Ngày 18/1, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Trường Trung học Phổ thông Lê Xoay (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0”.
Bên lề hội thảo này, phóng viên đã trao đổi với cô giáo dạy hóa Nguyễn Thu Giang (giáo viên có thành tích dạy giỏi và chiến sĩ thi đua cấp tỉnh) xoay quanh chủ đề dạy học tích hợp và những đổi mới của chương trình phổ thông mới.
Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thu Giang kể rằng, cô đã thử nghiệm dạy một số chủ để tích hợp. Tuy nhiên, việc dạy không phải trong tiết dạy học bình thường thuộc chương trình chính khóa mà ngoại khóa.
Cô giáo Nguyễn Thu Giang bên phải (ảnh Trinh Phúc). |
Bởi vì, thời lượng 1 tiết như hiện nay không đủ để dạy một chủ đề tích hợp. Cụ thể, cô Giang đã dạy chủ đề Protein trong chương trình Hóa học lớp 12 và một số chủ đề khác.
Kể về quá trình chuẩn bị một chủ đề tích hợp của môn hóa, theo cô Giang: “Để xây dựng một chủ đề dạy tích hợp môn hóa đòi hỏi mất nhiều thời gian.
Trước tiết mình phải có ý tưởng, sau đó khâu chuẩn bị của bản thân, khâu phân công cho học sinh chuẩn bị ở nhà.
Quá trình đó, tôi phải tham khảo ý kiến của các thầy cô bộ môn khác. Ví dụ, mình dạy liên quan đến kiến thức môn sinh học thì mình phải có thời gian trao đổi với đồng nghiệp dạy môn sinh học.
Phải cầu thị học hỏi thì nắm bắt vấn đề mới sâu hơn. Vì, nếu không có kiến thức về sinh học thì không thể giúp học sinh hiểu sâu về bài học protein được”.
Cô giáo dạy giỏi kể về những thách thức gặp phải khi dạy tích hợp liên môn |
Thẳng thắn đánh giá về việc dạy học tích hợp liên môn, cô Nguyễn Thu Giang cho rằng: “Dạy học tích hợp hiện nay thực sự gây khó khăn với giáo viên.
Bản thân giáo viên được đào tạo về chuyên sâu đơn môn.
Tôi chỉ được đào tạo về hóa học chứ không phải đào tạo về hóa sinh hoặc là giảng dạy khoa học tự nhiên nói chung.
Vì thế, khi dạy tích hợp đó là một thử thách.
Giáo viên chưa được trau dồi kiến thức tất cả các bộ môn liên quan. Chương trình sách giáo khoa cũng chưa có nội dung về dạy học tích hợp.
Trong khi, chủ đề hầu hết do giáo viên tự nghĩ, tự chọn chủ đề, tự chọn nội dung và phương pháp.
Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất cũng như phương tiện và số lượng học sinh một lớp chưa được thuận lợi để thực hiện dạy tích hợp”.
Từ thực tiễn giảng dạy, muốn đưa dạy học tích hợp đi vào thực chất và phát huy được ưu điểm, cô Giang cho rằng:
“Để phát huy được mặt tích cực của dạy học tích hợp, trước tiên bản thân các trường đại học phải có chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp, chứ không đào tạo đơn môn.
Phải có chương trình chính thống và chương trình này phải có nghiên cứu chính thống mang tính khả thi để áp dụng được vào điều kiện Việt Nam.
Giáo viên như chúng tôi không thể nào quay trở lại 4 năm đại học để đào tạo liên môn.
Chúng tôi cần có chương trình tập huấn để làm quen một số chủ đề tích hợp thì mới dạy được. Cái này tôi nghĩ cần mất nhiều thời gian và công sức”.
So sánh giữa dạy học tích hợp và dạy học đơn môn, cô Giang thừa nhận, việc dạy học tích hợp gây hứng thú hơn cho học sinh và các em có hiểu biết toàn diện hơn về một vấn đề.
Qua thực tế giảng dạy, cô giáo này cho rằng để dạy hạy, ngoài việc tìm hiểu kiến thức các môn học khác, giáo viên biết khai thác và phát huy hiểu biết của học sinh.
Hiện học sinh học nhiều môn, hiểu biết của các em tương đối toàn diện nên cần chủ động để phát huy tính tích cực của các em.
Cũng liên quan đến giáo dục, một vấn đề giáo dục đang được dư luận chú ý đó là chương trình phổ thông mới.
Đánh giá về chương trình phổ thông mới, cô Giang cho rằng: “Chương trình mới hợp lý hơn chương trình cũ.
Đối với chương trình trung học phổ thông việc chia làm hai giai đoạn có phần đại cương và phần phân môn chuyên sâu.
Sau khi các em học phần đại cương lớp 10, các em có lựa chọn nên học sâu về khoa học tự nhiên hay học về khoa học xã hội.
Trong khi chương trình hiện nay, bắt buộc các em học ôm đồm tất cả các môn. Việc học như hiện nay và thi 6 môn thực sự rất vất vả cho học sinh”.
Cô Giang phân tích thêm: “Chương trình giáo dục phổ thông nếu như phân ban ngay từ lúc vào lớp 10 thì quá sớm.
Phải có thời gian một năm để các em học và định hình năng khiếu của mình. Các em có thời gian khám phá thế mạnh của mình và lựa chọn”.
Cuối cùng, cô giáo Giang khẳng đinh: “Bản thân thấy cái gì mới cũng khó khăn.
Nhưng nếu như chúng ta ngại khó thì chẳng bao giờ đổi mới và tiến bộ được. Đất nước ta cũng không bao giờ bắt kịp với thời đại.
Nên khó đến mấy cũng phải làm được”.