LTS: Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để những người đã và đang ngồi trên ghế nhà trường thể hiện tấm lòng tri ân của mình đối với các thầy cô giáo.
Đặt ra câu hỏi "Thầy cô mong mỏi gì vào ngày 20/11?", tác giả Phan Tuyết - cũng là một nhà giáo đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Quanh năm vất vả với công việc dạy chữ, dạy người, có một ngày để vui, để ôn lại những kỉ niệm cũ, để học trò nhớ về mình, để nhận những lời chúc mừng của người thân âu cũng là một hạnh phúc lớn đối với những người làm thầy.
Thế nên hỏi ngày 20/11 thầy cô mong mỏi điều gì? Sẽ có muôn vàn điều mong muốn và đương nhiên, đó không phải là những quà cáp, cũng chẳng phải tiền bạc.
Bởi, người làm thầy chân chính thì chẳng bao giờ trông chờ vào những món quà vật chất từ những học sinh của mình.
Tình cảm thầy cô và học trò (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Điều mong ngóng chính là các chính sách giáo dục ban hành phù hợp để công việc giảng dạy của giáo viên bớt đi sự áp lực. Để đời sống vật chất của nhà giáo bớt đi phần vất vả, cực nhọc.
Khi cuộc sống gia đình không vướng bận sự bon chen của cơm áo, gạo tiền thì tâm huyết dành cho giáo dục mới được chuyên tâm.
Xin đừng tôn vinh bằng những mĩ từ
Chúng tôi chán nghe những mĩ từ không có thật “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý”.
Vì ai cũng biết, cũng hiểu, nếu cao quý thì người giỏi lại chẳng ngoảnh mặt đi, cái câu cửa miệng từ bao đời vẫn luôn luôn đúng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Sự cao quý bị vây hãm bởi đời sống quá khó khăn, vất vả nên sau bục giảng, thầy cô lại vật vã kiếm tiền.
Họ làm đủ thứ nghề để sống. Ăn bữa trước phải lo bữa sau mà cuộc sống vẫn thiếu hụt trăm bề.
Chúng tôi cũng chán nghe được ca thán “nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Hai chữ sáng tạo chỉ nằm trên giấy, trên cửa miệng bao người.
Trong thực tế dạy học, giáo viên đang bị trói buộc với biết bao quy định cứng ngắc trong một tiết dạy.
Nào dạy học phải theo đúng quy trình, theo đúng những phương pháp bên trên áp xuống. Hết phương pháp “Bàn tay nặn bột” lại đến mô hình VNEN ngồi theo nhóm, theo mâm.
Triển khai bài dạy thầy cô nào dám vượt qua khuôn mẫu đã định sẵn? Cách làm mới thường hay bị ghép vào “vi phạm quy chế về chuyên môn”.
Thế nên bao năm qua đi, trải qua biết bao lần đổi mới nhưng cách dạy ấy vẫn chẳng có nhiều thay đổi.
Xin đừng tổ chức các hoạt động chào mừng sôi nổi, đừng ban những lời chúc tụng cao sang, đừng hứa hẹn những điều mà không thể đổi thay để gieo vào lòng thầy cô những mong mỏi.
Và chỉ một ngày qua đi, chúng tôi lại trở về với đời thực, vẫn phải miệt mài với bộn bề công việc và lo toan cho cuộc sống mưu sinh hằng ngày.
Những lời chúc thầy cô xúc động nhất nhân ngày Nhà giáo Việt Nam |
Món quà tinh thần từ học sinh luôn là điều quý nhất
Với chúng tôi lúc này, món quà tinh thần mới là điều quý giá và lâu bền nhất mà các thầy cô luôn mong muốn nhận được trong ngày vui của mình.
Điều vui nhất là khi được học sinh cũ nhớ về. Chẳng cần quà cáp giá trị hay những chiếc phong bao bên trong có mệnh giá lớn.
Một tin nhắn hỏi thăm, một lời chúc mừng, một tấm thiệp hay một bó hoa gửi đến…đã làm nhiều thầy cô giáo vui suốt nhiều ngày.
Nó chứng tỏ một điều, dù nhiều năm không học nữa nhưng các em vẫn còn nhớ tới mình. Tình cảm này phải xuất phát từ đáy lòng, tiền bạc nhiều cũng chẳng dễ gì mua được.
Chẳng phải ngẫu nhiên cha ông ta thường ví thầy cô như những người chèo đò lặng lẽ trên sông mà khách qua sông mấy ai còn nhớ đến?
Thế nên khi có học trò cũ về thăm không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn là lòng hãnh diện của giáo viên trước bao người.