20 năm dạy ngữ văn, xuống tiểu học dạy thể dục
Tiếp tục câu chuyện điều chuyển giáo viên bậc Trung học cơ sở xuống dạy bậc tiểu học ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, ngày 23/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên bày tỏ nỗi thất vọng vô bờ vì nhiều năm nay phấn đấu, cống hiến để đến nay lâm vào cảnh dở khóc dở cười, tiến thoái lưỡng nan.
Theo các thầy cô, hiện có hơn 100 giáo viên bậc trung học cơ sở ở Diễn Châu được điều chuyển xuống và bố trí dạy ở bậc tiểu học. Việc điều chuyển vẫn đang được tiếp tục thực hiện.
Nhiều giáo viên bị điều chuyển đang lâm vào tình trạng bấn loạn, bức xúc (ảnh Báo Nghệ an). |
Kể về nỗi niềm éo le của mình, thầy Y. (đề nghị không nêu tên) - giáo viên dạy văn bậc trung học cơ sở, người có gần 20 năm gắn bó với nghề nay bị điều chuyển bày tỏ nỗi buồn, bức xúc:
“Khi giáo dục còn khó khăn, chúng tôi theo nghề, thậm chí phải dạy vượt quá nhiều giờ, mệt mỏi, khổ sở vì thiếu giáo viên thì không ai ghi nhận. Nay thừa giáo viên thì đối xử với chúng tôi như vậy”.
Kể về thời điểm hiện tại, thầy Y. cho rằng, hiện thầy đang dạy môn thể dục, đạo đức ở một trường tiểu học.
Cùng chung tâm trạng với thầy Y. là cô H., cũng giáo viên Văn bị điều xuống dạy bậc tiểu học.
Theo cô H. cho rằng hiện tồn tại quá nhiều bất cập. Như bản thân cô H. được bố trí dạy đạo đức, thủ công và môn thể dục.
Hàng trăm thầy cô ở Nghệ An khóc ngất vì bị chuyển xuống dạy tiểu học! |
Cô H. tâm sự rằng: “Chúng tôi chuyên môn dạy Văn, nhưng không được dạy văn.
Ở bậc tiểu học, văn, tiếng Việt thì chủ nhiệm họ đứng lớp, còn giáo viên cấp 2 như tôi cũng lơ tơ mơ nếu có cho dạy thì cũng không dạy được.
Ngay bản thân phụ huynh có con học họ cũng không gửi cho giáo viên như tôi vì bản thân phải thừa nhận không hình dung được chữ nghĩa như thế nào.
Chọn nghề là phụ thuộc vào năng khiếu bẩm sinh chứ không phải tự nhiên mà mình chọn, nó là cái duyên trời định, cái năng khiếu của mình.
Giờ về trường tiểu học, ai sai gì làm nấy. Mọi việc thấy cái gì cũng khó vì đều mới toanh với mình”.
Qua trao đổi với thầy Y. và cô H. có thể thấy, các giáo viên này đang hoang mang và thất vọng.
Những gì gắn bó với mình suốt gần 20 năm, đã ngấm vào máu, thành kỹ năng, kỹ xảo nghề thì nay bỗng nhiên biến mất. Trước mắt là bộn bề những khó khăn, thử thách.
Bày tỏ thêm về quan điểm điều chuyển với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Y. cho rằng, đây là quyết định bất hợp lý.
Lý giải về nhận định của mình, thầy Y. cho biết, những giáo viên như thầy Y. được đào tạo đúng chuyên môn chuyên sâu về nghiệp vụ, phương pháp, kiến thức để dạy bậc trung học cơ sở.
Khi đi học lên đại học thì cũng học về phương pháp, nội dung để dạy trung học cơ sở. Không hề được học bất cứ nội dung nào về để dạy tiểu học.
Do đó, đến khi chuyển trường thì ai cũng bất ngờ, bức xúc. Bản thân thầy Y. rất lo lắng mình không hoàn thành được công việc được giao.
Ngoài ra, theo thầy Y. việc điều chuyển của Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu đang ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, uy tín, danh dự của người giáo viên.
Cách điều chuyển hiện này khiến mọi người cứ hiểu thầy cô không đủ năng lực, không đạt chuẩn, không thể đảm bảo được việc dạy nên mới bị điều chuyển.
Vì thế, phụ huynh, học sinh không hoàn toàn tin tưởng điều này kéo theo nhiều hệ lụy đằng sau.
