LTS: Thầy giáo Kiên Trung phản ánh thực tế về bộ máy cồng kềnh của ngành giáo dục địa phương. Qua đó, thầy đưa ra những kiến nghị để việc tinh giản bộ máy được hiệu quả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa được ban hành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý việc thiếu biên chế giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa phương có tăng dân số cơ học trên tinh thần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế.
Các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, không để thiếu giáo viên, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Nghịch lý hiện nay là bộ máy cồng kềnh nhưng vẫn thiếu giáo viên đứng lớp. Ảnh minh họa: VOV |
Mới đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin: "Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018 - 2019 có 27 tỉnh thiếu giáo viên, có nhu cầu tuyển dụng nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới.
Cũng Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông được các địa phương giao thêm để tuyển mới cho năm học 2018-2019: 34.242 biên chế.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.730 người.
Cụ thể mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; Trung học cơ sở:10.143 người; Trung học phổ thông: 3.161 người.
Riêng cấp Trung học cơ sở, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/ thành phố nên đến thời điểm hiện tại (15/8/2018) mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên trung học cơ sở nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở.”
Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất các giải pháp để xử lý việc thiếu giáo viên |
Từ “bộ máy” giáo dục cồng kềnh, gây lãng phí lớn và tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương, tôi có một số đề xuất cụ thể như sau:
Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay thường có đến 5, 6 chục con người, gồm nhiều phòng ban: văn phòng, tổ chức cán bộ, tài chính - kế hoạch, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, tư tưởng - chính trị, khảo thí - kiểm định chất lượng giáo dục.
Mỗi phòng, ban lại có 1 trưởng phòng và 2, 3 phó trưởng phòng. Ban giám đốc sở thường 4 đến 5 người, 1 giám đốc và các phó giám đốc.
Số lượng công chức đông, số lượng cán bộ (từ trưởng phó phòng trở lên) nhiều như vậy cho thấy “bộ máy” của các sở giáo dục cồng kềnh, tốn kém kinh phí nhà nước đến cỡ nào.
Cần sắp xếp, bố trí lại "bộ máy" của các sở giáo dục theo hướng tinh giản, thu gọn các phòng ban và giảm mạnh số lượng cán bộ, có hưởng phụ cấp chức vụ.
Ba phòng: văn phòng, tổ chức cán bộ, tài chính - kế hoạch dồn, gộp lại thành một phòng.
Sáu phòng: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, tư tưởng - chính trị, khảo thí - kiểm định chất lượng giáo dục dồn, gộp lại còn 2 phòng.
Ban giám đốc sở thay vì 4, 5 người thì giảm xuống còn 3 người, một giám đốc và hai phó giám đốc, riêng hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh định mức thêm 1 phó giám đốc.
Mỗi phòng ban, tối đa chỉ định mức không quá 6 người, vị trí lãnh đạo phòng chỉ tối đa: 1 trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, quận, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của địa phương.
Có bạn đọc từng đề xuất xóa bỏ hẳn Phòng Giáo dục và Đào tạo vì nó không cần thiết, cồng kềnh, gây tốn kém và chủ yếu “hành” các cơ sở giáo dục và giáo viên.
Đề xuất táo bạo này nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc và dư luận xã hội.
Hiện nay, nhiều địa phương đã phê duyệt và thực hiện đề án về vị trí việc làm của Phòng giáo dục.
Theo đó, một phòng giáo dục chỉ còn 5 đến 6 định biên (công chức), gồm 1 trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng và 3,4 chuyên viên kiêm nhiệm nhiều mảng công việc khác nhau, số chuyên viên dư thừa đã điều chuyển về làm việc, giảng dạy ở các cơ sở giáo dục.
Một đề án ích nước, lợi dân. Tuy nhiên, không ít địa phương vẫn còn chậm trễ trong việc triển khai thực hiện đề án.
Do vậy, số lượng cán bộ, chuyên viên ở phòng giáo dục vẫn y như cũ, có tới mười mấy con người, tiếp tục gây lãng phí nguồn nhân lực và tiền bạc của nhà nước và nhân dân.
Trong khi đó, nhiều trường đương “đau đầu” với tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Đây là trách nhiệm của các địa phương.
Các cơ sở giáo dục nên bố trí, sáp nhập nhiều trường mầm non trong một xã, phường thành một trường mầm non (có thể có một số phân hiệu, điểm trường), trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông trong xã, huyện thành trường liên cấp, có thể hai cấp tiểu học - trung học cơ sở, cấp trung học cơ sở - trung học phổ thông, thậm chí có thể ba cấp tiểu học - trung học cơ sở và trung học phổ thông như hệ thống trường phổ thông ngoài công lập đã làm.
Vì điều kiện giao thông, đi lại và công nghệ thông ở trung du, đồng bằng, thành phố…tương đối thuận lợi cho học sinh và giáo viên.
Riêng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vẫn còn khác biệt với đồng bằng, thành phố, nếu bố trí, sáp nhập các trường, các điểm thì cần cân nhắc, tính toán kỹ hơn.
Bố trí, sáp nhập lại các điểm trường, các trường phổ thông một cách khoa học, hợp lý trên từng xã, phường, quận, huyện sẽ giảm được đáng kể số lượng cán bộ quản lý (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng), hạn chế được tình trạng thiếu thừa giáo viên cục bộ hiện nay đồng thời phát huy được tối đa các nguồn lực về diện tích đất, cơ sở vật chất…
Trường học loại 1 có 28 lớp trở lên ở đồng bằng, có 19 lớp trở lên ở miền núi, nên bố trí tối đa 2 phó hiệu trưởng.
Nhóm thứ ba là vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ (09 vị trí):
a) Thư viện; b) Thiết bị, thí nghiệm (trường tiểu học không nhân viên thiết bị, thí nghiệm); c) Công nghệ thông tin; d) Kế toán; đ) Thủ quỹ; e) Văn thư; g) Y tế;
h) Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; (trường khuyết tật); i) Giáo vụ (áp dụng đối với trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, trường trung học phổ thông chuyên) cũng nên gom lại, bố trí làm kiêm nhiệm hoặc một người (ví dụ như kế toán, thủ quỹ, công nghệ thông tin) có thể được phân công, đảm trách ở từ 2 đến 3 trường cùng trên địa bàn huyện, xã, phường.
Sáp nhập được các phòng ban; các trường, điểm trường; giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức xuống, bố trí làm kiêm nhiệm, làm nhiều đơn vị sẽ tinh giản được khá nhiều biên chế, tiết kiệm được ngân sách nhà nước, có điều kiện tăng lương thỏa đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên để họ được hưởng nhiều nhờ làm nhiều.