LTS: Việc tổ chức Hội thi giáo viên giỏi nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ những người làm trong ngành giáo dục.
Theo thầy giáo Thanh An, để giáo viên đồng tình ủng hộ hội thi này cần được thay đổi về cách tổ chức hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chủ đề thi giáo viên giỏi liên tục được người trong cuộc lên tiếng và xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm qua.
Việc thi giáo viên giỏi để tìm ra những giáo viên ưu tú cho ngành là cần thiết nhưng vì sao lại không được đồng tình ủng hộ từ phía giáo viên?
Đó chính cách tổ chức, cách ghi nhận, tôn vinh với giáo viên chưa tương xứng nên họ không thiết tha với hội thi này.
Bản thân chúng tôi cũng đang là giáo viên dạy lớp, cũng đã từng tham gia rất nhiều lần, đã từng chứng kiến đơn vị mình được chọn làm đơn vị tổ chức thi thực hành nên chúng tôi nhìn thấy hội thi còn rất nhiều điều bất cập, hạn chế đang rất cần sự điều chỉnh.
Để giáo viên tích cực tham gia Hội thi giáo viên giỏi, cần phải thay đổi cách tổ chức hiện nay. Ảnh: Baoquangbinh.vn |
Nếu hội thi được tổ chức đúng như tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, nếu người chấm, người thi trung thực thì chẳng có gì phải nói và đó là một điều đáng ca ngợi, ghi nhận thành quả của từng cá nhân, đơn vị.
Nhưng, thực tế cách tổ chức của một số địa phương đang làm vẩn đục hội thi, vị thế hội thi bị lu mờ khiến cho người đi thi không cảm thấy đó là niềm tự hào để tự nguyện tham gia nhằm khẳng định bản thân mình.
Và, ngay cả với một số em học trò cũng có cái nhìn không mấy tốt đẹp với những người đang dạy tiết dạy được gọi bằng cái tên mĩ miều “thi giáo viên giỏi” bởi một số thầy cô đã hướng cho các em những tiết học chưa trung thực còn nặng tính phô diễn.
Trước ngày thi, giáo viên tham dự hội thi đến các trường làm quen trước với các em học sinh lớp mình được bố trí dạy thực hành trước.
Biện minh, bênh vực thì Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi vẫn chỉ hình thức |
Một số giáo viên thì họ chỉ đến làm quen là để biết lớp nằm ở vị trí nào, tình hình lớp học tập ra sao để đưa ra những hoạt động giảng dạy phù hợp cho tiết dạy sắp tới.
Nhưng, có nhiều giáo viên đến là dặn dò rất kỹ lưỡng từng hoạt động của mình trong tiết dạy được phân công.
Có nhiều giáo viên in sẵn tập câu hỏi, đề cương để phát cho học sinh, dặn là tiết dạy đó, cô sẽ hỏi thế này, thế này…
Có một lần tôi vào lớp dạy tiết học bình thường, học sinh đưa cho tôi một tờ giấy A4 và nói cô thi giáo viên giỏi hẹn các em chuẩn bị ở nhà trước các câu hỏi nhưng nhiều quá và có một số câu hỏi khó nhờ thầy chỉ các em.
Tôi cầm tờ giấy thấy có tới 18 câu hỏi đã đánh máy sẵn mà thấy… hoảng. Phải nói rằng giáo viên chuẩn bị “quá kĩ” cho 1 tiết dạy thực hành của mình.
Vì thế, tiết dạy sắp tới thì những hoạt động trên lớp sẽ được tuần tự theo từng câu hỏi mà thầy cô đã đưa sẵn cho học trò từ trước.
Thường, khi trường có giáo viên tham dự hội thi thì Ban giám hiệu, tổ chuyên môn luôn tạo điều kiện để giáo viên thực hiện tốt tiết dạy của mình.
Vì thế, trước khi thi tiết chính thức ở đơn vị bạn là các giáo viên “nháp” vài tiết ở trường mình.
Tổ chuyên môn, đồng nghiệp dự giờ, góp ý kỹ lưỡng những hạn chế để giáo viên tham dự nhuần nhuyễn từng hoạt động của bài học và căn đúng với thời gian tiết dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng.
Vì thế, ngày dạy thật là giáo viên làm lại những gì đã chuẩn bị trước đó. Thử hỏi, những tiết học đó là tiết “dạy” hay là “diễn” đây?
