LTS: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 khiến dư luận hoang mang vì những tiêu cực xảy ra ở tỉnh Hà Giang và Sơn La.
Hôm nay trong bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA- Nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục (Đại học Newcatsle, Australia) có một vài chia sẻ về nguồn cơn gây ra tiêu cực giáo dục thời gian qua đồng thời đưa ra một số giải pháp căn cơ.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của tác giả.
Tiêu cực nảy sinh từ thói háo danh, bằng cấp!
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 đã rúng động xã hội vì những tiêu cực xảy ra ở tỉnh Hà Giang và Sơn La.
Thủ phạm là những người “cầm cân nảy mực” của ngành giáo dục tại những địa phương này.
Có thể thấy tiêu cực trong thi cử lần này có tính tổ chức và mang tính hệ thống vì vậy khiến xã hội hoang mang và khủng hoảng niềm tin đối với nền giáo dục nước nhà.
Một câu hỏi đặt ra với một kỳ thi được đánh giá là tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ được sự hỗ trợ của công nghệ và quan trọng hơn là được cả xã hội quan tâm và giám sát như vậy tại sao tiêu cực vẫn có thể xảy ra?
Và liệu một kỳ thi chặt chẽ và được cả nước quan tâm như hiện nay vẫn có tiêu cực xảy ra thì những kỳ thi trước đây liệu có tiêu cực?
Suốt hàng chục năm qua liệu có những kẻ “tú tài rởm” đã lọt qua được cửa hẹp này để leo chân vào những vị trí cao trong xã hội?
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và “giáo dục là quốc sách hàng đầu” những triết lý đó đã là kim chỉ nam cho nước ta thúc đẩy xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước.
Nhưng thực tế với những tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục nước nhà hiện nay chúng ta không thể không đặt câu hỏi do đâu và vì đâu những tiêu cực đó vẫn tồn tại dai dẳng trong nền giáo dục nước nhà suốt thời gian qua?.
Điểm lại lịch sử giáo dục nước nhà tiêu cực trong thi cử không phải là một hiện tượng mới nảy sinh mới đây mà nó đã xuất hiện từ trong thời kỳ chế độ phong kiến.
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA- Nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục (Đại học Newcatsle, Australia) (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Nhìn lại lịch sử phát triển giáo dục nước ta có thể thấy trong suốt chiều dài phát triển khoa bảng đã không ít lần trong các kỳ thi tuyển chọn hiền tài của nhà nước phong kiến đã xảy ra tiêu cực.
Thậm chí, liên quan tới cả những vị quan được xã hội trọng vọng.
Năm 1963, tại kỳ thi Hương, Tham chính xứ Thanh Hoa là Vũ Vĩnh Hồi cùng chú là Vũ Bật Hài “ăn tiền bạc, gửi gắm sĩ tử trong bốn kỳ thi”.
Ngô Sách Dụ là Phủ Doãn Phụng Thiên coi việc trường thi, ngầm đem sách vở văn cũ vào trường, cho người nhà viết thay quyển thi, trà trộn đưa vào chấm lấy đỗ để chiếu theo giá đã định trước.
Năm 1696, Ngô Sách Tuân đương giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa.
Vì nhận sự gửi gắm của quan Tham tụng Lê Hy, Ngô Sách Tuân đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng của các con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ.
Trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về tiêu cực thi cử tại Hà Giang, Sơn La |
Năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội thời vua Lê Hiển Tông, Lê Quý Kiệt, con trai của nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn (bấy giờ là đại thần của chúa Trịnh Sâm) đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác là Đinh Thì Trung.
Năm 1841, khoa thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 người.
Đầu thế kỷ 20, có tên Lê Tấn đã thuê người thi hộ mà đỗ cử nhân.
Qua đó có thể thấy tiêu cực trong khoa cử ở Việt nam xuất hiện mang tính liên tục từ thế kỷ 17, 18, 19 đến 20.
Và thế kỷ 21 này chúng ta lại chứng kiến vụ gian lận trong thi cử làm rúng động cả xã hội liên quan tới cả những người có chức quyền trong ngành giáo dục.
Việt Nam ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng nho giáo của Trung Hoa suốt hàng ngàn năm. Nền giáo dục nho giáo lấy khoa cử để tuyển chọn hiền tài mà không xem trọng các năng lực khác của cá nhân.
Giáo dục nho giáo coi trọng kẻ sỹ và xem con đường khoa cử là con đường tiến thân duy nhất.
Giáo dục nho giáo xem trọng danh hão mà không chú trọng thực lực, đánh giá cá nhân qua bằng cấp chứ không qua năng lực cá nhân.
Vì vậy như một hệ quả, trong xã hội hiện nay không ít phụ huynh vì muốn con mình sau thành ông này bà kia mà ép con phải học đại học bằng mọi giá, con không học được thì tìm cách mua điểm, chạy điểm, chạy trường, chạy lớp.
Cũng vì trọng bằng cấp cho nên để được làm quan không ít kẻ đã bán rẻ lương tâm và đạo đức của mình để chạy chọt, luồn lách, mua bán để có bằng cấp này, bằng cấp kia.
Thậm chí dùng bằng giả để thăng quan tiến chức.
Không ít lần lối giáo dục khoa cử và trọng bằng cấp này đã từng bị lên án mạnh mẽ bởi các trí thức yêu nước trong nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục vào những năm đầu thế kỷ 20.
Họ cho rằng nên bỏ sạch lối học để thi đỗ làm chức này tước nọ, lối thi rất nghiêm khắc chỉ tìm ra được những “mọt sách”.
