LTS: Chỉ ra những gam màu sáng – tối trong bức tranh của ngành giáo dục năm 2018, nhà giáo Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm 2018 có lẽ là năm mà ngành giáo dục bị chấn động bởi khá nhiều chuyện. Chuyện vui thì quá ít, chuyện buồn dày đặc trên các báo chí, truyền thông.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự đánh giá xem ngành giáo dục đã gặt hái được những gì? Và bùng nổ những mảng màu xám xịt trước công luận thế nào?
Những mảng sáng – tối của giáo dục năm 2018 (Ảnh minh họa: baohagiang.vn) |
Những gam màu sáng
Năm 2018 thật sự làm một năm đánh dấu thành công vượt bậc của các kỳ thi học sinh giỏi. Đây là năm ngành giáo dục của chúng ta đã phá kỉ lục tại Olympic quốc tế.
Với 38/38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương. Trong đó, có 13 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 11 huy chương đồng.
Ở bậc đại học, 2018 cũng là năm đầu tiên 2 cơ sở đào tạo đại học lọt vào top 1.000 trường của thế giới là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2018 cũng được đánh giá là năm có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tăng cao.
Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2018 tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tăng cao trung bình là 84% (chưa tính số người đi học tiếp), nhiều trường đạt từ 85 - 97%.
Những gam màu tối
Gian lận điểm thi Sơn La, không thể khôi phục dữ liệu gốc bằng niềm tin |
Kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 xảy ra vụ gian lận điểm thi chưa từng có trong lịch sử các kì thi quốc gia. Những gian lận không chỉ xảy ra ở một tỉnh thành mà quy mô liên tỉnh.
Với 347 bài thi bị can thiệp ở Hà Giang và Sơn La, nhiều bài thi ở Sơn La, Hòa Bình vẫn chưa thể phục hồi hiện trạng ban đầu (bài thi gốc). Một số thí sinh đáng ra bị rớt bỗng trở thành á khoa, thủ khoa.
Số điểm gian lận tăng đến mức không thể tin nổi. Có em tăng 26.8 điểm, thậm chí là 29.25. Hàng chục cán bộ quản lý giáo dục bị bắt giam, bị khởi tố.
Và điều còn day dứt, ám ảnh mãi với bao người vẫn chưa có câu trả lời “Còn bao nhiêu địa phương gian lận thi như thế nhưng chưa bị lộ? Liệu Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chỉ là cá biệt?”.
Bạo lực học đường gia tăng đến mức chóng mặt. Nhiều vụ bạo hành xảy ra với mức độ kinh khủng và được đánh giá chỉ trong phim mới có.
Phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ gối ở Bình Chánh. Cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng. Cô giáo ở Sài Gòn bắt học sinh tự tát vào mặt 32 cái. Cô giáo Quảng Bình phạt học sinh tát bạn 231 cái…
Nạn xâm hại tình dục trong nhà trường gia tăng mỗi lúc một nguy hiểm và khó kiểm soát. Điển hình nam giáo viên ở huyện Hoài Đức Hà Nội, giáo viên tiếng Anh ở Bình Dương dâm ô hàng loạt học sinh tiểu học.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) dâm ô hàng loạt nam sinh trong trường. Giáo viên thể dục ở Đắc Lắc hiếp dâm nữ sinh lớp 8…
Sự suy đồi đạo đức của những người tự xưng là cha mẹ ở trường đã đến mức báo động.
Ngoài chuyện giáo viên dâm ô, hiếp dâm hàng loạt học sinh. Thầy cô còn đi buôn bán ma túy, chích sì ke.
Nhiều vụ giáo viên lợi dụng uy tín để cướp giật tiền tỷ diễn ra ở nhiều địa phương. Có giáo viên còn bịa ra chuyện nhặt được tiền, vàng để trả lại người đánh mất.
Việc sản xuất, phát hành sách giáo khoa ở Nhà xuất bản giáo dục như thế nào? |
Sự độc quyền sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam trong suốt cả một thời gian dài (16 năm) gây lãng phí hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn báo lỗ 40 tỷ đồng/năm.
Dù liên tục lỗ, chiết khấu sách giáo khoa vẫn ở mức cao, lên đến 250 tỷ đồng/năm khiến dư luận bất nình.
Sự lãng phí trong việc phát hành sách giáo khoa còn biểu hiện ở chỗ bắt học sinh sử dụng một lần rồi bỏ.
Bên cạnh đó, với lý do chỉnh lý lại sách mới (thực chất chỉ thay đổi hình thức) buộc học sinh phải thay sách giáo khoa liên tục hàng năm.
Sự áp đảo của những gam màu tối đã làm cho bức tranh ngành giáo dục của chúng ta phủ một màu u ám.
Hậu quả là niềm tin của người dân vào nền giáo dục nước nhà rệu rã và không còn được như trước nữa.
Đã đến lúc những nhà quản lý giáo dục cần mạnh dạn cắt bỏ những ung nhọt, trị thương để giáo dục được hồi sinh trở lại.