LTS: Cho rằng, việc đưa ra sáng kiến tổ chức kiểm tra đề chung của ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi là điều không nên và cũng không cần thiết, tác giả Nhật Duy đưa ra bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Để chống tình trạng dạy thêm, học thêm, ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi có ý tưởng sẽ triển khai ra đề kiểm tra 1 tiết bằng hình thức đề chung .
Song, theo chúng tôi, đây là một sáng kiến không mới mà cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Làm không khéo thì tiêu cực còn nảy sinh nhiều hơn và lại gây thêm tốn kém cho phụ huynh học sinh. Tình trạng dạy thêm, học thêm không giảm mà còn được đẩy mạnh nhiều hơn.
Từ năm học này, học sinh trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Quảng Ngãi sẽ kiểm tra 1 tiết chung đề cho cả khối lớp ở 5 môn học (Ảnh minh họa: baoquangngai.vn). |
Cấp trung học cơ sở hiện nay đang thực hiện việc kiểm tra đánh giá học sinh hàng năm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 12/12/2011.
Tại Điều 8 của Thông tư này đã quy định số lần kiểm tra định kì (từ 1 tiết trở lên) như sau: Môn học có 1 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 2 lần; Môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: Ít nhất 3 lần; Môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: Ít nhất 4 lần.
Như vậy, theo hướng dẫn thì 5 môn học mà ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi dự kiến sẽ ra đề kiểm tra chung thì đa phần có số tiết/ tuần là 2 tiết.
Trong đó, môn Ngữ văn lớp 9 có tới 5 tiết/ tuần. Và, môn Ngữ văn cũng là môn có số lần kiểm tra từ 1 tiết trở lên nhiều nhất. Các lớp 6, 7, 8 có 5 bài kiểm tra/ 1 học kì, lớp 9 có 6 bài kiểm tra/ 1 học kì.
Ngoài ra, tất cả các lớp còn có thêm một bài kiểm tra học kì nữa. Vì thế, lượng bài kiểm tra hàng năm là tương đối nhiều.
Trong khi đó, với cơ cấu hiện nay của tất cả các Phòng Giáo dục thì chỉ có 1 chuyên viên đảm nhận chung về chuyên môn, chỉ có cấp Sở mới có 1 chuyên viên đảm nhận 1 môn học.
Chính vì hơn 10 môn học hiện nay mà chỉ có 1 chuyên viên nên chuyên viên này không thể bao quát và nắm được tất cả các môn học hiện hành mà thường phải cần có sự hỗ trợ của Hội đồng bộ môn cấp huyện (thị, quận, thành phố trực thuộc tỉnh).
Điều này cũng đồng nghĩa, nếu ra đề kiểm tra chung thì vị chuyên viên này cũng chỉ có thể đảm trách được chuyên môn của 1 môn học.
Kiểm tra 1 tiết bằng đề chung có gây áp lực cho giáo viên, học sinh? |
Nếu chuyên viên này lại không phải là người được đào tạo về 1 chuyên ngành trong 5 môn học dự kiến kiểm tra chung thì lại càng khó khăn nhiều hơn.
Chính vì thế, nó sẽ xảy ra nhiều bất cập trong quá trình tổ chức và thực hiện như sau:
Thứ nhất, Phòng giáo dục phải tập hợp ngân hàng đề kiểm tra chung và các đề kiểm tra này sẽ do các trường gửi lên.
Trong các đề đó, có đề ra chuẩn xác, có đề ra không chuẩn xác (chuyện này xảy ra thường xuyên) nhưng chuyên viên Phòng Giáo dục không có chuyên môn sẽ không thể nào chọn được 1 đề kiểm tra tốt nhất, hợp lý nhất.
Nếu Phòng thực hiện việc trộn đề kiểm tra lại càng khó khăn hơn bởi mỗi đề kiểm tra có những cách lựa chọn các đơn vị kiến thức khác nhau.
Trường khó khăn, có nhiều học sinh yếu kém thì họ ra đề thi dễ hơn, nhiều câu hỏi vận dụng thấp, trường có điều kiện, học sinh học tập tốt hơn thì họ ra đề khó hơn, nhiều câu vận dụng cao.
Trong sự lấn cấn này, Phòng sẽ nhờ Tổ trưởng, phó Hội đồng bộ môn can thiệp, ra đề thi, trộn đề thi thì dĩ nhiên người ra đề lại biết trước đề kiểm tra chung của toàn thành phố và dẫn đến lộ đề.
