LTS: Chia sẻ lý do vì sao số phiếu tín nhiệm cao của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại thấp cũng như đưa ra những giải pháp nhằm phát triển nền giáo dục nước nhà, thầy Nguyễn Cao đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Mấy ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt thông tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội bỏ phiếu, chúng ta thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có phiếu tín cao ít nhất nhưng phiếu tín nhiệm thấp lại cao nhất.
Dư luận không bất ngờ bởi những lá phiếu tín nhiệm đã phản ảnh trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ của vị Tư lệnh ngành giáo dục trong suốt hơn 2 năm qua.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Vẫn biết là ngành giáo dục luôn chịu nhiều áp lực trước dư luận và Tư lệnh ngành thì áp lực càng lớn hơn nhưng có thể nói ngành giáo dục có nhiều sự kiện gây chú ý hơn 2 năm vừa qua.
Nhưng, làm như thế nào để những áp lực của công việc không để lại những dư vị chát đắng đối với mọi người mới là điều mà xã hội trông chờ nhất vào ngành giáo dục mà đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng.
Tuy nhiên, cứ nhìn lại những kết quả công việc mà Bộ Giáo dục thực hiện gần đây cũng khiến cho chúng ta băn khoăn, nghi ngại.
Nổi cộm hơn cả là tiêu cực trong kì thi Trung học phổ thông Quốc gia của năm học vừa qua, rồi hàng loạt những thị phi về sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới và cả những tai tiếng cũng thường xuyên xảy ra ở dưới các cơ sở giáo dục.
Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua đã có hàng loạt tiêu cực ở các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…gây ra sự bất bình cho dư luận xã hội.
Người trực tiếp can thiệp vào điểm số của các thí sinh đã bị khởi tố, bị điểm mặt, chỉ tên cho thấy sự nghiêm minh và sự khẩn trương vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Nhưng, vấn đề mấu chốt là cách chỉ đạo, phối hợp của ngành giáo dục với các địa phương như thế nào mà để tiêu cực xảy ra trên một diện rộng như thế?
Tình trạng độc quyền sách giáo khoa để mỗi năm xã hội phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua sách dùng một lần rồi hết năm học lại bán đồng nát đã trở thành nỗi ám ảnh cho phụ huynh.
Hàng loạt sách bài tập, tài liệu chưa phải là sách giáo khoa như VNEN, Công nghệ giáo dục với giá cao ngất ngưởng vẫn âm thầm tiến vào trường học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sau nhiều lần trì hoãn đến nay vẫn chưa công bố chương trình môn học kiến thức.
Những dự kiến cho lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới liên tục bị lùi lại dẫn đến những bàn tán của dư luận…
Chuyện giáo viên bị đánh, phải quỳ lạy trước một số người gây nên sự phản cảm cho xã hội…và còn rất nhiều, rất nhiều những sự việc đã để lại vô vàn những thị phi cho xã hội.
Với rất nhiều sự việc như vậy thì việc Bộ trưởng Nhạ có phiếu tín nhiệm cao thì…thấp, phiếu tín nhiệm thấp…lại cao âu cũng là lẽ thường tình trong quá trình đảm nhận vai trò Tổng tư lệnh ngành.
Ai cũng biết ngành giáo dục là một ngành đang có nhiều áp lực nhất. Bởi những hoạt động của giáo dục liên quan trực tiếp đến từng con người, từng gia đình trong xã hội.
Không chỉ Bộ trưởng Nhạ mà cả những vị tiền nhiệm cũng đã từng chịu nhiều áp lực và nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp rất cao.
Sách giáo khoa mới sẽ hạn chế viết, vẽ, tô trực tiếp để tránh lãng phí |
Vì thế, việc tạo ra khâu đột phá cho ngành là điều cần thiết nhất trong bối cảnh hiện nay của ngành giáo dục.
Muốn làm được điều này, trước hết là trên vai trò của Bộ trưởng cần có những chỉ đạo sát sao, phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam bằng những công việc cụ thể sau:
Thứ nhất là phải nhanh chóng ban hành chương trình môn học phổ thông mới, có những chỉ đạo sát với thực tiễn về những bộ sách giáo khoa tới đây phù hợp nhất về nội dung, về túi tiền của nhân dân.
Thứ hai là nhanh chóng ổn định nhân lực cho ngành sư phạm. Tránh tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm. Giáo viên đang dạy cũng nơm nớp lo sợ việc tinh giản biên chế, thanh lý hợp đồng.
Thứ ba là phải cương quyết chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu, tình trạng dạy thêm ở các đơn vị cơ sở nhằm lấy lại niềm tin của xã hội.
Thứ tư là đưa ra những kế sách lâu dài, bền vững về công tác thi cử. Chỉ chuyện thi cuối lớp 12 mà ngành liên tục có những thay đổi nhưng tiêu cực thì vẫn liên tục xảy ra và đến nay vẫn chưa có giải pháp tối ưu nhất.
Thứ năm là khi ban hành các văn bản chỉ đạo cần phải thận trọng, phải xây dựng được những nội dung phù hợp. Tránh tình trạng ban hành xong lại phải thu hồi hoặc gây nên nhiều luồng tranh luận cho xã hội.
Áp lực thi cử đã giảm, tuyển sinh đầu vào sư phạm được cải thiện |
Những thủ tục hành chính cần giảm bỏ, những bằng cấp, chứng chỉ không phù hợp cần phải bãi bỏ cho giáo viên để giáo viên tập trung cho giảng dạy, không phải chạy theo những văn bằng tốn kém mà không có hiệu quả.
Vì vậy, điều dư luận mong chờ trước đây và cũng như bây giờ là với cương vị Tư lệnh ngành thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hãy nhìn vào những lá phiếu tín nhiệm lần này để có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với thực tiễn giáo dục nước nhà.
Bởi, giáo dục là động lực để phát triển đất nước và nó liên quan trực tiếp đến hàng triệu người thầy, hàng chục triệu sinh viên, học sinh và toàn bộ các gia đình trong cả nước.