Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, lâu nay, chúng ta cứ lo chống gian lận thi cử của học sinh.
Nhưng vụ gian lận kết quả thi Trung học Phổ thông Quốc gia ở Hà Giang, Sơn La lại cho thấy, chính những người làm trong ngành giáo dục lại tiêu cực trong thi cử.
“Chính những người đi để kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực trong thi cử thì lại tiêu cực. Người chống tiêu cực lại tiêu cực thì làm sao mà chống được”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức đau xót nhận xét.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. (Ảnh: Vietnamnet) |
Ông nhấn mạnh, nếu người lớn chưa đắc đạo làm gương cho trẻ nhỏ thì hãy để trẻ nhỏ được yên thân, để cho các em được sống theo cách của chúng, hồn nhiên, tự tin vào tương lai.
Người lớn can thiệp thô bạo vào cả tương lai của các cháu là hoàn toàn không tốt.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức khẳng định: “Rõ ràng, vụ việc gian lận trong thi cử của ngành giáo dục năm nay là báo động đạo đức xã hội.
Người lớn hư hỏng kéo theo trẻ con hư hỏng. Đấy là điều rất báo động.
Tiến sĩ Chức nhận định, sự giả dối trong xã hội đang ở mức báo động. Cán bộ cũng nói dối trá, dự án treo, tham ô, tham nhũng…xảy ra.
"Sự giả dối sẽ làm cho xã hội suy vi.
Hà Giang nhất định phải hành động để bảo vệ danh dự cho Bí thư Triệu Tài Vinh |
Đáng lo hơn nữa, giáo dục là quốc sách, quốc sách mà giả dối thì sao là quốc sách được. Nếu để giả dối trong giáo dục lan truyền, không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đất nước, tương lai dân tộc.
Vì thế, chúng ta cũng phải kiên quyết, phải tìm mọi cách chống sự giả dối này”, ông nói.
Thực tế, thời gian khi xảy ra các vụ gian lận trong kết quả thi Trung học Phổ thông Quốc gia, dư luận đã đặt câu hỏi trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục đến đâu.
Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, ngành nào người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm vì nếu họ không chịu trách nhiệm thì ai chịu trách nhiệm.
Ở nhiều nước, khi xảy ra các vụ việc, người đứng đầu không liên quan trực tiếp đến các lỗi sai phạm đó nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm.
Thậm chí, có người vì danh dự đã từ chức chứ không “tranh công đổ lỗi”. Họ không liên quan trực tiếp nhưng ngành đó họ đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm.
Theo ông, trong vụ gian lận thi cử bị phát hiện ở một số địa phương vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải chịu trách nhiệm.
“Vấn đề là họ sẽ chịu trách nhiệm như thế nào thôi. Đừng tư duy là “bên dưới hỏng quá, tôi không làm gì được”, Tiến sĩ Chức nói.
Theo ông, vấn đề là sao lại cử những người bên dưới hỏng đứng ra làm việc.
Cụ thể như đúng thời điểm Hội đồng thi Trung học Phổ thông Quốc gia tại Hà Giang tiến hành quét bài thi trắc nghiệm thì 2 thanh tra do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động lên giám sát thì lại tự ý vắng mặt.
“Hai vị này rõ ràng là người của Bộ cắt cử lên, kể cả 2 vị kia có mặt mà sai phạm vẫn xảy ra đi nữa thì Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì ông là người đứng đầu ngành giáo dục”, Tiến sĩ Chức nêu quan điểm.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, “Để xảy ra vụ việc này ai cũng đau lòng.
Trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về tiêu cực thi cử tại Hà Giang, Sơn La |
Nhất là các cháu học sinh học thật. Các cháu sẽ nghi ngờ, mất lòng tin vào sự công bằng trong thi cử.
Các em học thật, thi thật, điểm cao thật cảm thấy bị xúc phạm. Vụ việc này ảnh hưởng rất nhiều đến lòng tin, suy nghĩ tâm tư của học sinh”.
“Ở vụ gian lận kết quả thi cử ở ở Hà Giang, một cá nhân (ông Vũ Trọng Lương- PV) có thời gian đến 2 tiếng đồng hồ để sửa điểm khoảng 300 bài thi mà thời điểm đó không ai biết.
Ông Lương mất có 6s để sửa điểm một bài thi thì những người tham gia giám sát cũng phải có trình độ chuyên môn bằng hoặc giỏi hơn ông Lương.
Không thể để một người qua mặt tất thảy như vậy. Đấy là điều phải rút kinh nghiệm cho việc tổ chức thi cử lần sau”, đại biểu Hoàng phân tích.