LTS: Từ câu chuyện về cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo Kiên Trung chia sẻ bài viết về mong muốn để các nhà giáo thật sự hạnh phúc trong ngày 20/11.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị được nhận thiệp điện tử, không tiếp đón và không nhận hoa, quà chúc mừng tại trụ sở cơ quan nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến các cấp lãnh đạo, phụ huynh… đã quan tâm, hỗ trợ đến sự nghiệp trồng người.
Làm thế nào để các thầy cô giáo thực sự cảm thấy hạnh phúc trong ngày 20/11? (Ảnh minh họa: ninhthuan.edu.vn). |
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xin không tổ chức tiếp đón các đoàn đến chúc mừng và không nhận hoa, quà chúc mừng tại trụ sở cơ quan.
Đồng thời mong muốn nhận thiệp điện tử qua email của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Mong sao tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo khác cũng ra văn bản và thực hiện đúng như vậy.
Đến hẹn lại lên, trước và trong ngày 20/11, các địa phương, ngành giáo dục, nhà trường, phụ huynh và học sinh thường tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tri ân thầy cô giáo: thi đua vòng hoa điểm 10, thi đua dạy tốt, học tốt, gặp mặt, tọa đàm, thăm hỏi, tặng quà các nhà giáo…
Năm tròn thì tổ chức lớn, năm lẻ thì tổ chức gọn gàng.
Cũng trong thời điểm ấy trên các phương tiện truyền thông xuất hiện vô vàn bài viết, ý kiến bày tỏ những tâm tư, tình cảm về nghề giáo;
Ngợi ca, biểu dương các tấm gương thầy cô giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang ngày đêm cống hiến, góp đóng nhiều công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp trồng người, đặc biệt là các thầy cô ở những nơi còn gian khó: vùng sâu, vùng cao, hải đảo.
Những việc làm thiết thực, lời chúc mừng tốt đẹp, những món quà ý nghĩa dành tặng cho đội ngũ giáo viên nhân ngày Nhà giáo thể hiện sự quan tâm, tình cảm tri ân sâu sắc của các cấp ở địa phương, các thế hệ học trò đối với họ - những người đưa đò thầm lặng.
Có nên tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 không? |
Nó trở thành động lực tinh thần lớn lao giúp cho người thầy, người cô ở mọi cấp học tiếp tục vững “tay chèo” đưa những thế hệ học sinh kế tiếp đến bến bờ tri thức- thành công.
Ngày Nhà giáo, các em học sinh thường được nghỉ, các thầy cô đến trường tọa đàm, gặp mặt, giao lưu hoặc ở nhà tiếp đón các thế hệ học trò.
Thầy cô giáo nào cũng cảm thấy niềm vui được nhân đôi, nhân ba, hạnh phúc tràn đầy trong ngày thiêng liêng của mình, dẫu cho cuộc sống, công việc của phần đông nhà giáo vẫn còn không ít khó khăn, bộn bề.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, cách thức tổ chức phần lễ (tọa đàm, gặp mặt) còn dông dài, nặng nề, chiếm khá nhiều thời gian khiến người ngồi dự mệt mỏi, uể oải.
Tư duy lúc nào cũng phải đủ các thủ tục, nội dung, thành phần, ban bệ lên phát biểu, báo cáo... vẫn tồn tại, trong khi đó các đại biểu, đặc biệt các thầy, cô giáo quá biết những điều: "biết rồi, khổ lắm nói mãi".
Cần thay đổi cách tổ chức theo hướng cho thật ngắn gọn, súc tích, chủ yếu để phụ huynh, học sinh, các cấp nhìn nhận về nhà trường, giáo viên của mình, bớt đi cảnh nhà giáo tự tâm sự, khen ngợi lẫn nhau.
Hơn nữa, đến thời điểm tổ chức liên hoan, tuyệt đối, không để các thầy cô giáo phải “dài cổ” chờ đợi khách khứa, lãnh đạo địa phương để nhà giáo thật sự thoải mái, tự do, sung sướng trong ngày này.
Mặt khác, các giáo viên cũng rất ghét một số lãnh đạo cơ sở giáo dục hay đi tặng quà (lấy từ nguồn kinh phí của nhà trường) cho các sếp ở Phòng giáo dục, Sở giáo dục… nhân dịp 20/11.