Không chỉ những tiết thực hành có vấn đề mà ngay cả phần thi năng lực, thi Sáng kiến kinh nghiệm cũng có muôn vàn chuyện để nói.
Nói thật, có nhiều điều kinh khủng lắm mà chúng tôi đã chứng kiến, đã nghe phản ánh từ những người trong cuộc ở một số địa phương đã từng tham gia hội thi này mà chúng tôi không muốn kể lên đây.
Chỉ biết rằng có những hội thi tổ chức đang phát sinh nhiều những tiêu cực, nhiêu khê và phiền toái cho cả thầy và trò.
Mỗi lần tổ chức hội thi, kinh phí phải chi tốn kém vô cùng. Chi cho Chủ tịch, Phó tịch Hội đồng, các ủy viên, ban giám khảo với rất nhiều khâu như ra đề, tổ chức thi lý thuyết, chấm lý thuyết, chấm Sáng kiến kinh nghiệm, chấm thực hành.
Vậy nhưng, những người được công nhận giải cũng vàng - thau lẫn lộn. Nói thật, nếu Ban giám hiệu không “động viên” thì chẳng có giáo viên nào thiết tha với hội thi này.
Có lẽ, những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy không bao giờ phản đối Hội thi giáo viên giỏi các cấp mà ngành đang phát động. Bởi, ai cũng muốn cống hiến, muốn khẳng định bản thân mình.
Nhưng, nhiều giáo viên không đồng tình với cách làm, cách tổ chức của một số cấp (trường-phòng-sở) hiện nay.
Chẳng hạn, chỉ trong cùng một học kỳ mà lãnh đạo Phòng Giáo dục cùng tổ chức Hội thi giáo viên giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi để làm gì?
Vừa gây căng thẳng cho giáo viên, nội dung 2 hội thi này lại chồng chéo lên nhau. Trong khi đối tượng tham gia thi, người chấm thi gần như vẫn là những con người đó trong cùng một thời điểm!
Làm sao để Hội thi giáo viên giỏi hiệu quả
Thứ nhất: Ngành giáo dục cần giảm bớt các hội thi, cuộc thi hiện nay của cả giáo viên và học sinh.
Bởi, giáo viên đã có quá nhiều hội thi rồi, thêm học sinh cũng vậy mà học sinh thi cũng đồng nghĩa giáo viên phải hướng dẫn, ôn tập.
Vì thế, cần chắt lọc những hội thi phù hợp vừa có thể thúc đẩy chất lượng giáo dục, vừa bớt áp lực, bội thực cho giáo viên và nhà trường.
Thứ hai: Một số Thông tư của Bộ, hướng dẫn của Sở hiện nay khi xét thi đua từ danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên là yêu cầu phải là giáo viên giỏi.
Chẳng hạn, Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT ban hành ngày 31/12/2015 quy định tại mục a của Điều 10 về xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cở sở như sau:
“Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên”.
Chính vì quy định như vậy nên nhiều người dù có một số thành tích khác nhưng cứ phải thòng thêm “điều kiện” là giáo viên giỏi. Thấp nhất cũng phải là giáo viên giỏi cấp trường.
Thứ ba: Khi chọn người coi thi, ban giám khảo cần chú ý những người có đủ khả năng, uy tín để tạo được sự cảm phục cho người thi.
Bởi, thực tế nhiều giám khảo được bố trí là các thành viên Ban giám hiệu các trường - trong đó có nhiều người đã nhiều năm không dạy. Vì vậy, khi góp ý không trúng được nội dung mà giáo viên thể hiện.
Thứ tư: Công tác thi đua, khen thưởng cần chú trọng và xét công tâm, có những ưu tiên cho giáo viên đứng lớp mới là động lực cho giáo viên phấn đấu và cống hiến.
Nếu còn tình trạng nhìn mặt bỏ phiếu thì sẽ rất khó kích thích giáo viên tham gia các Hội thi. Bởi, người làm cũng như người không thì sai còn hứng thú để phấn đấu và thi thố với mọi người.
Thi giáo viên giỏi là một trong những tiêu chí thi đua của nhà trường, của ngành để tìm ra những nhân tố tích cực cho ngành nhưng với cách làm như hiện nay của một số địa phương thì chuyện giáo viên e ngại đến với hội thi âu cũng là một lẽ rất đỗi bình thường.