Ngay thầy Dương Bá Trạc trong nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục đã từng nói với học trò mình rằng: “Anh còn muốn cái cử nhân ư? Này! Tôi bán cho anh một xu thôi”.
Dạy học đề cao kỹ năng và tư duy phản biện
Tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 là hồi chuông cảnh báo cho sự tồn tại tư duy giáo dục trọng bằng cấp và khoa cử hiện nay ở Viêt Nam.
Mặc dù chúng ta đã trải qua không ít lần cải cách giáo dục, thâm chí Đảng đã phải đề ra chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, sau 7 năm thực thi đường lối đổi mới này nền giáo dục chúng ta dường như vẫn chưa có những chuyến biến tích cực, mà đâu đó nhiều tiêu cực được sinh sôi.
Vi phạm nghiêm trọng tại Sơn La, nhiều cán bộ Sở Giáo dục có liên quan |
Những tiêu cực điển hình từ giáo viên quỳ gối, trò đâm thầy, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, cô dạy không nói tiếng nào đến gian lận trong thi cử...
Nhưng điều có thể thấy rõ nhất trong thực trang giáo dục Việt Nam hiện nay là tư duy dạy và học để phục vụ cho những kỳ thi vẫn ăn sâu trong tiềm thức của cả người dạy lẫn người học.
Quan niệm học để làm quan, học để thành ông này bà kia theo tư tưởng nho giáo lỗi thời của Trung Hoa vẫn ngự trị trong tâm lý xã hội của Việt Nam hiện nay.
Vì vậy đã đến lúc chúng ta cần có một cuộc cách mạng triệt để về tư duy dạy và học. Mà để thực thi cuộc cách mạng này nhất định cần phải có một triết lý giáo dục soi đường chỉ lối.
Đã từ lâu cụm từ giáo dục khai phóng (Liberal Education) đã được nhiều nền giáo dục tiến bộ xem nó như là một triết lý cho việc xây dựng một nền giáo dục hiện đại.
Mục đích của nền giáo dục khai phóng là cung cấp cho cá nhân một nền tảng kiến thức sâu rộng, những kỹ năng sống và những hiểu biết về các giá trị văn hóa, đạo đức mà các cá nhân đó có thể can dự vào đời sống xã hội với tư cách là một công dân.
Sứ mệnh của nền giáo dục khai phóng hướng tới không gì khác là phải tạo ra được những con người thật sự tự do và độc lập.
Tư do và độc lập trong tư duy và suy nghĩ, tự do và độc lập trong hành động và việc làm mà không bị chi phối bởi bất kỳ định kiến, đức tin hay tư tưởng nào.
Có nghĩa là cá nhân đó đủ năng lực nhận thức, đủ kiến thức, đủ trí tuệ và kỷ năng để làm chủ sự tự do và độc lập của chính mình hay nói cách khác các nhân đó có thể làm chủ chính cuộc sống mình và kiến tạo tương lai cho chính mình.
Đó là những con người có tư duy mở, biết thách thức tất cả những định kiến, những rào chắn, giáo điều trong tư tưởng, đức tin ; tự ý thức được quan điểm và đánh giá của mình, hiểu rõ vai trò của mình trong xã hội.
Phương pháp giáo dục khai phóng lấy người học làm trung tâm và trao quyền cho người học.
Đó là tạo động lực học, năng lực tự học của người học, cách suy nghĩ chín chắn, cách giao tiếp thành thạo, cách thuyết phục, cách nhìn nhận trách nhiệm của mình với xã hội từ đó hành động như một công dân “có ích”.
Trao cho người học những kỷ năng hướng tới để người học có thể tự học và tự hoàn thiện cá suốt đời.
Trong nền giáo dục khai phóng nó không đề cao hay xem nhẹ môn học nào. Vì tất cả các môn học đều góp phần vào quá trình phát triển hoàn thiện trí năng toàn diện của cá nhân.
Giáo dục khai phóng không chỉ thúc đẩy phát triển tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, hoàn thiện nhân cách mà còn hình thành nên những kỷ năng sống và tồn tại trong một xã hội đầy biến động và phức tạp chứ nó không đơn thuần hướng tới giúp cá nhân để đạt được một loại bằng cấp hay sự tôn vinh nào đó.
Để hạn chế tiêu cực trong giáo dục không có con đường nào khác đó là xóa bỏ tư duy học vì điểm số, học vì thi cử và học để làm quan.
Chúng ta cần phải hướng tới để xây dựng một nền giáo dục khai phóng nơi mà học sinh tới trường không chỉ để được vui chơi, được thỏa sức theo đuổi đam mê, phát triển năng lực và hoàn thiện nhân cách của mình mà còn được cung cấp những kỷ năng sống và tồn tại trong xã hội đầy biến động và phức tạp này chứ không phải là nơi nhồi sọ kiến thức, áp đặt cách nghĩ, cách tư duy khiến cho chúng lo lắng và đầy sợ hãi.
Vì những thành tích ảo của thầy cô và nhà trường và học chỉ phục vụ cho những kỳ thi đầy may rủi.
Phụ huynh và học sinh nên nhận thức được rằng đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất, còn có nhiều con đường khác để chúng ta gặt hái thành công.
Thực tế, ở các quốc gia phát triển họ chú trong tới giáo dục nghề nghiệp từ sớm vì vậy học sinh lên cấp 3 đã có thể tự lựa chọn cho mình một nghề nghiệp để theo đuổi và sau này nếu học sinh muốn học đại học chúng có thể học chuyển tiếp hoặc học liên thông.
Tỷ lệ học sinh đi vào con đường đại học chỉ chiếm 30 đến 35 phần trăm ở những quốc gia phát triển như Đức, Úc hay Singapore.