“Chất lượng giáo dục liên quan đến nhiều vấn đề. Nên việc điều chuyển cả mấy trăm con người xuống thì ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục là rất nguy hiểm” – thầy Y. lo lắng.
Nếu phòng huyện không giải quyết chúng tôi làm đơn khiếu nại lên cấp trên
Thầy Y. còn cho biết, những giáo viên bị điều chuyển đa phần là giáo viên lâu năm, công tác trên 15 năm, 20 năm thậm chí gần 30 năm. Hầu như những giáo viên này được tỉnh Nghệ An đứng ra đào tạo.
Đưa giáo viên trung học xuống dạy tiểu học, không phải chuyện đùa |
Nói thêm về qua trình theo nghề giáo, gắn bó với ngành giáo dục, thầy Y. bày tỏ:
“Lục lại lịch sử, trước đây trường cao đẳng sư phạm Nghệ An chỉ đào tạo sinh viên ra dạy ở Nghệ An được phân bổ theo từng huyện.
Những huyện như Diễn Châu, thành phố Vinh… thì điểm tuyển vào rất là cao. Điểm tuyển vào cao đẳng sư phạm Nghệ An còn cao hơn rất nhiều trường đại học lúc bấy giờ.
Lúc bấy giờ giáo dục rất khó khăn. Khi ra trường được giao nhiệm vụ phân biên chế về các huyện.
Rõ ràng, chúng tôi được tuyển dụng đúng hoàn toàn với quy trình, đúng nhu cầu của giáo dục thời bấy giờ.
Giáo viên như chúng tôi còn phải dạy tăng tiết, tăng giờ lên để đảm bảo vượt khó cho giáo dục.
Nguyên nhân thừa biên chế chắc chắn không do chính giáo viên như tôi, không có nguyên nhân nào liên quan đến thừa biên chế là do chúng tôi cả”.
Thầy Y. nhấn mạnh rằng: “Quy mô trường lớp nói chung có giảm, nhưng mức độ giảm như thế nào quản lý giáo dục sẽ biết được.
Điều này không chỉ biết trước đó một, hai năm mà biết trước mười mấy năm.
Vì năm nào cũng làm phổ cập nên biết đánh giá thừa thiếu giáo viên. Để thừa giáo viên có phần do khâu tuyển, trách nhiệm này của cơ quan quản lý.
Trong khi, bây giờ thừa giáo viên thì đẩy những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có cả quá trình lâu dài công hiến cho ngành giáo dục xuống dạy tiểu học đó là bất cập.
Khi luân chuyển giáo viên thì phòng giáo dục không tiến hành vận động tuyên truyền, lấy tinh thần xung phong.
Có người họ vẫn muốn đi vì về điều kiện gần nhà, rồi vấn đề sức khỏe thì họ tình nguyện đi”.
Điểm bất an hiện nay là việc nhiều giáo viên lo lắng không hoàn thành nhiệm vụ trong khi họ chấp nhận chia sẻ với ngành.
Trong khi bản chất của việc điều chuyển như thế này là sai Luật Giáo dục, Luật Viên chức.
Tập thể hơn 100 con người chấp nhận chia sẻ khó khăn với ngành nhưng việc ra quyết định điều chuyển không có thời hạn là điều bất hợp lý.
Nếu chỉ coi thầy như một người thợ, đưa xuống tiểu học thì nguy hiểm cả xã hội |
Thầy Y. lo lắng: “Căn cứ vào Luật viên chức hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì bị chấm dứt hợp đồng, tức là không còn viên chức của ngành giáo dục nữa.
Việc cống hiến 20 – 30 năm, chỉ vì quyết định điều xuống bậc tiểu học, với tâm thế này, không được đào tạo thì việc không hoàn thành nhiệm vụ rất có thể xảy ra.
Liệu rằng, trong áp lực biên chế giảm thì những người như chúng tôi rất có thể sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trong một vài năm nữa”.
Cuối cùng thầy Y. cho rằng: “Tất cả điều đó gây ra nhiều bức xúc cho giáo viên. Thậm chí cho những người lãnh đạo có tâm huyết, những nhà lãnh đạo người ta cũng nhìn ra vấn đề này.
Nhiều giáo viên cho rằng, nếu phòng Giáo dục, lãnh đạo huyện Diễn Châu không giải quyết kiến nghị thì buộc phải đi mức cao hơn thống nhất làm đơn kiến nghị khiếu nại lên cơ quan cấp trên”.