Cho dù, các vị giáo viên trong Hội đồng bộ môn giữ kín thì ai đảm bảo rằng họ về trường không ôn trọng tâm kiến thức đề kiểm tra mà mình đã tham gia ra đề?
Lâu nay, các Phòng, Sở chỉ thực hiện mỗi học kì ra 1 đề kiểm tra học kì mà nhiều khi còn sai sót, bây giờ mà ôm cả bài kiểm tra định kỳ thì có lẽ rất khó kham nổi.
Thứ hai, vì Phòng ra đề kiểm tra thì yếu tố hên xui càng cao hơn, các trường sẽ không biết là đề kiểm tra ra chỗ nào.
Với vô vàn các đơn vị kiến thức trong cả nhiều chương, nhiều bài, thậm chí cả 1 học kì, ai biết Phòng sẽ ra vào chỗ nào? Vì thế, việc ôn tập, đoán đề các khó khăn hơn với giáo viên và học sinh dưới cơ sở.
Hơn nữa, khi đã thực hiện đề kiểm tra chung mà điểm trung bình thấp hơn các đơn vị bạn thì đó là một thảm họa đối với các thành viên Ban giám hiệu nhà trường bởi đơn vị nào cũng rất coi trọng thành tích, hình thức.
Chính vì vậy, làm sao có thể hạn chế được học thêm đây? Nếu không cẩn thận thì tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ bùng phát mạnh hơn. Bởi, nguyên nhân học thêm đã được thể hiện rõ hơn từ việc ra đề chung.
Nhà trường, thầy cô lấy lý do Phòng ra đề nên phải ôn tập tất cả kiến thức và yêu cầu phụ huynh cho con em học thêm để ôn tập là hoàn toàn chính đáng mà phụ huynh rất khó khước từ chuyện học thêm. Không học, sợ con mình không biết đâu mà học, mà kiểm tra.
Vì thế, tình trạng dạy thêm, đoán đề sẽ được đồng bộ phát triển trên tất cả các trường, các lớp lớp học.
Sáng kiến kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cho các trường để ngăn dạy thêm |
Thứ ba, việc kiểm tra định kì hiện nay ở các trường rất đơn giản, đa phần các trường chỉ tổ chức kiểm tra chung, chấm chung trong kiểm tra học kì, kiểm tra cuối năm. Phần kiểm tra định kì thường do giáo viên tự ra đề và tự chấm. Vì thế, áp lực học tập cũng nhẹ nhàng và kiểm tra cũng trọng điểm.
Điều quan trọng hơn là phần lớn kiểm tra định kì thì thầy cô thường phô tô đề cho học sinh mà không thu tiền. Nay, Phòng Giáo dục đứng ra ra đề thì chuyện thu tiền giấy thi là chuyện đương nhiên và đã là truyền thống rồi.
Có điều, khi mà Phòng thu tiền giấy thi cũng đồng nghĩa giá cao hơn rất nhiều. Ít nhất cũng phải 1.000 đồng/ 1 bài/1 học sinh.
Vì những lý do như đã nêu ở trên, bản thân chúng tôi nhận thấy rằng việc cấm hoặc hạn chế dạy thêm, học thêm hiện nay nằm trong tầm tay của Phòng giáo dục thành phố Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác.
Việc cấm dạy thêm, học thêm không khó bởi tất cả các trường, các thầy cô dạy thêm hiện nay đều phải có kế hoạch, phải làm đơn xin phép Phòng, Hiệu trưởng nhà trường.
Nếu cấm thì đừng cấp phép, đừng bật đèn xanh cho việc lách luật, đừng báo trước khi tổ chức thanh, kiểm tra thì đó giáo viên nào dám dạy thêm.
Thời gian qua, ngành giáo dục đang có xu hướng giao quyền tự chủ về chuyên môn cho các trường, cho giáo viên mà lại đứng ra tổ chức kiểm tra định kỳ chung là điều chưa hoàn toàn hợp lý.
Đánh giá chất lượng dạy và học cấp Trung học cơ sở hiện nay cũng đơn giản vô cùng bởi cấp học này có nhiều cuộc thi và quan trọng nhất là có kỳ thi tuyển sinh 10 ở cuối cấp.
Vì thế, việc đưa ra sáng kiến tổ chức kiểm tra đề chung của ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi là điều không nên và cũng không cần thiết.
Nó chẳng giải quyết được vấn đề gì, tiêu cực không những không hết mà vô tình lại nảy sinh thêm nhiều bất cập và tốn kém khác cho cả phụ huynh và ngân sách nhà nước.