Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Duy Thăng thông tin, hiện 29 địa phương đề nghị bổ sung 40.447 biên chế cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2018, bao gồm cả tăng biên chế do tăng dân số cơ học.
Ông Nguyễn Duy Thăng giải thích thêm: “Số đề nghị bổ sung 40.447 giáo viên là tổng hợp đề nghị của các địa phương, không phải Bộ Nội vụ đề nghị. Còn đề nghị đó có hợp lý hay không thì phải thẩm định lại.
Bây giờ để cho các địa phương, các bộ ngành đề nghị biên chế thì tôi dám chắc sẽ ào ạt. Nghị quyết 39 của Chính phủ năm 2015 về tinh giản biên chế gắn với đổi mới cơ cấu. Đối với giáo dục y tế có tăng giường bệnh, tăng học sinh thì có thể tăng biên chế nhưng phải kiểm soát chặt chẽ.
Nhưng đến kết luận số 17 của Bộ Chính trị năm 2017 thì không có ngoại lệ. Kể cả giáo dục có tăng học sinh, tăng trường lớp thì vẫn giảm biên chế. Giảm biên chế ở đây là giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Còn những đơn vị tự chủ thì ký hợp đồng thoải mái”.
Tuy nhiên, số lượng học sinh thì tăng mỗi năm nhưng lại phải giảm biên chế giáo viên, điều này là bức xúc của nhiều địa phương.
Cụ thể, ông Trần Hồng Quân - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau rất băn khoăn khi trường lớp, học sinh tăng lên còn biên chế giáo viên lại phải giảm số lượng theo từng năm.
Số lượng học sinh thì tăng mỗi năm nhưng lại phải giảm biên chế giáo viên, điều này là bức xúc của nhiều địa phương. (Ảnh minh họa: VTV.vn) |
Theo ông Quân, các địa phương hoàn toàn tán thành tinh giản biên chế. Nhưng thực tế ở địa phương, thực hiện vấn đề này nhiều khi như đánh đố. Biên chế giao cho ngành giáo dục của Cà Mau đã cách đây hơn 3 năm.
Trong khi mỗi năm tỉnh tăng 10.000 dân số tự nhiên. Thực hiện theo quy chế, tỉnh làm rất quyết liệt vấn đề hệ số giáo viên/lớp nhưng biên chế giáo viên vẫn tăng.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau thông tin, năm 2018 toàn tỉnh tăng 13.000 học sinh, do đó dù đã cố gắng trong 4 tháng qua giảm được hơn 150 điểm trường lẻ nhưng cuối cùng con số biên chế vẫn tăng.
“Chúng tôi đã phải giảm biên chế bằng cách cứ 2-3 trường mới có 1 kế toán, nhân viên y tế học đường đã giảm hết nhưng do dân cư ở Cà Mau không sống tập trung nên buộc phải quy định hơn 7km mới cho xây dựng điểm lẻ. Trong khi, vùng sông nước đi 7km thì không phải là chuyện dễ dàng”, ông Quân nói.
Từ đó, ông Trần Hồng Quân bày tỏ: “Địa phương đã làm hết mình nhưng cả tỉnh chỉ có khoảng 2.000 biên chế của các ngành sự nghiệp khác trong khối nhà nước, nhu cầu có 18.000 biên chế của ngành giáo dục , 6.000 của ngành y tế. Nên không thể nói giảm các ngành khác được.
Cũng không thể không hợp đồng giáo viên vì có học sinh, có trường lớp không thể không có giáo viên do đó hợp đồng mà bị phê bình, kỷ luật chúng tôi cũng phải chịu”.
“Năm nào chúng tôi cũng trình biên chế ngành giáo dục để Bộ Nội vụ thẩm định. Nhưng năm nào bộ cũng kéo xuống chứ không tăng lên”, ông Quân nói.
Cũng giống như tỉnh Cà Mau, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, cái khó của địa phương hiện nay là trường lớp xây không kịp với tốc độ tăng dân số.
Cụ thể năm học 2018, cả tỉnh tăng khoảng 20.000 học sinh, riêng thành phố Biên Hòa tăng 8.000 học sinh nên trường vừa xây xong lại quá tải, thậm chí, tỉnh vẫn còn tình trạng học sinh phải học ca 3.
Từ đó, vị này đề xuất, tinh giản biên chế trong giáo dục phải có lộ trình, không thể cào bằng.
“Học sinh tăng mà giáo viên không tăng, tôi e là sau vài năm nữa chúng ta lại phải đi xóa mù chữ vì học trò đi học mà không có thầy dạy”, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khuyến cáo.