LTS: Đưa ra câu hỏi "Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải đã đi về đâu?", thầy giáo Mai Công Tình đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Đầu mỗi năm học có một nhiệm vụ mà giáo viên nào cũng phải thực hiện đó là đăng kí viết sáng kiến kinh nghiệm.
Đến cuối năm sau khi Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chấm đã có rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện rồi cấp tỉnh được công nhận.
Sáng kiến kinh nghiệm sau khi đạt giải sẽ đi về đâu (Ảnh minh họa: pgdnamtruc.edu.vn). |
Vậy sau đó những sáng kiến kinh nghiệm này đã đi về đâu?
Áp dụng được vào thực tiễn bao nhiêu?
Sáng kiến kinh nghiệm có thật sự cần thiết hay không?
Không phải chỉ có mình ngành giáo dục là cần có các sáng kiến (phát minh). Ở ngành nào cũng vậy, khi có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng vào thực tiễn sẽ tăng được hiệu quả, năng suất, chất lượng công việc.
Đối với ngành giáo dục, mỗi sáng kiến sẽ giúp cho chất lượng giáo dục được nâng cao, cải tiến được các phương pháp để mang lại hiệu quả cho mỗi giờ dạy.
Đã có một số ý kiến cho rằng, sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục là không cần thiết và mang tính hình thức, không hiệu quả, mất thời gian của giáo viên.
Xét đến tận cùng bản chất, sáng kiến kinh nghiệm có xấu không? |
Nhưng đó chỉ là ý kiến phiến diện vì khi có nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay được áp dụng thì hiệu quả công việc sẽ ngày càng tốt hơn.
Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng sáng kiến kinh nghiệm là cần thiết.
Thực tế sáng kiến kinh nghiệm được giáo viên viết như thế nào?
Khi có “cầu” chắc chắn sẽ có “cung”.
Do nhu cầu có nhiều giáo viên cần sáng kiến kinh nghiệm để nộp cho nhà trường nên chúng ta thấy dễ dàng tìm mua nó ở các cửa hàng photocopy hay lên mạng tìm kiếm rồi tải về chỉnh sửa lại đôi chút để nộp lấy kết quả.
Rất ít giáo viên ngồi cặm cụi để viết một sáng kiến kinh nghiệm theo đúng như suy nghĩ của mình.
Bởi, nhiều giáo viên vừa không có khả năng “hành văn” lại vừa “ngại” suy nghĩ thế là họ chấp nhận bỏ ra mấy trăm nghìn là đã có một sáng kiến kinh nghiệm để nộp mà lại có chất lượng để đạt giải.
Sáng kiến, thực ra là copy trên mạng, mà nói thẳng ra là ăn cắp của nhau |
Mặc dù, sáng kiến kinh nghiệm ấy là “ăn cấp” bản quyền và không gắn với thực tế của chính mình.
Sau khi đạt giải thì các sáng kiến kinh nghiệm ấy đã đi về đâu?
Hàng năm, trường nào cũng có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện rồi cấp tỉnh nhưng sau khi được công nhận chúng ta vẫn chưa thấy hiệu quả của các sáng kiến kinh nghiệm đó vào thực tế giảng dạy, quản lý ở mỗi đơn vị.
Như tôi đã nói ở trên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đi mua hoặc tải trên mạng nó không gắn với thực tế thì sẽ khó áp dụng vào lớp mình dạy hay trường mình được.
Đáng buồn là hiện nay số lượng sáng kiến kinh nghiệm đạt giải của mỗi đơn vị, mỗi Phòng, Sở Giáo dục là rất lớn nhưng hầu như sau khi công nhận xong thì lại xếp nó lại vào tủ.
Nhiều người còn không nhớ nổi mình đã đưa ra biện pháp gì trong sáng kiến kinh nghiệm.
Thế là các kinh nghiệm hay lại nằm im trên tờ giấy công nhận kết quả mà đáng lẽ ra nó phải được nhân rộng.
Một số kiến nghị
Có nhiều sáng kiến kinh nghiệm chỉ là để đối phó nhưng cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm của nhiều giáo viên có tâm huyết đúc kết trong quá trình giảng dạy.
Nên mỗi khi sáng kiến kinh nghiệm đã được công nhận thì cần áp dụng vào thực tiễn mà trước hết là ở đơn vị đó.
Những sáng kiến kinh nghiệm đó cần được triển khai nhân rộng trong tổ, khối rồi ở nhà trường xem nó có phù hợp và có hiệu quả hơn không để áp dụng chung cho cả trường.
Phòng Giáo dục cũng cần biểu dương những sáng kiến kinh nghiệm đem lại hiệu quả chất lượng giáo dục phù hợp với địa phương mình và cũng cần có biện pháp mạnh với những người cố tình ăn cắp sáng kiến kinh nghiệm của người khác.
Có như vậy những sáng kiến kinh nghiệm mới thật sự là cần thiết cho sự phát triển của giáo dục.