LTS: Trong bài viết này, nhà giáo Đăng Bình phản ánh thực tế về những danh hiệu giáo viên giỏi và sự tín nhiệm của học trò với những giáo viên giỏi thực sự.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong các trường học, hiện vẫn có hai danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Thầy cô mang danh hiệu giáo viên dạy giỏi luôn được xuất hiện trong các báo cáo của trường (là những giáo viên được công nhận trong các hội thi) với giáo viên dạy giỏi tự phong (có thể đồng nghiệp hoặc chính phụ huynh công nhận).
Thế nhưng chất lượng của hai danh hiệu dạy giỏi này đôi khi lại hoàn toàn khác xa nhau.
Có điều gì mâu thuẫn ở đây? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc câu chuyện về những con người thật (nhưng xin phép được giấu tên vì nhiều lý do tế nhị) để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn.
Có những giáo viên không được danh hiệu nào nhưng được cả phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp nể trọng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Những giáo viên dạy giỏi từ trong các hội thi
Cô L. hiện mang trên mình khá nhiều danh hiệu (giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện) thế nhưng lớp 1 cô làm chủ nhiệm năm học vừa qua chất lượng bết bát nhất khối.
Đầu năm nhận lớp, cô N. tự làm cuộc sát hạch (theo quy định nhà trường không được phép kiểm tra chất lượng đầu vào tránh gây áp lực cho học sinh).
Theo cô N. kể, mình hoàn toàn sốc khi trong lớp có đến 7 học sinh không biết đọc, 6 em đọc khá yếu, 19 em viết chính tả nghe đọc chỉ đạt từ 0-4 điểm.
Chuyện lớp của cô L. học yếu thì cả trường đều biết vì nhiều lần đi dự giờ hoặc giáo viên dạy thay đều có nhận xét như thế nhưng yếu đến mức như cô N. phản ánh thì ai cũng ngạc nhiên.
Cô L. giải trình do học sinh quá yếu và phụ huynh lại không hợp tác mặc dù cô đã kèm học trò nhiệt tình và liên hệ với cha mẹ các em nhiều lần nhưng các em vẫn không tiến triển.
Nói là nói thế chứ cả trường ai chẳng biết cô L. không chăm học sinh. Giáo viên lớp 1 điều đầu tiên phải chịu khó và chăm học trò. Cô L. lại hoàn toàn ngược lại.
Một số thầy cô cho biết, họ thường xuyên bắt gặp cô L. ngồi trên bàn giáo viên khi thì lướt điện thoại, khi thì viết lách gì đấy khá miệt mài.
Cô luôn ra bài và để tự các em học mà không có sự giám sát chặt chẽ.
Với những học sinh yếu kém, chậm nhận thức, cô L. cũng không dành thời gian kèm thêm như một số giáo viên khác vẫn làm.
Không nhiệt tình dạy nhưng được cái cô rất nhiệt tình tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi (từ hội thi giáo viên dạy giỏi trường, huyện, tỉnh đến hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp).
Và bao giờ cũng thế, cô luôn đạt kết quả khá cao trong các hội thi ấy.
Những lần cô mải tham gia các hội thi, lớp học do cô làm chủ nhiệm bỏ bê ít người chăm sóc. Giáo viên trong trường được cử thay nhau hỗ trợ, thế nhưng họ chỉ dạy hết tiết là bước ra. Vắng cô chủ nhiệm lâu ngày, nhiều em học hành chểnh mảng cũng là điều dễ hiểu.
Những giáo viên dạy giỏi tự phong
Những giáo viên dạy giỏi do đồng nghiệp hoặc phụ huynh tự phong phần lớn không thích thành tích, không ham danh vọng, chỉ một điều phấn đấu lớp học không còn học sinh yếu, kém và học sinh giỏi phải thật sự giỏi.
Bởi lẽ đó, bao công sức các thầy cô này đều dồn hết cho học sinh.
Điển hình là cô M. giáo viên một trường tiểu học. Giáo viên trong trường ai cũng thích bắt thăm được cái lớp do cô dạy năm trước.
Nhiều đồng nghiệp nói rằng, lớp của cô ấy từ nề nếp đến chất lượng học tập cũng nổi trội hơn so với mặt bằng chung của toàn trường. Học sinh có lực học yếu nhất cũng biết đọc, biết viết dù chậm hơn các bạn.
Nên bỏ các cuộc thi kiểu Giáo viên giỏi và Dự giờ theo chuyên đề |
Bởi, ngoài việc cô kèm đặc biệt trong các giờ dạy, những lúc nghỉ tiết đôi khi giờ ra chơi cô còn cặm cụi bên các em để hướng dẫn, giảng giải cho các em học.
Không chỉ giáo viên ngay cả phụ huynh có con đi học cũng luôn ước ao con mình được học với cô M.
Khi hỏi cô “vì sao cô không thi giáo viên dạy giỏi?”, cô cười và cho rằng giáo viên dạy giỏi mà chưa chắc giỏi đó là thực tế nên mình không thích. Chỉ cần đồng nghiệp, phụ huynh và chính học sinh công nhận mình là đủ rồi.
Có lẽ vì thế mà bao nhiêu năm cô chưa một lần được vinh danh trên các hội thi nhưng cứ nhắc đến cô thì nhiều người không khỏi buông lời khen ngợi “cô M. thật giỏi”.
Mục đích thi giáo viên dạy giỏi cũng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh. Thế nhưng phong trào thi giáo viên dạy giỏi của ngành giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được điều đó. Người đạt danh hiệu chưa chắc giỏi, người không danh hiệu lại thật sự giỏi giang.
Vậy có nên duy trì và tồn tại một phong trào chỉ làm đẹp cho các báo cáo, làm đủ cho các mục tiêu mà chẳng giúp gì được cho việc nâng chất lượng học tập của học sinh thì có nên chăng?