Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2017-2018, cả nước thiếu 34.641 giáo viên mầm non và 5.315 giáo viên tiểu học; thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở và 4.260 giáo viên trung học phổ thông.
Có thể nói cùng với sự gia tăng tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi đến trường và sự phát triển nhanh các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đô thị lớn ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn đã dẫn tới việc thiếu giáo viên bậc mầm non.
Thêm vào đó khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhiều địa phương phản ánh từ năm 2015 đến nay, họ không được giao chỉ tiêu biên chế, dẫn đến thiếu giáo viên các cấp học.
Bước vào năm học mới 2018-2019, nhiều địa phương phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng nghìn giáo viên. Vấn đề “thừa - thiếu giáo viên” cục bộ đang trở thành bài toán nan giải mà ngành giáo dục chưa tìm ra lời giải...
Thầy Tùng Lâm cho rằng, Không thể “xua” giáo viên ồ ạt như gà đang dạy trung học cơ sở xuống dạy tiểu (Ảnh minh họa là hình ảnh 131 giáo viên công tác tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Diễn Châu, Nghệ An rất bức xúc trước việc bị điều chuyển xuống dạy cấp 1: Nguồn VTV) |
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ:
“Hồi tôi còn công tác, ngành giáo dục được tự quản lý đội ngũ giáo viên của mình, đề bạt Hiệu trưởng và các giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo do chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục bổ nhiệm chứ không như hiện nay giáo viên do ngành Nội vụ quản lý.
Do đó, chuyện thừa thiếu giáo viên các bậc học hiện nay khiến tôi không biết tình trạng thừa thiếu ở từng tỉnh ra sao bởi lẽ, hiện nay sĩ số lớp học ở các tỉnh miền núi cụ thể như thế nào chứ tại Hà Nội mà sĩ số lên tới 69, 70 em/ lớp thì thầy cô dạy thế nào trong khi quy định yêu cầu một lớp học chỉ 35-40 học sinh.
Thậm chí tại một trường mà thiếu giáo viên môn Văn nhưng lại thừa giáo viên môn Toán.
Ấy thế mà theo dõi trên các phương tiện truyền thông lâu này tôi chưa thấy những người có trách nhiệm chính trong giải quyết bài toán giáo viên bao gồm lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo – nơi có tình trạng thừa thiếu giáo viên vẫn chưa hề lên tiếng về vấn đề này.
Nhưng nếu chỉ vì thừa thiếu giáo viên mà chuyển giáo viên ồ ạt từ bậc học trung học cơ sở xuống tiểu học, mầm non trong khi chuyên môn sư phạm ở từng bậc học là khác nhau thì thực sự tôi thấy việc điều chuyển đó chướng tai lắm”.
Quy hoạch nhân sự giáo dục còn yếu thì nước mắt giáo viên vẫn chảy dài! |
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc chuyển đổi giáo viên trong tình hình thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay là một việc phải làm tuy nhiên không thể làm tùy tiện mà cần có 2 điều kiện kèm theo.
Thầy Lâm chỉ rõ, thứ nhất, vì đây là giải quyết bài toán tình thế do đó giáo viên nào tình nguyện thì mới được thuyên chuyển, không được ép buộc.
Thứ hai, muốn điều chuyển giáo viên từ bậc học này sang bậc học khác bắt buộc phải có thời gian đào tạo lại để giáo viên đó làm được việc và tự tin với công việc mới.
Chứ không thể “xua” giáo viên ồ ạt như gà đang dạy trung học cơ sở xuống dạy tiểu học, mầm non bởi lẽ có thể kiến thức giáo viên không thiếu nhưng nguyên tắc sư phạm ở mỗi cấp học là khác nhau.
Trước đó, ngày 30/7, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của cô H. (xin được giấu tên), ở huyện Diễn Châu, Nghệ An về việc cô và hơn 150 đồng nghiệp đang dạy môn Văn và Toán bậc trung học cơ sở đột ngột bị điều chuyển xuống dạy tiểu học.
Theo cô H., những giáo viên Văn có một năm không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giáo viên Toán có 2 năm không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ thuộc diện bị điều chuyển.