Ở nước ta các đại học vùng đa lĩnh vực ra đời từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, dựa trên quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 4 Ban chấp hành Trung ương Khóa 7 (1993) về việc xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm.
Tuy nhiên đã 24 năm qua đi nhưng các đại học của chúng ta được hình thành từ các năm 1993, 1994 vẫn chưa thực sự “mạnh” như kỳ vọng.
Có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc giải thể đại học vùng với lý do mô hình này không phù hợp, làm kìm hãm sự phát triển của các trường thành viên.
Cụ thể, Giáo sư Từ Quang Hiển - nguyên Giám đốc Trường Đại học Thái Nguyên cho rằng, vô tình chúng ta đang tạo ra cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục đại học hiện hành. Đại học vùng như cấp tổng cục hiện nay. Do đó, nếu giải thể được là tốt nhất.
Trong khi đó, theo dõi việc xây dựng và phát triển các đại học quốc gia và đại học vùng, Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng các mô hình này có nhiều nhược điểm.
Tuy nhiên, dưới góc độ cấu trúc quản trị của các đại học, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến –Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) thông tin rằng:
“Đại học vùng là một cơ sở giáo dục đại học được thành lập ra tại một vùng cụ thể, thường là ở những vùng chậm phát triển về kinh tế - xã hội để ưu tiên đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng đó, đuổi kịp các vùng khác nhằm đào bảo sự công bẳng xã hội”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến –Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, nếu không có Đại học Thái Nguyên thì làm sao các trường thành viên có Trung tâm học liệu với tổng kinh phí đầu tư hơn 7.250 nghìn USD do Tổ chức AP tài trợ thông qua Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ để sử dụng. (Ảnh: Website của Đại học Thái Nguyên) |
Cũng theo ông Khuyến, thực tế, từ lâu Đảng và Nhà nước đã ra quyết định thành lập nhiều cơ sở giáo dục đại học mang tính chất vùng như vậy.
Ví dụ, tại vùng núi phía Bắc có các trường Đại học Nông nghiệp 3, Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Công nghiệp Thái Nguyên.
Tuy nhiên, đây là các trường đại học chuyên ngành, đơn lĩnh vực đến khi thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học (năm 1992) thì yêu cầu đặt ra là phải có các trường đại học vùng có quy mô lớn, đa lĩnh vực để giải quyết những nhiệm vụ lớn hơn nhằm phục vụ cho vùng đó.
Còn nếu vẫn giữ phát triển đại học vùng đơn lĩnh vực thì hiệu quả hoạt động kém và không đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng đó ở mức độ cao.
Do đó, khi quy hoạch đòi hỏi phải thành lập các đại học vùng đa lĩnh vực.
Lúc đó, vấn đề đặt ra thành lập đại học vùng đa lĩnh vực có 2 hướng.
Một là, cho các đại học vùng đơn lĩnh vực phát triển thêm các ngành nghề khác để dần trở thành đại học vùng đa lĩnh vực. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì tốn ít nhất 30-40 năm mới có thể thực hiện được.
Hai là, gom các đại học vùng đơn lĩnh vực, tổ chức, sắp xếp lại thành các đại học vùng đa lĩnh vực, như vậy sẽ phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn.
Trên tinh thần như vậy, lúc đó Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính Phủ) chọn cách thành lập đại học vùng đa lĩnh vực theo hướng thứ 2 với yêu cầu tất cả các đại học vùng đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: đại học (University), trường thành viên (College) và khoa (Deparment).
Để làm được việc đó, cần phải tổ chức lại tất cả các trường đại học chuyên ngành (vốn có cấu trúc kiểu Liên Xô cũ) tham gia vào sự hình thành của đại học đa lĩnh vực.
Khi thành lập các đại học vùng đa lĩnh vực xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như:
Bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành (Inter-disciplinary)...
Tuy nhiên cho tới nay kết quả có được lại không phải như vậy do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp.
“Kết quả là các đại học vùng đa lĩnh vực đều có cấu trúc 4 cấp: đại học - trường – khoa – bộ môn”, ông Khuyến thừa nhận.
Ông Khuyến cho biết thêm, để giữ được vị thế của mình vốn đã từng là một trường đại học độc lập, các trường thành viên khi chuyển ngữ cấu trúc 4 cấp đã gây ra sự hiểu lầm trong các đồng nghiệp nước ngoài cho rằng các đại học vùng đa lĩnh vực ở Việt Nam là các tập đoàn đại học.
Hội đồng trường ở Đại học công lập: Nhu cầu tự thân hay dân chủ hình thức? |
Thực ra các đại học vùng đa lĩnh vực của ta ngay từ lúc thành lập đã có xu hướng tồn tại dưới dạng một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Hơn nữa, về mặt thể chế các quy chế tổ chức và hoạt động của các đại học đa lĩnh vực, đặc biệt ở quy chế cho các đại học vùng ban hành tại Thông tư số 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và ở Điều lệ trường đại học, đã gần như khẳng định tư cách hoạt động độc lập của các trường thành viên – điều tối kỵ đối với một đại học vùng đa lĩnh vực ở mô hình phương Tây .
Với những quy định như vậy, cấp “đại học” trong các đại học đa lĩnh vực có thể được ví như cấp “bộ chủ quản” hay “tổng cục” trong thể chế hiện nay.
Vì tồn tại đồng thời 2 “bộ chủ quản” nên đây là một sai lầm mà chúng ta cần cấu trúc lại đại học vùng đa lĩnh vực sao cho hợp lý hơn để phát huy sức mạnh của cơ sở giáo dục đó.
Qua đó, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đề xuất cần nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học vùng đa lĩnh vực.
Hơn nữa, hiện nay thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, nhiều địa phương hợp nhất cơ quan đảng, chính quyền do đó nếu đề xuất giải thể các đại học vùng đa lĩnh vực để quay về đại học đơn ngành thì chẳng khác nào chúng ta lại đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ông Khuyến cũng cho hay, nhìn top đầu bảng xếp hạng các trường đại học thế giới chúng ta sẽ thấy đó là các đại học đa lĩnh vực.
Do đó, nếu giải thể đại học vùng đa lĩnh vực, phải chăng chúng ta không muốn hội nhập quốc tế.
Vị này nêu thêm ví dụ, nếu không có Đại học Thái Nguyên thì làm sao các trường thành viên có Trung tâm học liệu với tổng kinh phí đầu tư hơn 7.250 nghìn USD do Tổ chức AP tài trợ thông qua Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ để sử dụng chung như hiện nay.
Nếu chỉ là các trường nhỏ lẻ thì làm sao tổ chức này đầu tư cho mỗi trường một trung tâm học liệu như vậy.