi nhất! ảnh 2Nếu bỏ sáng kiến kinh nghiệm ngành giáo dục lấy chuẩn gì để đánh giá thi đua?

Nộp sáng kiến kinh nghiệm là vòng thi đầu tiên ở các hội thi giáo viên giỏi.

Ở vòng thi cấp trường, hầu như các giáo viên nộp sáng kiến đều được chấm đỗ. Qua vòng huyện, thị và tỉnh tỉ lệ trượt khoảng 15-20%.

Có khá nhiều giáo viên không muốn đi thi nhưng bị ép buộc từ nhiều phía.

Có thầy cô nói rằng: “trông cho trượt từ vòng gửi xe”. Thế là, họ chỉ việc lên mạng sao chép một cái sáng kiến kinh nghiệm bằng cách thay đổi tên trường và họ tên.

Người làm siêng, muốn đỗ thì chỉnh sửa một ít, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia cho khang khác với “bản gốc” chút xíu.

Người lười cứ để y nguyên đỗ cũng được mà trượt cũng chẳng sao.

Người chấm hời hợt nhiều khi không phát hiện ra. Người chấm kĩ xem như giáo viên đó không gặp may hoặc gián tiếp giúp thầy cô không phải đi thi một cách hợp pháp.

Sáng kiến để xét thi đua cuối năm

Những giáo viên đăng kí chiến sĩ thi đua cơ sở (cấp tỉnh, cấp quốc gia) buộc phải nộp sáng kiến kinh nghiệm.

Một hiệu trưởng nói rằng: Phòng (Sở) giáo dục công nhận ai đạt chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ dựa trên việc sáng kiến kinh nghiệm được chấm đỗ hay trượt chứ họ làm sao biết được dưới cơ sở giáo viên đó làm việc như thế nào?”.

Thế nên mới có khá nhiều chuyện buồn xung quanh việc xét và công nhận chiến sĩ thi đua của các cấp.

3 người trượt thi đua, lại là những người giỏi nhất! ảnh 3Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình... cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm

Năm đó, trường tôi có 7 người trong danh sách đề nghị được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở.

Danh sách đưa lên phòng giáo dục và chuyển về trường được công nhận 4 giáo viên. Trong số 3 người trượt lại rơi vào 3 giáo viên năng nổ nhất trường trong mọi mặt.

Trong số 4 người đỗ lại có 2 người làm việc kém năng suất, kém hiệu quả hơn.

Khi biết kết quả, khá nhiều giáo viên trong trường và ngay cả ban Giám hiệu cũng rất bất ngờ.

Có người đặt câu hỏi thắc mắc: “tại sao cô A lại được mà cô B bị trượt?”. Tại sao thầy B làm việc như thế mà lại đỗ?”...

Hiệu trưởng chỉ biết giải thích rằng: “thầy B, cô A dạy và làm việc chưa tích cực nhưng sáng kiến kinh nghiệm của thầy B, cô A viết lại đỗ giải C của phòng.

Cô B dạy tốt, năng nổ nhưng sáng kiến của cô B phòng chấm không đạt nên không thể công nhân danh hiệu chiến sĩ thi đua”…

Nghe thế, một số giáo viên nói rằng: “vậy từ nay chẳng cần phải làm tốt công việc, chỉ cần đầu tư viết sáng kiến thật tốt là đạt chiến sĩ thi đua luôn hay sao? Làm thế này, ai còn muốn làm việc, còn muốn phấn đấu nữa?

Sáng kiến kinh nghiệm đỗ và trượt cũng chẳng thể có thước đo nào làm chuẩn. Sáng kiến đỗ không hẳn là sáng kiến hay, áp dụng hiệu quả trong giảng dạy. Mà sáng kiến đỗ có khi hợp nhãn hoặc trùng quan điểm (nhưng chưa hẳn đúng) với người chấm.

3 người trượt thi đua, lại là những người giỏi nhất! ảnh 4Tại sao sáng kiến kinh nghiệm lại được ưu ái hơn các phong trào thi đua khác?

Sáng kiến đỗ có khi do cảm tình, đỗ do có mối quan hệ tốt với người chấm…

Vì ai có thể kiểm chứng chất lượng thật sự khi chưa bao giờ mang sáng kiến ra thử nghiệm hay áp dụng tại các lớp học?

Ai có thể đảm bảo rằng sáng kiến nào hơn sáng kiến nào?

Dù là đỗ hay trượt thì các sáng kiến kinh nghiệm đều cùng chung một số phận nằm trong tủ và chờ thanh lý.

Nếu bỏ sáng kiến kinh nghiệm biết lấy gì để xét thi đua?

Còn quy định viết sáng kiến nên xét thi đua người ta dựa vào đấy để công nhận giáo viên hay cán bộ quản lý có đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua hay không.

Nay nếu bỏ quy định giáo viên viết sáng kiến không biết ngành giáo dục sẽ dựa vào đâu để xét người này đỗ và người kia trượt?

Chẳng nói thì ai cũng biết cái gọi là sáng kiến của ngành giáo dục chẳng có giá trị gì trong thực tiễn giảng dạy.

Cũng vì hiểu điều này nên gần như chưa bao giờ người ta mang những sáng kiến đã đạt giải ra ngoài thực tế áp dụng.

Sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục chỉ dùng để đi thi và xét thi đua cho giáo viên, cho cán bộ quản lý mà tuyệt nhiên không làm lợi gì cho việc dạy và học của thầy cô và học sinh.

Đã thế, hàng năm lại còn tiêu tốn một lượng kinh phí không nhỏ vào việc tổ chức xét duyệt và chấm giải.

Chính vì những lý do như thế ngành giáo dục cũng nên xóa bỏ phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm tràn lan như hiện nay.

Sông Mã