Ngày 21/11, tại buổi làm việc với sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân Đà Nẵng) đã nêu ra nhiều vấn đề “nóng” của ngành giáo dục thành phố cần phải giải quyết trong thời gian đến.
Đồng thời, góp ý một số chính sách về chế độ đãi ngộ với giáo viên, học sinh trường công, việc cắt giảm biên chế giáo viên, đề án sữa học đường…
Không cắt giảm biên chế giáo viên
Tại buổi làm việc, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc sở Nội vụ (Ủy viên Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân) cho biết:
Giáo viên trúng tuyển kỳ thi tuyển giáo viên năm 2018 của Đà Nẵng được lựa chọn trường học để dạy. Ảnh: TT |
“Tình trạng thiếu giáo viên đầu năm mới thì các địa phương khác nói nhiều nhưng Đà Nẵng thì không thiếu, không có sự mất cân đối giữa các bậc học, giữa các môn.
Đà Nẵng luôn đảm bảo đến mức tối đa của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng giáo viên.
Các tỉnh khác cắt giảm biên chế của ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu tinh giản bộ máy. Nhưng ở Đà Nẵng không cắt mà còn phát triển cho ngành giáo dục.
Hiện thành phố có hơn 12.500 giáo viên, nó cũng thể hiện rất rõ quan điểm của ngành nội vụ là hỗ trợ tối đa cho giáo dục”.
Vì sao giáo viên Trung học cơ sở lại đang thừa nhiều nhất? |
Về vấn đề tuyển dụng giáo viên thì ông Đồng cho rằng, hai sở đã phối hợp để đưa ra chuẩn giáo viên cao hơn so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lý do mà Đà Nẵng áp chuẩn cao như vậy là để khi Bộ nâng chuẩn lên thì thành phố không phải bỏ công sức, tiền của đi đào tạo lại giáo viên.
“Việc nâng chuẩn giáo viên vừa tốn kém kinh phí mà còn mất thời gian từ 5-10 năm mới hoàn tất việc nâng chuẩn.
Riêng Đà Nẵng với nguồn nhân lực tốt (hầu hết là sinh viên tốt nghiệp các Trường Đại học Sư phạm ra trường) nên thành phố mới đưa ra chuẩn giáo viên cao như vậy”.
Ông Đồng cũng lưu ý, ngành giáo dục cần giám sát để không xảy ra hiện tượng tự ý hạ chuẩn giáo viên để đưa con cháu, người thân mình vào hệ thống.
Chuẩn này là phải thống nhất giữa nội vụ (cơ quan tuyển dụng) và giáo dục (cơ quan chuyên môn).
Riêng tại huyện Hòa Vang thì Đà Nẵng phải chấp nhận hạ chuẩn đối với giáo viên mầm non (vẫn cao hơn chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo).
Theo đó, yêu cầu tuyển dụng đối với giáo viên mầm non là phải có trình độ Cao đẳng trở lên.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, đối với những giáo viên mầm non hệ trung cấp do ngày trước để lại thì sở sẽ phối hợp với hai trường Đại học sư phạm Đà Nẵng và Đại học sư phạm Huế thực hiện việc đào tạo, nâng chuẩn.
Xem xét lại cơ chế “biệt phái” giáo viên lên phòng giáo dục
Một vấn đề nóng của khác của ngành giáo dục được phản ánh nhiều trong thời gian qua là việc sở Nội vụ Đà Nẵng có văn bản “siết” số lượng giáo viên biệt phái lên phòng giáo dục.
Phương án tinh giản, sắp xếp, sáp nhập bộ máy giáo dục địa phương |
Theo quy định thì số giáo viên biệt phái này không được quá 30% số công chức được giao.
Tại buổi làm việc với sở Giáo dục và Đào tạo, ông Đồng cũng nhắc lại thực trạng số lượng giáo viên biệt phái lên phòng giáo dục quá nhiều, có nơi từ 15-16 người. Trong khi giáo viên tại các trường lại thiếu.
“Vấn đề này đã được cơ quan thanh tra nêu ra và kiến nghị phải siết chặt lại tình trạng giáo viên biệt phái lên phòng giáo dục quá nhiều”.
Cũng theo ông Đồng thì sau khi sở Nội vụ có văn bản siết lại thì sở Giáo dục cũng cần có phương án xem xét giảm tải cho các phòng giáo dục. Thực hiện các công việc phù hợp với nguồn nhân lực được bố trí.
Đại diện Ban Văn hóa – Xã hội cũng đề nghị sở Giáo dục cần kiểm tra hệ thống nhà vệ sinh trường học.
Qua đó, có phương án đầu tư, xây dựng mới, không để xảy ra tình trạng “học sinh đến trường không dám đi vệ sinh”.
Ông Vĩnh cũng kiến nghị với Hội đồng nhân dân thành phố có chủ trương bố trí nguồn kinh phí đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, duy tu bảo dưỡng các điểm trường và mở rộng diện tích các trường.
Đồng thời, có chủ trương mở rộng đối tượng thụ hưởng Đề án sữa học đường cho học sinh bậc tiểu học, trước mắt là ở huyện Hòa Vang.