Theo Luật Tiếp công dân quy định, Chủ tịch tỉnh phải tiếp dân ít nhất một tháng một ngày. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Ban Dân nguyện (trực thuộc Ủy ban thường Vụ Quốc hội) chỉ có Chủ tịch 3 tỉnh thực hiện đúng quy định này, còn lại thiếu.
Thậm chí, có Chủ tịch tỉnh từ đầu năm đến kỳ họp Quốc hội thứ 6, khóa 14 (vào tháng 11) vẫn chưa tiếp dân.
Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Chủ tịch tỉnh không chịu tiếp dân là không được”.
Ông Lê Văn Cuông (ảnh báo VOV). |
Theo ông Cuông, vấn đề tiếp công dân không những thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với công dân mà đó là điều kiện để cán bộ được tiếp cận với người dân, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết các vấn đề người dân yêu cầu.
Việc tiếp dân là thực hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cho nên, vấn đề tiếp công dân không phải tình cảm mà còn trách nhiệm.
Qua tiếp dân cán bộ sẽ nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của công dân để có ý kiến lên cấp trên hoặc để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế của người dân.
Dân tố với ông Lưu Bình Nhưỡng, có Chủ tịch tỉnh tiếp dân 9 phút rồi đi nhậu |
Ông Cuông nhấn mạnh: “Tiếp dân là phương pháp làm việc thực hiện bản chất nhà nước của dân. Đây là trách nhiệm vừa là cái tâm của người lãnh đạo trong quá trình phục vụ người dân.
Một cán bộ của nhà nước của dân thì phải phục vụ nhân dân, gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Trên thực tế, nhiều vị cán bộ có biểu hiện xa dân, vô cảm trước nỗi đau, mất mát, oan sai của người dân nên buộc nhà nước phải có quy định pháp luật về tiếp công dân”.
Cũng theo ông Lê Văn Cuông, pháp luật đã ban hành thì bắt buộc Chủ tịch tỉnh phải nghiêm chỉnh chấp hành chứ không phải muốn hay không muốn thực hiện.
Cái kiểu thích thì tiếp không thích thì thôi là không được.
Đã là người cán bộ đứng đầu tỉnh thì phải gương mẫu thực thi pháp luật. Người dân đều thấy được quy định pháp luật về tiếp công dân rõ ràng minh bạch, chủ tịch tỉnh ít nhất một tháng phải có một ngày tiếp công dân.
“Chủ tịch tỉnh là người đứng đầu địa phương rồi, đáng lẽ nhận thức sâu sắc và gương mẫu thực thi pháp luật.
Nhưng mà có bộ phận vi phạm pháp luật, không tiếp công dân thường xuyên là không thể chấp nhận được.
Ngay cả đối tượng là cấp huyện, cấp xã cũng không thể chấp nhận chứ đừng nói lãnh đạo cấp tĩnh mà như thế” – ông Cuông nói và cho rằng: “Lãnh đạo tỉnh như vậy thì làm sao làm gương cho cấp huyện, cấp xã được.
Làm sao nói, chỉ đạo hay xử lý được cấp dưới khi họ không tiếp công dân. Bản thân người đứng đầu tỉnh không gương mẫu thì làm sao nói được cấp dưới”.
Phân tích nguyên nhân không tiếp dân đúng theo quy định của pháp luật của nhiều Chủ tịch tỉnh, ông Cuông cho rằng điều này xuất phát từ nhiều lý do.
Hãy nghĩ cho dân, đừng lo áp lực, quá tải cho cơ quan nhà nước! |
Theo đó, thực trạng này có phần xuất phát từ thái độ, nhận thức về trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh với dân là không tốt.
Nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh đối với việc tiếp công dân bị xem nhẹ cho nên không thực hiện và từ đó đùn đẩy cho cấp dưới làm.
“Vì mình là người cao nhất tỉnh nên phân công đùn đẩy được cho cấp dưới. Đây là nhận thức không đứng đắn cái này thể hiện cái xem thường dân” – ông Cuông đánh giá.
Cũng theo vị này, việc không tiếp dân đúng theo quy định có phần từ tâm lý sợ dân. Lý do sợ dân có thể do từng xử lý sai hoặc không nắm tốt được pháp luật.
Trong trường hợp này, những cán bộ này sợ gặp dân vì không biết giải thích như thế nào, ăn nói với dân ra sao.
Đây là biểu hiện của sự yếu kém về chuyên môn pháp luật hay cố tình giấu giếm do làm sai, sợ dân vặn vẹo.
Một lý do nữa theo ông Cuông đó là việc do công việc đột xuất hay lý do nào đó mà không tiếp đủ số ngày quy định.
Nhưng ông Cuông cho rằng, không thể tháng nào Chủ tịch tỉnh cũng bận bịu đến thế. Nếu là vị có ý thức về tiếp công dân thì họ sẽ bố trị một lịch khác thay thế và công bố rộng rãi cho người dân.
Ông Cuông nêu ý kiến: “Những người tiếp dân không thường xuyên hay đặc biệt không tiếp dân lần nào trong năm cần thiết phải có chế tài xử lý.
Có như thế pháp luật mới đi vào cuộc sống được. Nếu không pháp luật chỉ dành cho một số người chứ Chủ tịch tỉnh lại đứng ngoài pháp luật.
"Nhà nước của dân, cớ sao không báo cáo đầy đủ cho dân biết?" |
Phải xử lý để đề cao nhà nước pháp quyền. Người lãnh đạo đứng đầu tỉnh không căn cứ vào pháp luật, không gương mẫu thì nói với dân như thế nào”.
Để khắc phục tình trạng này, ông Lê Văn Cuông đề xuất giải pháp, trước hết cơ quan chức năng cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, phát hiện kịp thời các trường hợp Chủ tịch tỉnh không tiếp công dân.
Phải thống kê, tổng hợp lại nêu công khai Chủ tịch tỉnh nào tiếp dân không đúng quy định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Ban dân nguyện giám sát vấn đề này, hàng tháng theo dõi 63 tỉnh thành xem lịch tiếp công dân từng tỉnh thế nào.
Hàng tháng, đoàn đại biểu Quốc hội từng tỉnh theo dõi báo về ban dân nguyện việc giám sát tiếp dân của Chủ tịch tỉnh.
Cuối cùng ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Tôi nghĩ, phải có tính giải pháp mạnh mẽ để khắc phụ tình trạng này.
Qua theo dõi tôi thấy có đại biểu nêu gay gắt nếu không tiếp dân đừng làm Chủ tịch tỉnh rất mạnh đấy nhưng mà nói không có chế tài để giám sát, theo dõi thì khó để các Chủ tịch tỉnh thực hiện nghiêm túc, chuyển biến.
Do đó, cần có giải pháp chế tài căn cơ mới đưa việc tiếp công dân của Chủ tịch tỉnh vào nề nếp, chất lượng theo nguyện vọng của cử tri”.