LTS: Sau ý tưởng dùng chung đề kiểm tra 1 tiết cho học sinh trung học cơ sở để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm của Ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi, cô giáo Bình Thanh đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi vừa có ý tưởng dùng chung đề kiểm tra 1 tiết cho học sinh trung học cơ sở để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm.
Được biết đây là một ý tưởng mới của Quảng Ngãi nhưng hiện nay nhiều tỉnh thành trong cả nước đã áp dụng việc dùng chung đề kiểm tra một tiết ở một số môn Toán, Anh văn, Văn, Lý, Hóa (thậm chí còn đánh số báo danh cho học sinh toàn khối ngồi như thi tốt nghiệp).
Thế nhưng tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn không thể chấm dứt. Có chăng nó chỉ được chuyển từ giáo viên bộ môn sang Tổ trưởng bộ môn và Ban giám hiệu nhà trường.
Các em học sinh trong giờ kiểm tra môn học (Ảnh minh họa: sggp.org.vn). |
Học thêm dồn về người có trách nhiệm ra và duyệt đề
Khác với cấp tiểu học, bậc phổ thông trung học thì Phó hiệu trưởng nhà trường không thể nắm vững chuyên môn tất cả các môn học trong trường. Bởi thế, chuyên môn chủ yếu do Tổ trưởng tổ chuyên môn (của môn học ấy) quản lý.
Theo quy định, đề kiểm tra miệng và 15 phút do giáo viên tự quyết định. Đề kiểm tra 1 tiết, thầy cô mỗi người phải ra một đề, nộp đề cho tổ trưởng duyệt. Sau đó, nộp về trường cho Phó hiệu trưởng.
Do nhiều Phó hiệu trưởng không cùng chuyên môn với môn học ấy nên phải kết hợp với Tổ trưởng chuyên môn chọn ra đề sẽ kiểm tra chung cho học sinh toàn khối.
Thường nhà trường sẽ có 2 cách làm, hoặc là bốc thăm chọn một trong những đề giáo viên tổ ấy đã ra. Hoặc là lấy mỗi đề của giáo viên ra một vài câu gộp lại thành một đề mới.
Vậy đề học sinh sẽ thi sẽ có 2 người biết trước đó là Tổ trưởng chuyên môn và Phó hiệu trưởng.
Sáng kiến kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cho các trường để ngăn dạy thêm |
Trong thực tế, Tổ trưởng chuyên môn và ngay cả Phó hiệu trưởng nhà trường cũng dạy thêm thậm chí là có riêng một trung tâm dạy thêm.
Để thu hút học sinh, họ cũng sẵn sàng áp dụng chiêu thức “nhá đề”, “mớm đề’. Có người không chỉ dừng ở việc “nhá” và “mớm” mà còn cho các em làm trước đề theo kiểu “sao y bản chính”.
Thủ thuật để việc “ăn vụng” này không bị tố giác hoặc có tố giác cũng vô căn cứ là in đề cho học sinh làm và thu lại (đương nhiên giáo viên quán triệt chặt chẽ học sinh không được chụp hình).
Với kiểu làm như thế đã hút được khá nhiều học sinh cần điểm số và danh hiệu nên lớp học thêm của những thầy cô giáo ấy luôn quá tải bởi “tiếng lành” đồn xa.
“Người tám lạng kẻ nửa cân”
Không kém cạnh cấp trên của mình, giáo viên không thể ngồi nhìn miếng “mồi ngon” của mình bị mất hoặc bị chia sẻ với ai, nhiều thầy cô cũng có những chiêu bài để hút học sinh vào lớp dạy thêm.
Cách mà các thầy cô thường sử dụng nhất là kiểu “liên kết nhau” để đôi bên cùng có lợi. Ví như 7 thầy cô trong tổ Toán sẽ cho nhau đề của chính mình. Thế là ai cũng ôn cho học sinh nội dung của 7 đề kiểm tra đó.
Điểm dạy thêm không phép ở Quận 1 mang tên một Phó Hiệu trưởng |
Dù cấp trên có trộn đề cỡ nào cũng chẳng có cách gì lọt ra khỏi những phạm vi mà giáo viên đã ôn tập.
Thế là hòa cả làng, dù đề có được bảo mật đến đâu, dù có đánh số báo danh, có xem kiểm tra nghiêm khắc cỡ nào, học trò cũng chẳng sợ. Bởi trước khi làm kiểm tra chúng đã được học trước cả rồi.
Ngăn chặn dạy thêm, học thêm bằng cách kiểm tra chung một đề như Quảng Ngãi đề xuất cũng chẳng thể dẹp được nạn dạy học thêm tràn lan đang diễn ra.
Với kiểu thi cử như hiện nay học một đằng thi một nẻo, kiểu coi trọng bằng cấp hơn năng lực bản thân cùng với một số thầy cô đã bị đồng tiền che mờ mắt thì mọi nỗ lực cũng chỉ là mây khói mà thôi.