LTS: Tiếp tục bàn về vấn đề viết sáng kiến kinh nghiệm vào đầu mỗi năm học của các thầy cô giáo, tác giả Thanh An đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chuyện Sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục chưa bao giờ hết nóng và nóng nhất vẫn là những ngày cuối cùng của năm học khi xét thi đua cuối năm.
Các cá nhân, dù có thành tích cao như thế nào đi chăng nữa nhưng nếu không có Sáng kiến kinh nghiệm cũng rất khó được xét danh hiệu thi đua cao, nếu được thì cũng phải xếp sau người có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.
Đối với tập thể mà không có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện trở lên thì cả năm phấn đấu của hàng mấy chục con người sẽ thành công cốc bởi đối với tập thể thì không được xét quy đổi mà bắt buộc phải có Sáng kiến kinh nghiệm.
Các nhà trường, thầy cô giáo lại chạy đua với việc viết sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa: ĐAN). |
Cứ ngỡ, sau khi có Nghị định 88 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 trước đây thì mọi hướng dẫn xét thi đua của ngành cũng sẽ thay đổi nhưng đến nay vẫn không thấy gì mới.
Vì thế, muốn được xét danh hiệu thi đua thì các cá nhân vẫn phải tiếp tục viết Sáng kiến kinh nghiệm. Trong khi, ngành giáo dục có nhiều phong trào thi đua khác còn có ý nghĩa hơn nhiều.
Nhưng, phía dưới Nghị định Chính phủ còn có nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ, của Sở, của Phòng rồi Uỷ ban tỉnh, huyện nữa nên mọi chuyện vẫn không hề hết phức tạp.
Cuối cùng, làm gì đi chăng nữa thì mọi đầu mối xét thi đua vẫn quay về tiêu chí Sáng kiến kinh nghiệm làm điểm tựa.
Khi đánh giá viên chức cuối năm hiện nay căn cứ vào Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi, những giáo viên được xét danh hiệu thi đua thì bắt buộc phải được xếp ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Vì thế, việc xếp loại viên chức cuối năm chỉ là một tiêu chí để các đơn vị xét và đề nghị danh hiệu thi đua cho cá nhân và tập thể ở đơn vị mình.
Hiện nay, ở ngành giáo dục, ngoài việc giảng dạy thì giáo viên còn tham gia rất nhiều phong trào khác như thi giáo viên giỏi các cấp, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Bồi dưỡng các cuộc thi như: thi học sinh giỏi cuối cấp, bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh làm nghiên cứu khoa học, thi hùng biện tiếng Anh, thi văn hay chữ tốt, bồi dưỡng tuyển sinh… và đã có nhiều giáo viên tham gia nhiều phong trào và đạt giải cao.
Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình... cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm |
Vậy nhưng, khi xét thi đua cuối năm tất cả đều thua giáo viên đạt giải Sáng kiến kinh nghiệm. Bởi, các thành tích khác chỉ được quy đổi thành sáng kiến kinh nghiệm đối với những giáo viên được xét danh hiệu từ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Khi giáo viên có 2 năm liền kề được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì được xét đề nghị nhận Bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh nhưng giáo viên chỉ được xét và khen tặng Bằng khen khi có 2 Sáng kiến kinh nghiệm được cấp huyện công nhận trong 2 năm liên tục.
Đối với tập thể thì còn khắc nghiệt hơn rất nhiều, nếu như cá nhân còn được quy đổi các thành tích khác thành Sáng kiến kinh nghiệm để xét thi đua nhưng tập thể từ tổ chuyên môn đến đơn vị trường học mà không có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải từ cấp huyện trở lên thì không được xét danh hiệu thi đua.
Theo hướng dẫn hiện nay, thì khi xét tập thể thi đua cho tổ chuyên môn có các yêu cầu là chất lượng giảng dạy phải bằng với mặt bằng chung của trường, tỉ lệ học sinh bỏ học cũng không được cao hơn mặt bằng chung, trong tổ phải có 2/3 cá nhân được xét danh hiệu thi đua.
Dù cho tất cả các yêu cầu này đạt được, thậm chí cao hơn nhưng nếu tổ chuyên môn đó không có giáo viên nào đạt Sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện trở lên là đương nhiên không được xét thi đua.
Tổ chuyên đã vậy, đối với đơn vị trường học cũng phải thực hiện như thế. Dù các mặt thi đua của nhà trường đều đạt, thậm chí vượt mặt bằng chung của huyện, tỉnh nhưng trong đơn vị không có giáo viên đạt Sáng kiến kinh nghiệm là xem như trường không được xét thi đua. Chính vì vậy nên rất nhiều đơn vị phải ngậm ngùi khi không được xét thi đua cuối năm.
Cũng bởi việc xét thi đua quá coi trọng Sáng kiến kinh nghiệm nên các trường, các tổ chuyên môn và cá nhân muốn có danh hiệu thi đua thì đều hướng tới việc viết Sáng kiến kinh nghiệm.
Có thầy cô nào biết, sáng kiến kinh nghiệm đạt giải đã đi về đâu không? |
Ngay trong ngày Đại hội công viên chức đầu năm học thì nhà trường cũng nhấn mạnh việc thực hiện Sáng kiến kinh nghiệm và yêu cầu các tổ chuyên môn, cá nhân đăng ký.
Trong vòng xoáy của thi đua, Sáng kiến kinh nghiệm vẫn tiếp tục được nhiều nhà trường, thầy cô đăng ký thực hiện.
Nhưng, đạt giải hay không thì phải còn nhiều yếu tố khác nữa, bởi cấp công nhận Sáng kiến kinh nghiệm có giá trị để xét thi đua phải là cấp huyện trở lên.
Việc viết, chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay đang nảy sinh rất nhiều vấn đề. Có người viết bằng kinh nghiệm thực tiễn, có người viết bằng đam mê để chia sẻ kinh nghiệm nhưng cũng có nhiều người viết để mưu cầu danh hiệu hiệu thi đua.
Vì thế, chuyện xin xỏ, trao đổi qua lại giữa giáo viên địa phương này với địa phương khác thường xảy ra.
Thậm chí rất nhiều người lên mạng Internet tải vài cái Sáng kiến kinh nghiệm cùng chủ đề về xào xáo, đảo lộn thành ra cái của riêng mình.
Và, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng có chuyện nhờ vả, nhìn tên người viết để công nhận giải…
Mỗi năm học đến rồi đi, những Sáng kiến kinh nghiệm viết - công nhận giải rồi bán phế liệu cứ lặp đi, lặp lại bao nhiêu năm nay.
Không có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là không có thành tích thi đua, có Sáng kiến kinh nghiệm rồi thì nhiều thành tích thi đua được xét.
Nhưng, liệu những sản phẩm Sáng kiến kinh nghiệm giữa ma trận thật giả như hiện nay liệu có ích gì. Vậy nhưng, nó đang đứng trên tất cả mọi phong trào thi đua của ngành giáo dục.