LTS: Câu chuyện biên chế ngành giáo dục và những khó khăn, chật vật của đời sống giáo viên đang làm đau đầu các nhà quản lý.
Sau khi đăng bài viết “Những người bạn của tôi đã “chạy” biên chế như thế”, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết chia sẻ quan điểm của tác giả Hà Dung.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
“Nghịch lý” của nghề giáo
Tôi luôn nghĩ nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề, đó là những người vì sự nghiệp “lương sư hưng quốc”.
Nhiều giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam khiếu nại kết quả thi tuyển viên chức giáo dục của tỉnh này. Ảnh trên giaoduc.net.vn |
Nhưng khi nghĩ tới sự đối đãi của xã hội dành cho những người thầy, người cô thì còn nhiều nỗi ngậm ngùi, xót xa.
Có một thực tế là nhiều giáo viên đang trong biên chế nhưng vẫn không thể sống được bằng nghề, đành chấp nhận từ bỏ bảng đen, phấn trắng để tìm đường mưu sinh mới.
Những người bạn của tôi đã “chạy” biên chế như thế! |
Đó là câu chuyện của cô giáo ở Thanh Hóa viết đơn xin ra khỏi ngành sau hơn 7 năm gắn bó vì đồng lương ít ỏi, phải sống xa nhà, không nuôi nổi con cái.
Hay cô giáo Kim Anh (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) cũng chọn con đường rời bỏ “nghề cao quý” ra đi vì thu nhập không đủ sống.
Đó là những người đã chọn con đường rời bỏ chiếc ghế biên chế nhưng vẫn còn đó rất nhiều giáo viên hàng ngày mong ước, “chạy vạy” đủ đường để có một suất biên chế nhưng không được.
Tại sao lại có một nghịch lý như vậy? Có lẽ, không có nhà giáo chân chính nào muốn phải “chạy chọt” để có một suất “biên chế”.
Nhưng nếu không vào biên chế thì sự bấp bênh, luôn đối mặt với nguy cơ mất việc giữa chừng đã khiến họ phải "cắm đầu chạy”.
Một người bạn của tôi với hơn 10 năm làm giáo viên hợp đồng đã không thể nào thực hiện được lời hứa với cô con gái rằng “con đậu cấp 3 mẹ sẽ mua máy tính xách tay cho con”.
Bởi mức lương ba cọc ba đồng của một giáo viên hợp đồng cấp hai khiến đời sống gia đình không thoát khỏi cảnh thiếu thốn đủ bề.
Vậy là họ nghĩ rằng, khi vào được biên chế sẽ ổn định hơn. Còn người đã ở trong biên chế thì “vỡ mộng” bởi bao khát khao, cống hiến cả trí lực, tuổi thanh xuân của họ chỉ đổi lại một cuộc sống chật vật, phải “chia” con ra để gửi về nhờ ông bà nuôi giúp như một cô bạn giáo viên của tôi.
Vì sao phải “chạy”?
Có những lý do sau đây mà giáo viên hợp đồng phải tìm đủ mọi cách để “chạy” vào biên chế:
Công việc thiếu ổn định
Là giáo viên hợp đồng thì luôn phải đứng trước sự lo lắng, khi nào thì mình thất nghiệp? Hiện nay tỉ lệ giáo viên thất nghiệp khá cao.
Tôi ủng hộ chủ trương bỏ biên chế của Bộ trưởng Nhạ |
Ngoài diện biên chế, thì các Trường thường sẽ ký hợp đồng thỉnh giảng đối với các giáo viên.
Hợp đồng thỉnh giảng đó chỉ ký khi có nhu cầu theo từng học kỳ, từng năm học.
Năm nay có thể ký, nhưng năm sau nếu đã phân bổ đủ số giờ dạy cho các giáo viên thuộc diện biên chế thì sẽ ngừng ký hợp đồng thỉnh giảng.
Khi đó các thầy, cô giáo đang làm việc dưới dạng giáo viên hợp đồng sẽ bị mất việc.
Mức thu nhập quá thấp
Hầu hết giáo viên hợp đồng không có lương hàng tháng cố định. Mức thu nhập họ nhận được được tính theo giờ dạy. Vì vậy sự ổn định là không có.
Mức thu nhập đã thấp lại thêm bấp bênh. Kèm theo đó, thông thường giáo viên hợp đồng thường không được thưởng trong các dịp lễ, tết hoặc nếu có thì rất thấp (thường là phần chia sẻ của công đoàn hoặc các giáo viên biên chế trong trường).
“Mất” hết quyền lợi
Đa số giáo viên ký hợp đồng thỉnh giảng (giáo viên hợp đồng) sẽ không được người sử dụng lao động (các Trường) đóng bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, các chế độ về bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thôi việc,… là không có. Các vấn đề về quyền lợi khi ốm đau, sinh đẻ không được đảm bảo.
Không ít giáo viên đã từng phải thốt lên “đau nhưng không dám đi viện”. Vì tiền đâu mà khám, chữa bệnh khi không hề có bảo hiểm y tế để giảm bớt đi gánh nặng khi đau ốm.
Ngoài ra thì vấn đề bổ nhiệm đảm bảo các chức vụ sẽ rất hạn chế so với giáo viên thuộc diện biên chế.
Không đủ sống làm sao cống hiến cho nghề?
Từ những thiệt thòi đó để thấy rằng, đời sống của nghề giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng còn quá thấp và bấp bênh.
Vẫn biết nghề giáo là nghề cao quý, rất ít người theo nghề để đạt mục tiêu làm giàu từ nghề.
Nhưng nếu đời sống không được đảm bảo, họ không sống được bằng nghề thì làm sao có thể cống hiến cho nghề?
Nhiều người bạn làm giáo viên của tôi đã phải bươn chải bằng đủ thứ nghề để có thể nuôi bản thân và gia đình.
Có người ban ngày đi dạy, đêm về đi chở nước mắm thuê đã từng thở dài tâm sự với tôi rằng: “Mình yêu nghề lắm, nhưng không biết có thể bám trụ được bao lâu”.
Đó là câu hỏi nhói lòng của rất nhiều người thầy, người cô tâm huyết đứng trên bục giảng.
Thiết nghĩ, để có chất lượng giáo dục tốt thì phải có những giáo viên thực sự tâm huyết.
Điều đó chỉ có thể đạt được khi họ không bị gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” đè nặng trên vai.