Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.730 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; Trung học cơ sở :10.143 người; Trung học phổ thông: 3161 người).
Riêng giáo viên Trung học cơ sở là thừa thiếu cục bộ ở trong một tỉnh và giữa các tỉnh/thành phố với nhau. Đến thời điểm hiện tại toàn quốc vẫn thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở.
Trên toàn quốc chỉ có hai trong số 63 tỉnh/thành phố không thiếu giáo viên là Đà Nẵng, Đồng Nai, có 21 tỉnh thiếu nhiều giáo viên (thiếu hơn 1 nghìn trở lên), đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non, tiểu học. Hà Nội thiếu 12.681 giáo viên, là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất.
Việc các địa phương thiếu giáo viên nhưng không được tuyển mới xuất phát từ nguyên nhân do sức ép giảm biên chế.
Vì để đảm bảo chỉ tiêu giảm 10% biên chế nên các địa phương không tuyển thêm giáo viên đã dẫn đến tình trạng tìm cách xã hội hóa bằng cách huy động tiền đóng góp của phụ huynh để trả lương giáo viên.
Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa 13 (ảnh quochoi.vn). |
Trước bất cập này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu Niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Lê Như Tiến cho rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu và không thể để tình trạng thiếu giáo viên đến mức các em học sinh đến lớp không có thầy cô giảng dạy. Đó là một điều không thể nào chấp nhận được.
Trong thời gian vừa qua chiến lược đào tạo và sử dụng giáo viên có vấn đề. Tình trạng, nơi thì thiếu, nơi thì thừa giáo viên. Thậm chí có bộ môn ở nhiều địa phương thì thiếu, nhiều địa phương lại thừa và không bố trí đi đâu được.
Không những vậy, để giáo viên đào tạo bộ môn này lại sang dạy bộ môn khác, giáo viên ở cấp học này lại chuyển sang dạy cấp học khác.
Vì sức ép giảm biên chế mà không tuyển mới giáo viên là vô lối |
Để khắc phục bất cập trong chính sách đào tạo, sử dụng giáo viên, theo ông Lê Như Tiến thì cần phải xây dựng chiến lược về đào tạo đội ngũ giáo viên.
Bởi, giáo viên chính là máy cái để đào tạo ra nhân tài, rồi nâng cao dân trí, bổ sung nguồn nhân lực. Vì thế, về lâu dài theo vị này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội chiến lược đào tạo và sử dụng giáo viên.
Cũng theo ông Lê Như Tiến, việc giảm biên chế là giảm chung cho tất cả các ngành, các cấp chứ không phải chỉ riêng ngành giáo dục.
Nhưng trong chính sách thì cần phải ưu tiên cho ngành giáo dục để làm sao không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.
Còn nếu chúng ta có xu thế, chủ trương chuyển từ giáo viên là viên chức trong biên chế thành giáo viên giảng dạy hợp đồng thì cũng phải có lộ trình cụ thể.
“Bỗng dưng chuyển tất cả giáo viên từ biên chế thành hợp đồng hết là không đúng. Cần phải có lộ trình. Đối với giáo viên biên chế thì vẫn cứ giữ biên chế. Còn từ nay tuyển giáo viên vào mới thì theo chế độ hợp đồng.
Trong đó phải đảm bảo, giáo viên hợp đồng quyền lợi như biên chế. Tức chế độ, chính sách giống nhau. Thậm chí, đối với giáo viên hợp đồng, có thể làm từ 3 đến 5 năm thì người giáo viên có thể có quyền được chuyển đi nơi khác giảng dạy để phù hợp hơn.
Đó là một dạng sử dụng nguồn nhân lực mở, không phải là biên chế suốt đời, ở một nơi suốt đời”.
Ông Lê Như Tiến chia sẻ thêm, ông từng đi một số nước trên thế giới và thấy mỗi giáo viên hợp đồng có một cuốn sổ lao động. Ở đâu, làm việc đều ghi và nhận xét vào đó.
Họ sẽ tính tổng thời gian làm việc của giáo viên để đến tuổi cho hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, lương hưu. Cách sử dụng lao động của họ rất linh hoạt và mở, không cứng nhắc như ở nước ta.
Qua trao đổi với ông Lê Như Tiến có thể thấy, việc biên chế suốt đời với giáo viên, tình trạng giáo viên chỉ dạy một môn, tại một trường học là một bất cập.
“Theo tôi, phải mở hơn nữa để giáo viên có quyền tự chủ, có thể chuyển từ nơi này qua nơi khác giảng dạy.
Giáo viên có thể đi bất cứ nơi nào để làm việc và đều được tính để sau này nhận chế độ về hưu” – ông Tiến nhấn mạnh.
Cuối cùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Chủ trương giảm biên chế giáo viên có lộ trình chứ không được để tình trạng học sinh đi học không có giáo viên giảng dạy.
Thông điệp của tôi là không thể để một nơi nào đó thiếu giáo viên”.