Câu chuyện triết lý giáo dục đã làm tốn hao khá nhiều giấy mực, nhưng đến nay chưa có hồi kết và vẫn đang còn nhiều ý kiến bàn luận của các nhà khoa học làm phong phú, hoàn thiện hơn hệ thống tư tưởng cũng như lý luận của triết lý giáo dục.
Chính những quan điểm, ý kiến đó đã giúp khai sáng cho giáo viên, giúp người giáo viên có thể phát triển và biết sử dụng triết lý giáo dục vào thực tiễn công tác dạy học ở các nhà trường.
Tuy nhiên, dưới góc độ của một người đứng lớp, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) hi vọng: “Chúng tôi mong chờ một triết lý giáo dục đầy nhân văn, một chủ trương giáo dục đầy tinh thần dân chủ, yêu thương, tôn trọng tự do và tôn trọng nhân phẩm của người học, người dạy.
Đặc biệt, triết lý giáo dục đó phải làm sáng tỏ quan niệm cơ bản về giáo dục như: Những nguyên lý cơ bản của giáo dục, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, các hoạt động tổ chức dạy và học...
Đồng thời có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, làm nền tảng để giải quyết những vấn đề của giáo dục Việt Nam”.
Theo Thạc sĩ Đặng Danh Hướng, muốn triết lý giáo dục phù hợp với yêu cầu của Việt Nam thì chúng ta phải đặt mục tiêu trang bị cho học sinh khả năng tư duy và phán đoán một cách độc lập. (Ảnh minh họa: Nguyễn Quốc Vương) |
Hơn nữa, thầy Hướng khẳng định một điều rằng, triết lý giáo dục đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu dưới 2 hình thức (triết lý giáo dục bản địa và triết lý giáo dục ngoại nhập) nhưng các công trình nhận định về triết lý giáo dục chưa phản ánh đầy đủ về nền giáo dục nước ta.
Bởi các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tiến hành đồng loạt, áp đặt một chiều, chưa tôn trọng sự khác biệt của từng học sinh, cũng như chưa tạo ra được môi trường yêu thương trong nhà trường.
Chia sẻ cụ thể về triết lý giáo dục tồn tại ở Việt Nam, thầy Hướng chỉ rõ, triết lý giáo dục bản địa xuất hiện từ thời phong kiến, lúc bấy giờ mục đích chỉ là đào tạo ra những con người an thân thủ phận, tuân theo triệt để giai cấp thống trị.
Đến cuối thế kỷ XIX, thế kỷ XX triết lý giáo dục Việt Nam nhằm mục đích hình thành hệ giá trị của từng người, có hiểu biết, có thái độ đúng, đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo đảm cuộc sống cũng như trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội hay đúng hơn là đào tạo ra những con người “vừa hồng vừa chuyên”.
Bước sang thế kỷ XXI trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, triết lý giáo dục của Việt Nam nhằm mục đích giáo dục toàn diện...
Về triết lý giáo dục ngoại nhập được du nhập và có sức ảnh hưởng lớn đến giáo dục Việt Nam tiêu biểu như: Rousseau, Montessori, Jean Piaget, Howard Gardner...
Ngoài ra, thầy Hướng cũng cho rằng, vì chưa đưa ra định hướng triết lý giáo dục rõ ràng đã làm cho hệ thống giáo dục rơi vào tình trạng rối ren, mất phương hướng.
Chính vì vậy, thầy Hướng quan điểm, muốn triết lý giáo dục phù hợp với yêu cầu của Việt Nam trong thời đại hiện nay cũng như xã hội tương lai thì chúng ta phải đặt mục tiêu trang bị cho học sinh khả năng tư duy và phán đoán một cách độc lập.
Tránh tình trạng chúng ta lại suy nghĩ thay, sắp xếp thay cho các em đến từng chi tiết.
Ví dụ: hiện nay nhiều thầy cô khi dạy thao giảng, thì cho học sinh học thuộc kịch bản trước, khi đến tiết thao giảng các em chỉ cần diễn lại và kết thúc tiết học nhiều em đã không nắm được kiến thức của bài học.
Do đó, chúng ta phải tìm ra phương pháp phát triển học sinh một cách toàn diện theo đặc điểm tâm thể lý của từng học sinh.
Giúp học sinh trưởng thành độc lập trong tư duy, trong phán đoán, có thói quen sáng tạo, phát minh, phát kiến nhằm thúc đẩy sự thay đổi xã hội.
Khi xác định được triết lý giáo dục như vậy sẽ định hướng cho những người tham gia hoạt động giáo dục và cả hệ thống theo đuổi mục tiêu này bằng cách không áp đặt giáo dục và coi trọng sự phát huy tính tích cực, tư duy sáng tạo của người học.
Giáo dục đúng đắn là phải làm cho người học được tự do phát triển mọi mặt của nhân cách để trở thành con người làm chủ được bản thân.
"Giáo dục phù hợp với từng người cần phải tạo động lực để thúc đẩy người học hoạt động.
Việc “lấy người học làm trung tâm” cần được coi là nguyên tắc tổ chức giảng dạy, nguyên tắc hoạch định các chính sách liên quan đến giáo dục.
Đồng thời, không được nhồi nhét kiến thức cho người học vì điều này chỉ làm đầu óc của người học thêm u mê và mệt mỏi đến tê liệt", thầy Hướng nhấn mạnh.