LTS: Chủ đề về các hình thức tố cáo được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết dưới góc nhìn của Đại tá Nguyễn Huy Viện về vấn đề này.
Dự kiến vào ngày 12/6 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Trước đó thì vào ngày 24/5, các đại biểu đã thảo luận về dự án luật này, trong đó có một vấn đề rất đáng chú ý là nên hay không mở rộng các hình thức tố cáo mới qua fax, email, điện thoại…?
Ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An là người đề nghị bỏ quy định cho phép công dân tố cáo qua điện thoại, email.
Ông Mão lập luận, rằng nếu mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, thư điện tử sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng dân chủ tố cáo tràn lan, gây quá tải cho cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu phải đầu tư nguồn lực rất lớn.
Ông cho biết: “Trong 15 năm thực hiện công tác tiếp dân tôi thấy rằng chỉ một cú điện thoại mà huy động hết cơ quan tổ chức liên quan hay một tin nhắn cũng cần thời gian dài xác minh để xác minh tố cáo đúng hay sai thì vô cùng khó khăn và tạo áp lực rất lớn, đòi hỏi đầu tư nguồn lực rất lớn để thực hiện”.
Các đại biểu Quốc hội bàn luận sôi nổi về quy định các hình thức tố cáo trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Ảnh: Vov.vn |
Từ lập luận đó, ông Mão đề nghị giữ nguyên 2 hình thức tố cáo như hiện nay (tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp) để đảm bảo tính khả thi và ràng buộc trách nhiệm các bên liên quan. (1)
Cùng quan điểm với Đại biểu Trần Văn Mão, Đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa - Vũng Tàu), đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như hiện hành gồm bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Ông Cúc cho rằng: “Thêm hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, quá tải cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm người tố cáo sai sự thật”. (2)
Khi nghe nội dung thảo luận trên đây, có lẽ cử tri cả nước sẽ bất ngờ về quan điểm của đại biểu Cúc và đại biểu Mão, bởi trong thời đại 4.0, từ Quốc hội, tới Chính phủ, đến các cấp các ngành đều hô hào xây dựng nhà nước điện tử, chính phủ điện tử ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
"Chúng ta ăn lương do dân góp thì phải giải quyết mọi yêu cầu của dân" |
Một trong những mục tiêu hàng đầu của chủ trương này là kịp thời nghe được tiếng nói của người dân, phục vụ người dân đầy đủ và nhanh chóng nhất.
Ấy vậy mà hai đại biểu của dân lại sợ dân “lợi dụng dân chủ tố cáo tràn lan”, “gây quá tải cho cơ quan quản lý nhà nước” và “tố cáo đúng hay sai thì vô cùng khó khăn và tạo áp lực rất lớn”.
Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng dạy: "Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra" (3).
Và Đảng ta cũng đã có những nghị quyết, chỉ thị về phát huy tối đa quyền dân chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, chống xâm phạm quyền lợi của nhân dân.
Nhưng thật là kỳ lạ là có người lại sợ dân “lợi dụng dân chủ tối cáo tràn lan”, sợ “gây quá tải cho cơ quan quản lý nhà nước”, sợ “tố cáo đúng hay sai thì vô cùng khó khăn và tạo áp lực rất lớn”.
Xin nói thêm, tại điểm 1 và điểm 2 Điều 79, Hiến pháp hiện hành của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:
“1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước.
2. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội;… trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”.
Từ lâu, nhiều các địa phương, các bộ ngành và ngay cả các doanh nghiệp tư nhân cũng đã lập đường dây điện thoại nóng để người dân kịp thời phản ánh hành vi sai trái, tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức cùng những người làm công ăn lương (trong doanh nghiệp tư nhân) và đã mang lại hiệu quả rất tốt.
Hình thức này vừa kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực vừa cảnh báo, răn đe cán bộ, công chức, viên chức cũng như những người làm công ăn lương trong thực thi nhiệm vụ, thực thi công việc.
Mặt khác, trong những năm gần đây, phần lớn các vụ tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí phát hiện là nhờ phản ánh của nhân dân qua đường dây điện thoại nóng.
Từ hiệu quả đó, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, đã quy định cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại và tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật.
Chẳng lẽ đến lúc này mà vẫn có đại biểu không biết được ứng dụng và hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin phục vụ cho việc tố cáo của người dân?
Nếu biết tại sao các vị lại đề nghị không mở rộng các hình thức tố cáo mới qua fax, email, điện thoại… mà chỉ đề nghị giữ hai hình thức tố cáo cổ điển bằng văn bản và bằng lời nói?
Không chỉ có vậy, việc bảo vệ người tố cáo là nội dung quan trọng của Dự thảo Luật tố cáo.
Qua thảo luận các Đại biểu Quốc hội đều cho rằng đây là vấn đề rất khó, vì bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và bảo vệ cả những người thân thích của họ không phải là việc đơn giản.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ủng hộ các hình thức tố cáo mới qua fax, email, điện thoại. Ảnh: Quochoi.vn |
Bởi vậy, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bến Tre), cho rằng: Việc người dân mong muốn sử dụng các hình thức tố cáo mới là để hạn chế “phơi bày” bản thân họ ra vì cơ chế bảo vệ của chúng ta đối với người dân chưa hoàn hảo.
Cho nên Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hết sức ủng hộ hình thức mới như tố cáo qua fax, email, điện thoại, và cho rằng khi có nhiều hình thức hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở thời đại 4.0 thì bắt buộc phải tận dụng lợi thế của 4.0 chứ không thể quay về thời kỳ “0.4” được.
Chúng ta đang mong muốn người dân giúp cho Nhà nước để làm trong sạch bộ máy mà bây giờ ngăn lại, be bờ đắp đập thì khác nào làm cho người dân không ủng hộ cho việc làm trong sạch bộ máy nhà nước”.(4)
Khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng |
Trước những đề xuất xuất phát từ “ngại khó” của hai Đại biểu Trần Văn Mão và Phạm Đình Cúc, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An), cho rằng: Công chức Nhà nước nếu nói sòng phẳng là ăn lương nhà nước từ thuế của dân đóng thì yêu cầu của dân phải làm.
Ông Cầu nhấn mạnh: “Không phải khó quá thì không làm, nếu thế thì còn nói gì nữa.
Tôi nghĩ tại sao Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 tiến bộ thế mà không kế thừa mà lại bỏ đi.
Tôi nghĩ để người dân thực hiện quyền Hiến định chứ không phải vì khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước mà ta chọn việc dễ để làm, còn việc khó thì không.” (5)
Có lẽ ý kiến phản biện của hai Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu là hết sức thoả đáng và thuyết phục và sẽ nhận được sự ủng hộ từ cử tri.
Chỉ mong rằng các Đại biểu Quốc hội có tầm tư duy và trách nhiệm cũng sẽ ủng hộ quan điểm của ông Nhưỡng, ông Cầu, xứng đáng là đại biểu của nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
(3).http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bac-Ho-noi-Dan-chu-la-de-lam-sao-cho-dan-duoc-mo-mieng-ra-post165796.gd