Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra đầu tháng 8, trả lời báo chí về những “khuất tất”, gian lận thi cử tại Sơn La cũng như việc khôi phục bài thi gốc của thí sinh có khả thi.
Đại điện Bộ Giáo dục và Đào tạo – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện Bộ Công an vào cuộc rất quyết liệt, với các phương tiện máy móc công nghệ cao, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tin sẽ lấy lại được điểm gốc cho thí sinh.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho hay: “Hiện chưa có kết quả cuối cùng. Đến khi có kết luận cuối cùng của Bộ Công an, Bộ sẽ có phương án để đảm bảo công bằng, khách quan cho thí sinh”.
Cũng Liên quan đến vụ việc ở Sơn La, trả lời báo chí về thông tin đĩa CD lưu dữ liệu bài thi bị Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến mang đi đốt, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng: “Đĩa bị đốt thì nghĩa là dữ liệu để in được ra đĩa vẫn còn lưu trong máy quét và việc khôi phục lại dữ liệu sẽ được tiến hành trên máy quét chứ không phải làm trên đĩa nữa.
Do vậy, chúng tôi hy vọng sẽ tìm lại được dữ liệu gốc bài thi của thí sinh. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra”.
Rất đông người dân đứng trước nhà đối tượng Nguyễn Thị Hồng Nga (gần trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) xem cơ quan chức năng bắt tạm giam bị can. Ảnh: CTV cung cấp. |
Việc “phù phép” điểm thi tại tại tỉnh này, ngày 31/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố 5 bị can (trong đó bắt tạm giam 3 đối tượng và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 đối tượng).
Cụ thể 5 bị can gồm ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; bà Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; bà Cầm Thị Bun Sọn - Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng; ông Đặng Hữu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu) và ông Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Nói về phương thức gian lận điểm thi tinh vi của Sơn La, như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh Sơn La hoàn toàn khớp với file ảnh được xuất ra để gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để lưu lại. Như vậy, việc chấm thẩm định lại bài thi trắc nghiệm hoàn toàn không có ý nghĩa, vì kết quả cho ra sẽ y nguyên điểm ban đầu.
Bí thư Tỉnh ủy cũng phải chịu trách nhiệm với gian lận điểm thi |
Đáng chú ý, có một chi tiết quan trọng đó là có gói dữ liệu ảnh bài thi bị biến mất và nhiều khả năng đây mới chính là hình ảnh bài thi gốc của thí sinh khi chưa bị can thiệp.
Không ít chuyên gia khi phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tham vấn chỉ ra rằng, thủ đoạn gian lận điểm thi ở Sơn La diễn ra một trong hai khả năng. Khả năng thứ nhất là chụp ảnh bài thi gốc của thí sinh và lưu lại trong máy tính, sau đó mới can thiệp vào kết quả trên file text.
Trước nguy cơ bị lộ (thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo lập tổ xác minh điểm thi tại Hà Giang), đối tượng đã rút bài thi gốc của thí sinh ra can thiệp bằng cách tẩy, xóa. Sau khi thực hiện xong, họ chụp ảnh lại và ghi đè file ảnh này lên file ảnh gốc.
Để hợp thức hóa về thời gian chụp ảnh (theo quy định là phải chụp cuối tháng 6 đầu tháng 7), việc sửa lại thời gian ở máy chủ trước khi quét lại là không có gì khó.
Khả năng thứ hai có thể xảy ra là sau khi nhận bài thi gốc của thi sinh ở điểm thi về, họ tiến hành sửa trực tiếp trên bài thi, sau đó mới đưa vào quét. Tuy nhiên, khả năng này đòi hỏi sự công phu, mất thời gian và tinh vi hơn.
Chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng cho rằng, xóa dữ liệu bằng phần mềm chống khôi phục dữ liệu sẽ rất khó khôi phục được dữ liệu. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA phân tích: “Nếu xóa dữ liệu trên máy tính bằng cách thông thường và còn ổ cứng máy tính đó thì hoàn toàn có thể lấy lại được dữ liệu bằng các phần mềm khôi phục dữ liệu. Còn ổ cứng cũng bị hủy thì sẽ không thể lấy lại được dữ liệu.
Trong trường hợp người xóa dữ liệu dùng phần mềm chống khôi phục dữ liệu gốc sẽ rất khó lấy lại được dữ liệu. Để khôi phục được dữ liệu phải dùng phần mềm rất chuyên nghiệp khôi phục dữ liệu, nhưng cũng khó lấy được 100%”.
Một trong những thông tin cho rằng, những đĩa CD chứa dữ liệu gốc đã bị ông Trần Xuân Yến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La mang ra một nghĩa trang đốt. Vậy câu hỏi đặt ra có công cụ, phần mềm nào khôi phục được dữ liệu từ đống tro tàn không?
Về việc này, ông Võ Đỗ Thắng khẳng định: “Hủy đĩa CD chứa dữ liệu gốc bằng cách đốt thành tro thì không có cách nào khôi phục được”.
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, có phương tiện máy móc hiện đại, nhưng việc khôi phục dữ liệu bài thi gốc không phải đơn giản. Ảnh: Văn Việt/ Báo Công Lý |
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn, giám định dân sự, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho rằng: “Rất khó để khôi phục dữ liệu nếu người xóa có chủ ý xóa sạch dữ liệu. Như vậy, sẽ rất khó khôi phục được dữ liệu”.
Còn về việc đĩa những CD chứa dữ liệu gốc bị đốt, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng khẳng định: “Không thể khôi phục được. Đã đốt rồi sao khôi phục được dữ liệu”.
Một trong những vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay đó là việc can thiệp, tẩy xóa bài thi trắc nghiệm có phát hiện được hay không.
Về việc này, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng cho biết: “Công nghệ, kỹ thuật hiện đại, cùng với những con người giỏi chuyên môn bằng biện pháp kỹ thuật hiện đại trong giám định về chữ viết từ mẫu giám định tức là bài thi của thí sinh có thể xác định được các dấu hiệu sửa chữa trên bài thi.
Có thể xác định được, nhưng để xác định bài thi có cùng một loại mực hay không, chữ viết đồng thời hay chữ viết trước, chữ viết sau rất khó. Để xác định dấu hiệu trên không hề đơn giản và không phải mẫu giám định nào cũng xác định được.
Đối với bài thi dùng bút chì sẽ khó khăn hơn nhiều so với bút mực trong việc xác định dấu hiệu can thiệp, chỉnh sửa. Khó khăn không có nghĩa là không làm được. Nhưng để làm được ngoài máy móc, thiết bị hiện đại cũng cần con người rất giỏi chuyên môn, nghiệp vụ”.